Trường Đại học Công nghệ ký thỏa thuận tài trợ dành cho các chuyên gia nước ngoài về khoa học công nghệ (thuộc Dự án FIRST)
Ngày 20/08, được sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Ngân hàng Thế giới, Ban Quản lý Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (gọi tắt là Dự án FIRST) và Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN đã ký thỏa thuận khoản tài trợ dành cho các chuyên gia giỏi nước ngoài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Hợp phần 1A) đối với nhiệm vụ do Phòng thí nghiệm trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB) đề xuất.
Với đề xuất nghiên cứu “Phát triển bộ phát tín hiệu băng kép cho thiết bị IoT ứng dụng trong nông nghiệp”, Phòng thí nghiệm trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh đã hợp tác với GS. Phạm Huỳnh Anh Vũ, Trung tâm Nghiên cứu Sóng siêu cao tần tại Đại học UC Davis, bang California, Hoa Kỳ – một trong những trung tâm nghiên cứu nổi tiếng tại Hoa Kỳ trong lĩnh vực thiết kế RFIC và MMIC với mục tiêu nghiên cứu thiết kế các lõi IP cho vi mạch thu phát tín hiệu băng kép cho các thiết bị IoT. Ngoài ra, nhiệm vụ khoa học này còn có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Qualcom (TS. Arvind Keerti) và các nhà khoa học đến từ Đại học Công nghệ Sydney, Úc (thông qua Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu và Đổi mới Công nghệ – JTIRC).
Lễ ký kết diễn ra thành công
Đây là khoản tài trợ thuộc hợp phần tài trợ dành cho các chuyên gia giỏi nước ngoài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – được cấp cho các tổ chức công lập hoặc tư nhân nhằm khuyến khích các nhà khoa học giỏi nước ngoài (trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài) đến Việt Nam và hợp tác với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nhân ở Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong đợt tài trợ lần này 13 hồ sơ đến từ 9 đơn vị đã được chọn để trao tài trợ, cụ thể như sau:
1. An toàn, bảo mật phần cứng: Phương pháp, công nghệ và ứng dụng – Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn;
2. Nghiên cứu phát triển vật liệu xúc tác quang dạng nổi, ứng dụng xử lý nước ô nhiễm tại Việt Nam – Học viện Nông nghiệp Việt Nam;
3. Tiếp thu công nghệ tính toán Mưa, Lũ lớn cho các lưu vực sông liên Quốc gia trong điều kiện hạn chế hoặc không có dữ liệu đo đạc – Áp dụng thử nghiệm cho lưu vực sông Đà-Thao (bao gồm cả phần lưu vực thuộc lãnh thổ Trung Quốc) – Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc Gia về động lực học sông biển –Học viện Thủy lợi Việt Nam;
4. Phân tích và phát hiện mã độc sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo – Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn;
5. Tái chế chất thải rắn thuộc da chứa crom – Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới –Viện nghiên cứu Da–Giầy;
6. Nghiên cứu và phát triển bộ phát tín hiệu băng kép cho thiết bị Internet-of-Things ứng dụng trong nông nghiệp – Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội;
7. Tiếp thu và làm chủ công nghệ trích ly có sự hỗ trợ của màng chất lỏng để xử lý và thu hồi các ion kim loại có giá trị trong chất thải điện tử – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội;
8. Phát triển công nghệ mô phỏng số để thiết kế tối ưu lớp vật liệu mặt đường bê tông nhựa có khả năng kháng hằn lún trong điều kiện giao thông và khí hậu của Việt Nam – Phân hiệu Trường Đại học Giao thông vận tải tại TP HCM;
9. Hợp tác chuyển giao công nghệ thiết kế chế tạo vi mạch thu phát năng lượng thấp – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội;
10. Nghiên cứu ứng dụng vật liệu cácbon cấu trúc nanô trong việc nâng cao các tính chất cơ học của lớp mạ điện công nghiệp – Viện Khoa học Vật liệu;
11. Tiếp thu và làm chủ công nghệ khai thác ảnh vệ tinh của Hoa kỳ trong đánh giá thực trạng, dự báo năng suất phục vụ đổi mới quản lý sản xuất ngô tại Việt Nam – Học viện Nông nghiệp Việt Nam;
12. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Nhật Bản để hoàn thiện quy trình sản xuất phôi bò in-vivo tại Việt Nam – Học viện Nông nghiệp Việt Nam;
13. Nắm bắt và làm chủ công nghệ mạ kim loại thân thiện môi trường trên bề mặt một số vật liệu cách điện – Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên.
Phát biểu tại Lễ ký kết Thỏa thuận tài trợ giữa Lãnh đạo Ban quản lý Dự án FIRST với đại diện các đơn vị thụ hưởng diễn ra vào sáng ngày 20/8/2018, ông Lương Văn Thắng (Giám đốc Dự án FIRST) cho biết: “13 đề xuất được tài trợ đợt này sẽ khép lại vòng tài trợ cuối cùng của Dự án sau hơn 5 năm vận hành. FIRST cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đơn vị thụ hưởng với tinh thần phục vụ cao, trách nhiệm và chia sẻ”
Theo ông Tạ Bá Hưng – Cán bộ phụ trách Hợp phần 1A, trọng tâm của công tác thu hút và sử dụng chuyên gia giỏi người Việt Nam ở nước ngoài được FIRST thực hiện là việc tài trợ các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc cùng các đối tác hữu quan.
Thông qua 3 vòng kêu gọi, Dự án FIRST đã thu hút sự quan tâm của trên 600 chuyên gia giỏi nước ngoài có thiện chí và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với các đối tác, viện, trường đại học và doanh nghiệp trong nước để giải quyết các vấn đề cụ thể trong nghiên cứu, đào tạo và sản xuất, kinh doanh. Các chuyên gia giỏi nước ngoài đã cùng các đối tác trong nước xây dựng và nộp 212 đề xuất/tiểu dự án cụ thể. Dự án FIRST đã xem xét, lựa chọn và tài trợ cho gần 90 chuyên gia giỏi nước ngoài, trong đó có 29 chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện 38 tiểu dự án cụ thể với tổng tài trợ 5,4 triệu USD.
Thông tin báo chí:
– VnExpress: Chuyên gia nước ngoài giúp Việt Nam làm dự án trọng điểm
– Báo Hà Nội mới: Tài trợ 90 chuyên gia giỏi ở nước ngoài về Việt Nam hợp tác nghiên cứu khoa học
– Tạp chí Khoa học và phát triển: Dự án FIRST: Thúc đẩy sự hợp tác giữa chuyên gia giỏi nước ngoài với các tổ chức KH&CN trong nước
– Tạp chí Công thương: 13 đề xuất nghiên cứu nhận hỗ trợ chuyên gia giỏi nước ngoài
(UET-News)