UET thúc đẩy môi trường học tập quốc tế với giảng viên đến từ Trường ĐH Paris-Saclay, Pháp
Trong khuôn khổ hợp tác đào tạo thạc sĩ chương trình liên kết quốc tế chuyên ngành Kỹ thuật Truyền thông và Dữ liệu do Trường Đại học Paris-Saclay cấp bằng, GS. TSKH Pierre Duhamel – Giảng viên Trường Đại học Paris-Saclay đã triển khai các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN (UET) vào tháng 11/2022. Đây là cơ hội để các sinh viên, học viên của Nhà trường được học tập, trao đổi và lĩnh hội tri thức từ chuyên gia, đồng thời tạo nên một môi trường giáo dục quốc tế sôi nổi, năng động.
Tiếp tục đồng hành trong hoạt động đào tạo và mở rộng hợp tác trong nghiên cứu
Trong chuyến công tác lần này, GS.TSKH Pierre Duhamel đã kết hợp giảng dạy cho các học viên khóa I của chương trình đào tạo Thạc sĩ liên kết chuyên ngành Kỹ thuật Truyền thông và Dữ liệu, cũng như sinh viên của Khoa Điện tử viễn thông.
GS đánh giá cao sự hỗ trợ về giáo trình, môi trường nghiên cứu của giảng viên Trường ĐH Công nghệ
Sau ba tuần làm việc và giảng dạy tại Trường ĐH Công nghệ, GS. TSKH Pierre Duhamel rất ấn tượng về môi trường nghiên cứu thân thiện, gần gũi cùng phong cách học tập cởi mở, tích cực tương tác hăng hái giữa sinh viên và giảng viên của Nhà trường. Giáo sư chia sẻ: “Sinh viên của Trường ĐH Công nghệ rất năng động, luôn sẵn sàng đặt câu hỏi và tích cực tương tác trong mỗi giờ học, bên cạnh đó, sự nhiệt tình hỗ trợ về mọi mặt, từ giáo trình đến môi trường nghiên cứu của các giảng viên Nhà trường là những điều vô cùng đáng quý, để lại những kỷ niệm thật tuyệt vời đối với tôi.”
GS. TSKH Pierre Duhamel luôn mang đến thật nhiều năng lượng trong mỗi buổi học, cùng với cách truyền tải kiến thức dễ hiểu và truyền cảm hứng. Với nhiều năm kinh nghiệm và đam mê nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xử lý tín hiệu số, trong quá trình giảng dạy, Giáo sư luôn khuyến khích người học tham gia nghiên cứu khoa học, không ngừng tìm tòi, khám phá và phát triển bản thân: “Tôi luôn muốn người học tham gia vào quá trình nghiên cứu, luôn vận động chứ không chỉ đơn giản là đang học tập, từ đó người học sẽ đặt ra những vấn đề thực tiễn và tìm ra giải pháp mới” – Giáo sư nhấn mạnh mong muốn gửi gắm đến các thế hệ sinh viên, học viên.
GS.TSKH Pierre Duhamel giảng dạy cho những học viên khóa I của chương trình đào tạo Thạc sĩ liên kết và sinh viên khoa Điện tử viễn thông
Ngoài công tác giảng dạy, GS. TSKH Pierre Duhamel còn là người tạo ra “cầu nối” giữa Trường ĐH Công nghệ và Trường ĐH Paris-Saclay trong nghiên cứu khoa học, khi trở thành đồng Trưởng phòng thí nghiệm Kết nối trí tuệ số thuộc Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ.
Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của phòng thí nghiệm này,Giáo sư đã có những buổi thảo luận với Viện trưởng Viện tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ – PGS.TS. Nguyễn Linh Trung, cùng các thành viên trong phòng thí nghiệm, từ đó, khẳng định việc hợp tác đào tạo và nghiên cứu giữa hai trường đại học sẽ phát triển khi có sự kết nối của nhóm nghiên cứu về trí tuệ kết nối số giữa các giảng viên, sinh viên của hai trường.
GS. TSKH Pierre Duhamel (thứ 3, từ phải sang) và PGS.TS. Nguyễn Linh Trung (thứ 4, từ phải sang) – Viện trưởng Viện tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ cùng các thành viên trong phòng thí nghiệm
GS. TSKH Pierre Duhamel cũng bày tỏ hi vọng sẽ luôn đồng hành cùng xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu hiệu quả giữa Trường ĐH Công nghệ và Trường ĐH Paris-Saclay bằng những dự án nghiên cứu chung của giảng viên hai đơn vị. Giáo sư sẽ tích cực giúp đỡ phía Viện nói riêng và Nhà trường nói chung để khởi động những dự án nghiên cứu trong thời gian sớm nhất. Theo kế hoạch, GS. TSKH Pierre Duhamel sẽ tiếp tục quay lại Trường ĐH Công nghệ để giảng dạy và nghiên cứu trong năm 2023.
Sinh viên hứng thú khi trải nghiệm môi trường học tập quốc tế
Phương pháp giảng dạy của GS.TSKH Pierre Duhamel đã tạo động lực và khơi gợi niềm hứng thú trong học tập, nghiên cứu đối với các sinh viên của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN. Sau những buổi học đó, sinh viên Khoa Điện tử viễn thông đều bày tỏ những ấn tượng sâu sắc khi được trải nghiệm phương pháp giảng dạy quốc tế, kiến thức chuyên môn sâu rộng từ vị giáo sư nổi tiếng, cũng như cơ hội tuyệt vời để học hỏi, rèn luyện và nâng cao trình độ tiếng Anh chuyên ngành của mình…
Sinh viên Ngô Lê Xuân Phúc (QH-2020) bày tỏ: “Tham gia lớp học của Giáo sư đến từ Trường ĐH Paris-Saclay, em được tiếp cận với phương pháp giảng dạy tiên tiến, tích cực, cũng như những lời khuyên từ thầy để nâng cao kỹ năng tự học cho mỗi sinh viên. Giáo sư luôn tạo không khí sôi nổi để xóa tan mọi rào cản về ngôn ngữ, đồng thời, Giáo sư cũng liên kết kiến thức của các môn học, giúp sinh viên hiểu sâu về kiến thức chuyên môn, tính liên ngành trong khoa học kỹ thuật và tiếp cận thực tế nhanh hơn”.
Sinh viên Ngô Lê Xuân Phúc (ngồi đầu tiên, bên trái ảnh) cùng sinh viên môn học Mạng truyền thông di động chụp ảnh kỷ niệm với GS. Pierre Duhamel
Cũng giống như Xuân Phúc, sinh viên Đặng Thị Thu Uyên (QH-2021) sau khi tham gia môn học Tín hiệu và hệ thống do GS.TSKH Pierre Duhamel trực tiếp đứng lớp, không chỉ “bỏ túi” được những kiến thức bổ ích mà còn được rèn luyện ngoại ngữ của bản thân, từ đó, Thu Uyên nhận thấy rằng mình cần trau dồi tiếng Anh chuyên ngành tốt hơn nữa để luôn sẵn sàng hội nhập quốc tế. Những buổi học này đã để lại cho Thu Uyên những kỷ niệm khó quên: “Những buổi học với các giảng viên quốc tế đã góp phần giúp cho sinh viên chúng em định hướng được chuyên ngành, tiếp cận những công nghệ kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Từ đó, chúng em có thêm những định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn, và hiểu hơn về môi trường công việc đa quốc gia sau khi tốt nghiệp”.
Sinh viên Đặng Thị Thu Uyên chụp ảnh kỷ niệm cùng GS.TSKH Pierre Duhamel
Có lẽ được tham gia những buổi học của giảng viên quốc tế luôn là những trải nghiệm quý giá đối với các sinh viên Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN. Trong tương lai, UET sẽ không ngừng nỗ lực mang đến nhiều hơn nữa những lớp học “quốc tế” như vậy, để sinh viên của Nhà trường được giao lưu, học hỏi và trao đổi về đề tài nghiên cứu, kỹ năng, phương pháp học tập mới từ các Giáo sư nổi tiếng với chuyên môn, kinh nghiệm cao tại các trường đối tác uy tín trên thế giới.
Từ năm 1975 đến 1980, GS. Pierre Duhamel làm việc tại Thomson-CSF (nay là Thales). Vào năm 1980, ông tham gia Trung tâm nghiên cứu quốc gia về Viễn thông (nay là Orange Labs). Trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến 2000, ông là Giáo sư tại Télécom ParisTech (ENST), Pháp. Ông từng là associate editor của tạp chí IEEE Transactions on Signal Processing và IEEE Signal Processing Letters. GS. Pierre Duhamel là giảng viên xuất sắc của IEEE vào năm 1999. Ông cũng là đồng chủ tịch của nhiều hội nghị quốc tế uy tín về Xử lý tín hiệu (bao gồm MMSP 2001, ICASSP 06, WCNC 2012). Ông đã được Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trao giải “Grand prix France Telecom” vào năm 2000. Ông cũng là thành viên của Hiệp hội xử lý tín hiệu Châu Âu (EURASIP) từ năm 2008.
GS. Pierre Duhamel là Chủ tịch của Hội đồng về Xử lý tín hiệu số từ năm 1996 đến năm 1998, một thành viên của Hội đồng về Xử lý tín hiệu cho Truyền thông cho đến năm 2001, và là một thành viên của Hiệp hội IEEE về Kỹ thuật xử lý tín hiệu cho Mạng và Truyền thông từ năm 2004 đến năm 2010.
Hiện tại, GS. Pierre Duhamel đang làm việc tại CNRS/L2S, CentraleSupélec, Đại học Paris-Saclay, nơi ông thực hiện các nghiên cứu về xử lý tín hiệu cho Truyền thông, xử lý tín hiệu/ảnh trong ứng dụng đa phương tiện.
GS. Pierre Duhamel đang tiến hành các nghiên cứu về về áp dụng các kết quả của lý thuyết thông tin cho lý thuyết truyền thông. GS. Pierre Duhamel đã xuất bản hơn 80 bài báo trên các tạp chí quốc tế và hơn 250 bài báo trong các hội nghị quốc tế và có 28 bằng sáng chế.
(UET-News)