Tự chịu trách nhiệm phù hợp với đặc trưng sáng tạo và đột phá
PGS.TS. NGƯT Hà Quang Thụy là một trong những nhà giáo đã nghiên cứu, làm việc 39 năm ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nói chung và Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) nói riêng. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2017, PGS. TS. Hà Quang Thụy đã có những chia sẻ tâm huyết về sự phát triển và lớn mạnh của ĐHQGHN.
PGS.TS. Hà Quang Thụy (bên phải ảnh) nhận Huân chương lao động Hạng Ba tại Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Với nhiều năm kinh nghiệm học tập, làm việc và nghiên cứu tại ĐHQGHN, suy nghĩ của thầy về sự phát triển của ĐHQGHN nói chung và Trường ĐHCN nói riêng như thế nào?
Tôi xin nêu lại một vài sự kiện gần đây của Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) mà theo tôi đã góp phần nâng cao sự phát triển của ĐHQGHN. Cụ thể, sản phẩm DoIt của nhóm nghiên cứu gồm các thành viên là PGS. TS. Phạm Bảo Sơn, PGS. TS. Nguyễn Việt Hà, PGS. TS. Lê Anh Cường, TS. Võ Đình Hiếu và các cộng sự đạt Giải NHÌ sản phẩm lĩnh vực công nghệ thông tin tiềm năng cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2017; ba sinh viên Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Thị Cẩm Vân cùng bảy sinh viên của các trường đại học trên cả nước đạt giải thưởng Honda YES năm 2017; đội tuyển sinh viên Trường ĐHCN gồm Phạm Văn Hạnh, Phan Đức Nhật Minh, Nguyễn Duy do thầy Hồ Đức Phương là huấn luyện viên đạt thứ hạng 34/128 trong Vòng thi chung kết toàn cầu ACM/ICPC vào tháng 5/2017 và Trường ĐHCN là trường đại học dẫn đầu Việt Nam với sáu lần tham dự vòng chung kết toàn cầu ACM/ICPC vào các năm 2007, 2008, 2009, 2015, 2016, 2017.
Những sự kiện nêu trên cho thấy sự thành công của ĐHQGHN trong quá trình xây dựng một trung tâm đại học đa lĩnh vực chất lượng cao. Cùng với các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa và ngôn ngữ nước ngoài và các lĩnh vực khác, lĩnh vực công nghệ của ĐHQGHN đã đạt được trình độ tiên tiến quốc gia, có yếu tố của trình độ tiên tiến thế giới. Đồng thời, năng lực bồi dưỡng nhân tài của ĐHQGHN không chỉ ở mức phổ thông trung học mà đã bổ sung thêm ở mức đại học chuyên nghiệp. Điều này cũng cho thấy ĐHQGHN không chỉ có năng lực to lớn về mảng khoa học xã hội và nhân văn mà còn có tiềm năng không nhỏ về mảng công nghệ trong hoạt động tư vấn về lý luận và chính sách quốc gia.
Từ những ngày đầu thành lập đến nay, theo Phó Giáo sư những đặc trưng nổi bật của ĐHQGHN cũng như của Trường ĐHCN trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo là gì?
Theo quan niệm cá nhân của tôi, những đặc trưng nổi bậtcủa Trường ĐHCN chúng ta phản ánh những đặc trưng nổi bậtchung của ĐHQGHN. Trong bài viết nhân dịp Kỷ niệm mười năm thành lập Trường ĐHCN, tôi có đề cập tới hai đặc trưng (có thể được coi là hai bản sắc điển hình) của Nhà trường.
Thứ nhất, tinh thần dân chủ của Trường ĐHCN trở thành một giá trị cốt lõi có tính bền vững và là một trong các yếu tố quan trọng nhất đảm bảo sự thành công của Nhà trường. Tinh thần dân chủ của Nhà trường dựa trên tinh thần dân chủ trong toàn Đảng bộ là một yếu tố quan trọng nhất tạo động lực xây dựng và phát triển Nhà trường. Tinh thần dân chủ của Trường ĐHCN (và các đơn vị tiền thân) có nguồn gốc từ bản sắc của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN). Tôi trân trọng nghị quyết của Đảng ủy Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) ủng hộ chủ trương thành lập Khoa Công nghệ trực thuộc ĐHQGHN dựa trên khoa Công nghệ thông tin và khoa Điện tử viễn thông, hai khoa có tiềm năng phát triển cao của Trường ĐHKHTN thời đó.
Sự ủng hộ và hỗ trợ của ĐHQGHN, của Trường ĐHKHTN là một yếu tố quan trọng đóng góp vào thành công của Trường ĐHCN chúng ta ngày nay, mang đậm bản sắc dân chủ trong ĐHQGHN.
Thứ hai, “bồi dưỡng nhân tài” – một đặc trưng của Trường ĐHCN – cần được bồi đắp để hình thành một giá trị cốt lõi bản sắc. Những sự kiện đã được đề cập trên đây cũng đã thể hiện rỏ nét đặc trưng – bản sắc bồi dưỡng nhân tài của Nhà trường và ĐHQGHN.
Theo Phó Giáo sư, để ĐHQGHN ngày càng phát triển và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu của các trường đại học thành viên trong đó có Trường ĐHCN, thì quan điểm phát triển trong thời gian tới của ĐHQGHN sẽ như thế nào?
Đầu tiên, tôi hết sức vui mừng đón nhận thông tin tập trung đầu tư của Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục đất nước nói chung và ĐHQGHN nói riêng trong hoàn cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều thách thức.
ĐHQGHN (và Trường ĐHCN) cần tham gia tích cực vào việc triển khai chương trình của Nhà nước đào tạo 9.000 tiến sỹ với tổng kinh phí là 12.000 tỷ đồng. Tôi quan niệm rằng, chương trình đào tạo Tiến sỹ này cần được triển khai tại các cơ sở khoa học – công nghệ tiên tiến ở nước ngoài song song với việc được triển khai tại các cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao trong nước.
ĐHQGHN cần đề xuất với Nhà nước phương án các trường đại học thành viên trong ĐHQGHN trở thành các đầu mối tham gia chương trình đào tạo Tiến sỹ nói trên nhằm đào tạo Tiến sỹ làm giảng viên kế cận cho mình và các cơ sở giáo dục khác trong cả nước. Đối tượng tham gia chủ yếu là giảng viên tạo nguồn của Nhà trường (các sinh viên xuất sắc mới tốt nghiệp) cùng với một bộ phận có chọn lọc từ các nguồn ứng viên khác. Quyền lợi của Nghiên cứu sinh, tại các cơ sở đào tạo (trong đó có tập thể hướng dẫn) cần tương xứng với các Nghiên cứu sinh được gửi đi nghiên cứu ở nước ngoài. Hình thức tổ chức đào tạo hoặc là nội lực toàn phần hoặc có phối hợp với cở sở khoa học – công nghệ tiên tiến ở nước ngoài.
Hình thức triển khai thực hiện chương trình đào tạo Tiến sỹ như vậy hướng tới các mục tiêu. Thứ nhất là, hình thành môi trường tiên tiến đào tạo Tiến sỹ chất lượng cao ngay tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam là các trường đại học thành viên của ĐHQGHN. Thông qua đó, nâng cao sức thu hút các nghiên cứu sinh Tiến sỹ là người nước ngoài tới các trường đại học thành viên của ĐHQGHN. Thứ hai là, bổ sung trực tiếp các Tiến sỹ trẻ vào đội ngũ giảng viên của các trường đại học thành viên của ĐHQGHN, mà thông qua đó, hình thành được các nhóm nghiên cứu tập trung về các chủ đề nghiên cứu hiện đại có liên quan tới chủ đề luận án của các Tiến sỹ trẻ. Hoạt động đào tạo Tiến sỹ chất lượng cao đóng góp rất lớn vào hoạt động khoa học – công nghệ chất lượng cao cũng như hoạt động quan hệ quốc tế của các trường đại học thành viên và ĐHQGHN. Phương án thực hiện chương trình đào tạo Tiến sỹ chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục đại học tiên tiến trong nước cũng góp phần vào việc kích cầu kinh tế cho hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ trong nước.
ĐHQGHN (và Trường ĐHCN) tham gia tích cực vào việc triển khai chương trình của Nhà nước xây dựng ba trung tâm đại học hiện đại với kinh phí 5.000 tỷ đồng theo hướng đưa ra được các mốc thời gian cụ thể khai thác được cơ sở hạ tầng kết quả triển khai chương trình. Mong muốn của tôi là vào năm 2022 có ít nhất một trường đại học thành viên của ĐHQGHN tổ chức thực hiện phần lớn các hoạt động đào tạo – nghiên cứu của mình dựa trên cơ sở hạ tầng hiện đại từ kết quả triển khai chương trình.
Cuối cùng, Phó Giáo sư có những tâm tư như thế nào muốn gửi gắm đến lãnh đạo ĐHQGHN nói chung và Trường ĐHCN nói riêng?
Tôi xin gửi gắm một đề đạt của mình tới các đồng chí lãnh đạo ĐHQGHN như từng phát biểu trong dịp học tập, triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương 7 khóa 10 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước là “đã lắng nghe rồi xin lắng nghe hơn nữa, đã thấu hiểu rồi xin thấu hiểu hơn nữa” các đơn vị thành viên và đội ngũ giảng viên – cán bộ. Tạo động lực làm cho các trường đại học thành viên mạnh cho một kết yếu là ĐHQGHN mạnh. Chúng tôi rất mong muốn được ĐHQGHN xem xét, quyết định một cơ chế tự chủ – tự chịu trách nhiệm tại Trường ĐHCN phù hợp với đặc trưng sáng tạo và đột phá của ĐHQGHN.
Tôi cũng xin nhắc lại một gửi gắm trong bài viết nhân dịp kỷ niệm mười năm thành lập Trường ĐHCN là Trường chúng ta cần luôn trân trọng, phát huy được và làm phong phú thêm các đặc trưng vốn có về tinh thần dân chủ, về bồi dưỡng nhân tài, về tinh thần sáng tạo và đột phá.
Xin chân thành cảm ơn Phó Giáo sư!
PGS.TS. Hà Quang Thụy – Tuyết Nga (thực hiện) (Bản tin ĐHQGHN số 321)