UET: DẤU ẤN 2019
1. Trường ĐHCN kỷ niệm 15 năm thành lập, 20 năm truyền thống, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và tổ chức bộ máy.
Tại lễ gặp mặt kỷ niệm 15 năm thành lập, 20 năm truyền thống và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Việt Hà (thứ hai, bên trái ảnh), PGS. TS. Chử Đức Trình (ngoài cùng, bên trái ảnh) và TS. Nguyễn Anh Thái (ngoài cùng, bên phải ảnh) gửi những bó hoa tươi thắm cùng những lời chúc tốt đẹp nhất đến các nhà giáo lão thành và nguyên lãnh đạo Trường ĐHCN
2. Ra mắt khoa Công nghệ Nông nghiệp và tổ chức tuyển sinh đào tạo ngành Công nghệ Nông nghiệp bậc đại học từ năm học 2019-2020.
Lễ ra mắt Khoa Công nghệ nông nghiệp được tổ chức vào chiều ngày 25/03/2019. Khoa là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trực thuộc Trường ĐHCN
3. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Phó Hiệu Trưởng Phạm Bảo Sơn giữ chức vụ Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Giám đốc ĐHQGHN bổ nhiệm lại PGS.TS. Nguyễn Việt Hà giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) nhiệm kỳ 2019-2024.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã tới dự và trao Quyết định số 698/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho tân Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn tại Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCN thuộc ĐHQGHN, giữ chức vụ Phó Giám đốc ĐHQGHN vào sáng 4/7/2019
4. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh và lộ trình phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy hoạch và đảm bảo chất lượng đào tạo: (1) Quy mô tuyển sinh bậc đại học tiếp tục gia tăng, vượt mốc 1500 sinh viên/năm với chất lượng đầu vào tốt; (2) Phát triển thêm 02 chương trình đào tạo (CTĐT) chất lượng cao theo Thông tư 23 (gồm CTĐT Hệ thống thông tin, Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử) nâng tổng số CTĐT chất lượng cao theo thông tư 23 lên 4 ngành với quy mô hơn 1000 sinh viên, và 02 CTĐT kỹ sư Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ sư Công nghệ nông nghiệp;
(3) Tỷ lệ việc làm của sinh viên sau 1 năm tốt nghiệp vẫn duy trì ở nhóm cao nhất trong các trường kỹ thuật: Theo khảo sát K58 về tỷ lệ việc làm của sinh viên sau 1 năm tốt nghiệp đạt 96% và tương đối đồng đều ở các ngành đào tạo. Sinh viên làm việc trong khu vực tư nhân (47%) và liên doanh nước ngoài (36%) chiếm tỷ lệ cao hơn so với khu vực nhà nước. Điều đó cho thấy, thương hiệu và chất lượng đào tạo sinh viên của Nhà trường được xã hội và doanh nghiệp trong nước, quốc tế tín nhiệm; (4) Nhà trường đã nhận được chứng chỉ công nhận chương trình đào tạo Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử (Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa) đạt chuẩn chất lượng AUN-QA (ASEAN University Network – Quality Assurance) vào tháng 11/2019.
Tháng 11/2019, Nhà trường đã nhận được chứng chỉ công nhận chương trình đào tạo Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử (Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa) đạt chuẩn chất lượng AUN-QA
5. Đổi mới hoạt động giảng dạy là nhiệm vụ trọng tâm của ĐHQGHN nói chung và trường ĐHCN nói riêng. Năm 2019, Nhà trường đã xây dựng Đề án đổi mới giảng dạy giai đoạn 2019-2025 và đã thực hiện nhiều hoạt động đổi mới trong lĩnh vực đào tạo gồm tuyển sinh, chương trình đào tạo, hoạt động dạy và học, học liệu…
Các học phần lập trình cơ bản sinh viên được làm bài tập trực tuyến, bài được chấm tự động, qua đó giúp tăng cường khả năng tự học, tăng kiểm tra đánh giá thường xuyên với sinh viên. Các học phần khác thuộc nhóm này có bài giảng video, mô-đun thiết bị giúp sinh viên thực hành tốt hơn.
Học phần Tin học cơ sở 1, Trường đã xây dựng mô-đun học trực tuyến trên nền tảng trang web môn học. Đối với nhóm lập trình do khoa CNTT phụ trách (Tin học cơ sở 4, Lập trình nâng cao), năm học vừa qua có 800 sinh viên K62 sử dụng phần mềm trên trang http://uetcodehub.com với số lượt truy cập mỗi học kỳ khoảng 90.000, số lượt làm bài mỗi học kỳ khoảng 300.000, trung bình mỗi sinh viên làm 2 bài/ngày. Với môn Tin học cơ sở 4, sinh viên làm khoảng 200 bài trên hệ thống.
Hầu hết các học phần trong chương trình đào tạo được giảng dạy theo phương pháp truyền thống có sự hỗ trợ của công nghệ như trang website môn học, máy móc trang thiết bị thực hành, phòng thí nghiệm… Các môn đồ án trong các chương trình đào tạo kỹ sư, môn dự án, các vấn đề hiện đại trong các chương trình đào tạo cử nhân, các học phần của năm thứ ba, thứ tư có nội dung bài tập lớn – một dạng của project-based learning.
Việc sử dụng trang website môn học đã bước đầu hình thành cho sinh viên, giảng viên sự hứng thú và phương pháp giáo dục mới là học kết hợp – blended learning, kết hợp giữa lên lớp truyền thống và học trực tuyến, như nhóm môn lập trình của khoa CNTT.
Bên cạnh đó, Nhà trường sử dụng các phần mềm DoIt hỗ trợ người học kiểm tra, hoàn thiện khóa luận, luận văn, luận án; phần mềm chống sao chép mã nguồn được ứng dụng trong môn có nội dung lập trình.
6. Năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiếp tục được khẳng định: (1) thu hút được nhiều đề tài, dự án nghiên cứu với tổng kinh phí đạt 63 tỷ đồng, (2) công bố 243 bài báo trong đó có 80 bài báo trong danh mục ISI và SCOPUS; (3) Hoạt động sở hữu trí tuệ có bước phát triển mạnh: có 3 bằng sáng chế và 12 hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ được chấp nhận đơn; (4) Chính sách hỗ trợ công bố quốc tế, đăng ký sở hữu trí tuệ và phát triển các phòng thí nghiệm tiếp tục được thực hiện hiệu quả; (5) Nhiều sản phẩm KHCN được chuyển giao và xã hội đón nhận.
Hệ thống Tối ưu hóa lập lịch ca trực vận hành do phòng thí nghiệm Tối ưu hóa các hệ thống lớn (khoa CNTT) thực hiện, được Công ty Thủy điện Sơn La chính thức nghiệm thu việc triển khai và áp dụng thành công tại hai nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu
Bản đồ số Việt Nam (Vmap) và Hệ thống thông tin nhân đạo – iNhandao” trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá”, do nhóm nghiên cứu Trung tâm Giám sát hiện trường và Khoa CNTT thực hiện, đã được chính thức đưa vào thử nghiệm
Sản phẩm thương mại hóa trạm thu di động tín hiệu truyền hình vệ tinh ứng dụng trên tàu biển, do GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – Giám đốc Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Micro – Nano (khoa VLKT&CNNN), chủ nhiệm đề tài cùng các nhà khoa học thuộc Trường triển khai thực hiện
Dự án “Hệ thống nước bền vững áp dụng Công nghệ 4.0” do nhóm nghiên cứu hỗn hợp giữa Đại học Công nghệ Sydney và Trường Đại học Công nghệ nhận được tài trợ 1 triệu đô la Úc tại Chương trình đổi mới sáng tạo Aus4Innovation. Dự án nhằm xây dựng các cộng đồng bền vững tại đồng bằng Sông Hồng và Phú Yên
– Bằng độc quyền sáng chế “Phương pháp mã hóa và giải mã video phân tán” của nhóm tác giả TS. Đinh Triều Dương (khoa ĐTVT); “Thiết bị chuyển đổi năng lượng sóng biển sâu” – PGS.TS. Đặng Thế Ba; “Quy trình mã hóa liên khung hình hỗ trợ xác định khối ảnh lặp lại, giảm kích thước chuỗi bit sau mã hóa và loại bỏ hiệu ứng do sai số lượng tử cho khối ảnh lặp lại” – PGS.TS. Trần Xuân Tú và nhóm tác giả.
7. Nhà trường tăng cường, đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên bằng các hoạt động: Nhà trường đã phát động cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội” và chương trình Dự án hỗ trợ khởi nghiệp (Mã số 844.04.NV06.ĐHCN.04-19) của Bộ Khoa học và công nghệ. Qua đó, chương trình tổ chức các chuỗi hội thảo, tọa đàm định hướng khởi nghiệp với mục đích mang tới cái nhìn tổng quan về xu thế công nghệ và thực trạng hiện nay cho sinh viên về các lĩnh vực Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Cơ học kỹ thuật và tự động hóa, Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano. Từ đó, sinh viên có cái nhìn mới về khởi nghiệp, truyền cảm hứng trong việc xây dựng ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp và khả thi. Ngoài ra, chương trình còn là cầu nối giữa sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp với nhau, cùng các doanh nghiệp thông qua việc gặp mặt, tiếp xúc tại hội thảo. Từ đó, sinh viên có cơ hội được đào tạo, nâng cao kiến thức liên quan đến khởi nghiệp hướng đến gọi vốn thành công.
Các sinh viên nhận quà tặng tại buổi lễ phát động cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội” và chương trình Dự án hỗ trợ khởi nghiệp (Mã số 844.04.NV06.ĐHCN.04-19) vào sáng ngày 5/9/2019
Chuỗi sự kiện “Ngày hội Sáng tạo công nghệ – Innovation Day 2019” phát động phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học được tổ chức vào ngày 20/11/2019
Tích cực tuyên truyền, phát động sinh viên tham gia các cuộc thi trong lĩnh vực khởi nghiệp, sở hữu trí tuệ như cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo”, gameshow “Bản quyền và sáng tạo”…
Mô hình liên câu lạc bộ “Kết nối doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển sản phẩm, khởi nghiệp” của Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên Trường ĐHCN là mô hình duy nhất tại khu vực phía Bắc được trao tặng Giải thưởng 9/1
Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên Trường thành lập mô hình liên câu lạc bộ “Kết nối doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển sản phẩm, khởi nghiệp”. Đây là mô hình duy nhất tại khu vực phía Bắc được trao tặng Giải thưởng 9/1 tại hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội sinh viên Việt Nam mở rộng lần thứ 3. Mô hình được hình thành bởi ba câu lạc bộ: Câu lạc bộ Nguồn nhân lực (HRTech), Câu lạc bộ Điện tử và Tự động hoá (UETX) và Câu lạc bộ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học và Khởi nghiệp mới thành lập (LoM) dưới sự chỉ đạo của Hội Sinh viên trường.
8. Nhiều tập thể, cá nhân Trường ĐHCN đạt nhiều thành tích trong công tác: (1) Trường đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và được Giám đốc ĐHQGHN tặng bằng khen; Khoa CHKT&TĐH và Phòng KHCN&HTPT được tặng cờ đơn vị dẫn đầu thi đua của ĐHQGHN;
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải (ngoài cùng, bên trái ảnh) và Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn (ngoài cùng, bên phải ảnh) tặng Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho Trường ĐHCN tại Hội nghị công chức, viên chức và tổng kết năm học 2018-2019 vào ngày 5/7/2019
(2) 02 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS.TS Chử Đức Trình – Khoa ĐTVT và GS. TS Hoàng Nam Nhật – Khoa VLKT&CNNN), 02 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư (PGS. TS Nguyễn Hoài Sơn – Khoa CNTT và PGS.TS Bùi Thanh Tùng – Khoa ĐTVT); TS. Hoàng Văn Xiêm đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng và Sinh viên Vũ Hương Giang (K62ĐB, Khoa Điện tử Viễn thông) đạt Danh hiệu Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ KHCN phối hợp trao tặng;
Năm 2019, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã ban hành quyết định số 68/QĐ-HĐGSNN về việc công nhận các nhà giáo đạt chức danh GS, PGS, trong đó Trường ĐHCN vinh dự có thêm 02 GS và 02 PGS mới là GS. TS. Chử Đức Trình – Khoa Điện tử Viễn thông, GS.TS. Hoàng Nam Nhật – Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano, PGS.TS. Nguyễn Hoài Sơn – Khoa Công nghệ Thông tin và PGS.TS. Bùi Thanh Tùng – Khoa Điện tử Viễn thông
(3) Trường tiếp tục có đội tuyển tham dự vòng chung kết toàn cầu kỳ thi ACM/ICPC; đạt giải cao trong các kỳ thi An toàn thông tin khu vực ASEAN (giải nhì), IEEE SEACAS Hackathon (giải nhất), Code War toàn quốc (giải vô địch); đạt 02 giải nhì thực nghiệm, 03 giải nhì trắc nghiệm, 01 giải ba bài tập và 01 giải khuyến khích bài tập tại kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ XXII; đạt 01 giải Nhất, 3 giải Nhì và 4 giải Ba tại kỳ thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc năm 2019.
(UET-News)