Quy định về quản lý đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở

Nhà trường ban hành Quy định về quản lý đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở theo Quyết định số 704/QĐ-KHCN&HTPT ngày 04/10/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN.

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Văn bản này quy định việc quản lý đề tài khoa họccông nghệ (KHCN) cấp cơ sở (sau đây gọi tắt là đề tài cấp cơ sở), là đề tài do trường Đại học Công nghệ phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện.

Điều 2. Tiêu chí xét chọn đề tài

1. Đề tài có mục tiêu giải quyết vấn đề có tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn, phù hợp với định hướng NCKH và đào tạo của nhà trường.

2. Phương pháp và nội dung nghiên cứu phù hợp với mục tiêu và sản phẩm đầu ra của đề tài.

3. Kết quả nghiên cứu có tính mới và có giá trị về khoa học và công nghệ, có khả năng ứng dụng thực tế,được công bố trên các tạp chí khoa học hoặc đăng toàn văn trong kỷ yếu hội nghị khoa học trong nước, quốc tế có phản biện; sản phẩm công nghệ có thể ứng dụng thực tiễn.

4. Kết quả nghiên cứu phù hợp với kinh phí đề xuất của đề tài.

5. Chủ nhiệm đề tài và các thành viên tham gia có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm nghiên cứu; Ưu tiên các cán bộ khoa học là tiến sỹ trẻ mới làm việc tại trường, các cán bộ chưa thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

6. Chủ nhiệm đề tài tại thời điểm tuyển chọn không đồng thời chủ nhiệm một đề tài cấp cơ sở khác và khôngbị xử lý theo Điều 10 của quy định này.

7. Các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu và nội dung công việc của đề tài.

Điều 3. Yêu cầu đối với kết quả của đề tài

1. Các sản phẩm khoa học công nghệ của đề tài phải được thực hiện trong thời gian thực hiện đề tài.

2. Kết quả của đề tài chỉ được tính khi các ấn phẩm khoa học có ghi đầy đủ lời cảm ơn tài trợ của đề tài.

3. Kết quả của đề tài khi công bố dưới dạng các ấn phẩm khoa học phải ghi đầy đủ địa chỉ của Trường ĐHCN:

  • Tiếng Việt: Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội.
  • Tiếng Anh: University of Engineering and Technology, Vietnam National University, Hanoi (viết tắt là VNU-UET).

và cảm ơn tài trợ:

  • Tiếng Anh: This work has been [supported]/[partly supported] by VNU University of Engineering and Technology under Project/Lab.
  • Tiếng Việt: Công trình này được hỗ trợ bởi Trường Đại học Công Nghệ thông qua [Đề tài/Dự án/Phòng thí nghiệm].

Điều 4. Trách nhiệm của chủ nhiệm đề tài

1. Tổ chức triển khai đề tài theo hợp đồng đã được ký kết; Báo cáo tình hình thực hiện đề tài sau khi kết thúc 1/2 thời gian thực hiện đề tài đối với các đề tài có thời gian thực hiện lớn hơn hoặc bằng 2 năm.

2. Sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ, có hiệu quả theo nội dung của hợp đồng; thực hiện thanh, quyết toán kinh phí đề tài theo quy định.

3. Ký hợp đồng thuê khoán chuyên môn với các thành viên tham gia đề tài và nghiệm thu, thanh lý các hợp đồng thuê khoán chuyên môn theo quy định, trong trường hợp có thành viên khác tham gia đề tài.

4. Chủ nhiệm đề tài và các thành viên tham gia đề tài chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung công bố và kết quả nghiên cứu của đề tài (sản phẩm khoa học và sản phẩm công nghệ).

Điều 5. Thẩm định thuyết minh đề cương nghiên cứu

1. Hội đồng thẩm định được thành lập với nhiệm vụ đánh giá thuyết minh đề tài căn cứ vào các tiêu chí xét chọn đề tài quy định tại điều 2.

2. Hội đồng thẩm định chỉ họp khi có tối thiểu 2/3 tổng số thành viên Hội đồng có mặt.

3. Các đề xuất đề tài đạt điểm trung bình từ 70 điểm trở lên (thang điểm 100) được coi là đạt và được đưa vào danh sách phê duyệt đề tài

Điều 6. Điều chỉnh việc thực hiện đề tài

1. Điều chỉnh thời gian thực hiện: Nếu không thể hoàn thành đề tài đúng theo thời gian dự kiến ban đầu, chủ nhiệm đề tài phải có văn bản đề nghị được gia hạn trước khi kết thúc thời hạn thực hiện đề tài ít nhất 01 tháng.Mỗi đề tài được phép gia hạn một lần với thời gian gia hạn không quá 12 tháng.

2. Điều chỉnh thuyết minh đề tài: Ở thời điểm chưa quá 50% thời gian thực hiện đề tài, chủ nhiệm đề tài có thể đề nghị điều chỉnh thuyết minh đề tài (thay đổi thành viên thực hiện đề tài, điều chỉnh kinh phí các mục chi…).

3. Nội dung điều chỉnh chỉ có hiệu lực sau khi được Nhà trường phê duyệt bằng văn bản.

Điều 7. Dừng thực hiện đề tài

1. Đề tài phải dừng thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Chủ nhiệm đề tài không thể tiếp tục triển khai đề tài hoặc có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
  • Có lý do khách quan từ phía đơn vị chủ trì.

2. Trong trường hợp chủ nhiệm đề tài xin dừng thực hiện đề tài, chủ nhiệm đề tài phải có văn bản báo cáo Nhà trường về lý do dừng thực hiện đề tài để Nhà trường xem xét và quyết định việc thu hồi kinh phí.

Điều 8. Nghiệm thu đề tài

1. Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp cơ sở bao gồm các thành viên: 01 chủ tịch; 01 thư ký; 02 uỷ viên phản biện (là các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn, trong đó ít nhất 01 người là cán bộ ngoài trường) và ít nhất 01 ủy viên. Đối với các đề tài nghiên cứu triển khai ứng dụng cần có ít nhất 01 thành viên Hội đồng là chuyên gia đại diện đơn vị sử dụng kết quả nghiên cứu. Những người tham gia thực hiện đề tài hoặc là đồng tác giả của các sản phẩm đề tài thì không tham gia Hội đồng nghiệm thu.

2. Việc nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện của đề tài cần đảm bảo các yếu tố:

  • Đủ số lượng sản phẩm và đảm bảo chất lượng như đăng ký trong Thuyết minh đề tài;
  • Có báo cáo về tình hình sử dụng kinh phí;
  • Không vi phạm các quy định và nguyên tắc quản lý.
  • Thời gian thực hiện đề tài theo đúng hợp đồng và phụ lục gia hạn thời gian thực hiện đề tài (nếu có).

3. Hội đồng nghiệm thu đánh giá, xếp loại đề tài theo 4 mức: xuất sắc, tốt, đạt, không đạt. Các đề tài quá hạn mà không làm thủ tục gia hạn hoặc nộp hồ sơ làm thủ tục nghiệm thu không đúng thời gian quy định bị hạ một mức theo đánh giá của Hội đồng.

4. Hội đồng nghiệm thu phải tiến hành họp trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu.

Điều 9. Quản lý đề tài sau nghiệm thu

1. Chủ trì đề tài cần nộp các kết quả thực hiện đề tài cho phòng KHCN-HTPT để lưu trữ. Các kết quả thực hiện đề tài này bao gồm:

  • Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ (bản giấy và bản điện tử);
  • Sản phẩm của các hợp đồng thuê khoán chuyên môn (bản điện tử);
  • Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ (bản điện tử);
  • Phụ lục tổng hợp số liệu điều tra, khảo sát (nếu có, bản điện tử);
  • Bản đồ; bản vẽ; ảnh; tài liệu đa phương tiện; công bố khoa học (nếu có, bản điện tử);
  • Phần mềm (nếu có).

2. Phòng KHCN&HTPT có trách nhiệm kiểm tra và trình ký duyệt các bộ hồ sơ, trả lại 01 bộ cho Chủ nhiệm đề tài và lưu giữ 01 bộ theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Sau khi nghiệm thu, phòng KHCN-HTPT có trách nhiệm thông báo công khai kết quả thực hiện đề tài trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

4. Trong trường hợp có tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện đề tài, phòng KHCN&HTPT phối hợp với chủ nhiệm đề tài kiểm kê và xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.

5. Trường ĐHCN quản lý kết quả, sản phẩm của các đề tài. Việc sử dụng các kết quả, sản phẩm của các đề tài thực hiện theo quy định của pháp luật và của Đại học Quốc gia Hà Nội về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và các quy định khác có liên quan của Nhà nước.

Điều 10. Xử lý đối với đề tài không hoàn thành nhiệm vụ

1. Chủ nhiệm đề tài bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ trong các trường hợp:

  • Đã quá hạn 06 tháng so với thời hạn thực hiện đề tài (bao gồm thời gian gia hạn đề tài) mà đề tài chưa nghiệm thu được;
  • Đề tài không đủ khả năng tiếp tục thực hiện;
  • Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện đề tài ở mức “không đạt”.

2. Chủ nhiệm đề tài không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của Nhà nước và phải bồi hoàn toàn bộ hoặc một phần kinh phí đã được cấp theo kết quả đánh giá của Hội đồng nghiệm thu và kết quả xác minh kết quả kiểm tra, xác định nguyên nhân dẫn đến việc nhiệm vụ không hoàn thành.

3. Trong thời gian 02 năm kể từ thời điểm có quyết định xử lý vi phạm của nhà trường, chủ nhiệm đề tài không hoàn thành nhiệm vụ sẽ không được đăng ký làm chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở.

Điều 11. Quy trình thực hiện đề tài

1. Theo Phụ lục.

Bài viết liên quan