Trường Đại học Công nghệ định hướng nghiên cứu và tiến tới tiếp cận đại học định hướng đổi mới sáng tạo

   Hệ thống đánh giá chất lượng đại học Việt Nam (University Performance Metrics – http://upm.vn/, viết tắt là UPM) vừa công bố kết quả xếp hạng chỉ số nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam năm 2019. Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) được đánh giá xếp hạng đại học định hướng nghiên cứu tổng thể 5/5 sao trong nhóm 800 – 1000 điểm. Trong đó, có 5/8 tiêu chí được xếp hạng 5 sao.  

    Trường Đại học Công nghệ định hướng nghiên cứu

    UPM là một bảng xếp hạng theo hình thức gắn sao (star rating) áp dụng cho các trường đại học của Việt Nam. Vừa qua, hệ thống UPM đã công bố kết quả xếp hạng chỉ số nghiên cứu các trường đại học Việt Nam, trong đó Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) về “Tổng thể” xếp hạng theo đại học định hướng nghiên cứu được đánh giá 5/5 sao. Trong đó, các tiêu chí như “Quản trị chiến lược”, “Đào tạo”, “Nghiên cứu”, “Công nghệ thông tin và tài nguyên số”, “Phục vụ cộng đồng” được xếp hạng đánh giá 5/5 sao.

Trường ĐHCN được đánh giá xếp hạng đại học định hướng nghiên cứu tổng thể 5/5 sao trong nhóm 800 – 1000 điểm trên hệ thống đánh giá chất lượng đại học Việt Nam (University Performance Metrics – http://upm.vn)

    Ngay từ khi Trường ĐHCN được thành lập theo Quyết định số 92/2004/QĐ-TTg ngày 25/05/2004 của Thủ tướng Chính phủ, sứ mạng của Nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học – công nghệ tiên tiến; tiên phong tiếp cận chuẩn mực giáo dục đại học khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế và xã hội tri thức của đất nước. Sứ mạng này hoàn toàn phù hợp và thống nhất với chủ trương, giải pháp và các mục tiêu của Chương trình đổi mới toàn diện giáo dục đại học mà Đảng và Nhà nước đang triển khai thực hiện. Đây cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để tiêu chí “Quản trị chiến lược” của Nhà trường được hệ thống UPM xếp hạng 5/5 sao. Bởi vì chiến lược phát triển, kế hoạch trung hạn và ngắn hạn của Nhà trường đã phản ánh tầm nhìn, sứ mạng và văn hóa cũng như các mục tiêu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, định hướng đổi mới sáng tạo và xây dựng đại học thông minh thích ứng với yêu cầu của công nghiệp 4.0.

    Bên cạnh đó, các nội dung “Triển khai thực hiện” và “Kiểm định và xếp hạng” của Nhà trường cũng được hệ thống UPM đánh giá 5/5 sao. Từ khi thành lập cho đến nay, Trường đã thực hiện 03 đợt đánh giá vào năm 2007, 2012, 2016 và đánh giá giữa chu kỳ vào năm 2019. Về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, Trường ĐHCN thực hiện kiểm định 04 chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn của mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN) và đánh giá theo tiêu chuẩn của ĐHQGHN đối với 06 chương trình đào tạo.

Nhiều chương trình đào tạo của Nhà trường đã được kiểm định đạt tiêu chuẩn mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á AUN

    Với mục tiêu trở thành trường đại học nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và ứng dụng công nghệ hàng đầu của Việt Nam, Nhà trường luôn đẩy mạnh việc phát triển các tổ chức khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị, tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo; ưu tiên các hoạt động khoa học liên ngành, công nghệ xanh; tăng cường nguồn lực tài chính; thực hiện các chính sách khoa học công nghệ… Chính những hoạt động này đã cho thấy sự hiệu quả trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, thể hiện bằng việc đánh giá tiêu chí “Nghiên cứu” được xếp hạng 5/5 sao, trong đó các nội dung “Công bố quốc tế” (100/100 điểm), “Chất lượng nghiên cứu” (50,5/60 điểm), “Giải thưởng khoa học công nghệ” (20/20 điểm) đều được đánh giá cao. Năm 2019, toàn trường đã công bố 241 bài báo trong đó có 81 bài trong hệ thống ISI/Scopus. Nhà trường luôn tự hào có đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên trình độ cao có học vị tiến sĩ trở lên chiếm tỷ lệ 64,6%, trong đó tỉ lệ giáo sư và phó giáo sư đạt 19,6% năm học 2018-2019. Do vậy, tỉ lệ trung bình trên giảng viên bài báo ISI và Scopus công bố là 3,97, vượt chuẩn đánh giá của hệ thống UPM là 1,5. Tỉ trọng nguồn thu trung bình từ các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp đạt 28% tổng thu (năm học 2018-2019 là 37.3%, năm học 2017-2018 là 36.2%), vượt chuẩn của hệ thống UPM là 15% tổng thu. 

   Ngoài ra, mô hình trường đại học nghiên cứu của Trường ĐHCN còn được khẳng định qua việc thực hiện tự đánh giá theo tiêu chí đại học nghiên cứu của Bộ tiêu chuẩn ĐHQGHN. Từ năm 2016 đến năm 2018, Trường ĐHCN đều đạt mức 4/4 theo đánh giá của ĐHQGHN về các tiêu chí của trường đại học nghiên cứu. Cụ thể là thành tích nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, chất lượng đào tạo, mức độ quốc tế hóa, cơ sở hạ tầng phụ vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. (nguồn: http://qac.uet.vnu.edu.vn/?p=3446).

   Sau gần hai mươi năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHCN đã và đang từng bước thực hiện nhiệm vụ và dần khẳng định là một trường đại học có vị thế, uy tín trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước. Thương hiệu của Nhà trường một lần nữa được khẳng định qua sự đánh giá của UPM dựa trên tiêu chí “Đào tạo” được xếp hạng 5/5 sao. Trong đó, có 9/15 nội dung được xếp hạng gắn 5/5 sao. Những xếp hạng “sao” được thể hiện bởi tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ đạt 75%, tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư đạt 25%. Cùng những thế mạnh trong chất lượng đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh của Nhà trường sau 20 năm đã tăng lên hơn 1.000 chỉ tiêu. Đặc biệt, năm 2019 Trường đã tuyển sinh đạt 1.515/1.460 chỉ tiêu, với quy mô đào tạo 5.600 sinh viên và người học. Hiện nay, Trường tổ chức đào tạo 35 chương trình đào tạo. Chất lượng đào tạo được xã hội ghi nhận, đánh giá cao bằng các tiêu chí “Mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng”, “Việc làm của người học”, “Mức độ hài lòng của người học” với tỷ lệ 80-95% đánh giá cao từ phía nhà tuyển dụng và sinh viên khảo sát.

    Tiếp cận đại học định hướng đổi mới sáng tạo

    Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số hóa đã tạo nên sự biến đổi to lớn và nhanh chóng đối với kinh tế, xã hội và giáo dục. Vì vậy, các tiêu chí đánh giá của hệ thống được xây dựng khá rộng theo tiếp cận kiểm định chất lượng và thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Trường ĐHCN cũng không nằm ngoài xu hướng chung trong việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng.

    Do vậy, thông qua hệ thống UPM Trường ĐHCN được cung cấp các chỉ số nghiên cứu giúp Nhà trường nhận diện, đối sánh và xác định các chính sách phát triển hợp lý để tiếp cận với mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo. Nhóm nghiên cứu hệ thống UPM nhận định: “Trong mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo, đặc trưng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là triết lý, mục tiêu và phương thức gia tăng giá trị, đồng thời là giải pháp và khả năng thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 của trường đại học. Đặc trưng thông minh và kết nối thực – ảo là phương thức và giải pháp sử dụng các công nghệ 4.0 hiện đại để triển khai triết lý và mục tiêu giáo dục đã nêu. Kết hợp hai đặc trưng này chính là mô hình 4.0 mà tất cả các cách phân loại hiện nay đang hướng đến”.

Trường ĐHCN trở thành đối tác với nhiều doanh nghiệp, trường đại học, viên nghiên cứu trong nước và quốc tế

    Đối với Trường ĐHCN, các tiêu chí như “Đổi mới sáng tạo” và “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo” được UPM xếp hạng 4/5 sao; “Mức độ quốc tế hóa” xếp hạng 3/5 sao. Trong đó, có các nội dung của các tiêu chí được đánh giá 5/5 sao gồm “Kinh phí nghiên cứu và đổi mới sáng tạo”, “Số doanh nghiệp khởi nghiệp, spin-off”, “Đối tác doanh nghiệp”, “Giảng viên quốc tế”, “Giảng viên đi trao đổi”, “Hội nghị, hội thảo quốc tế”, “Hợp tác quốc tế về nghiên cứu”.

    Qua việc xếp hạng theo hình thức gắn sao này, Nhà trường sẽ đánh giá, tự đo lường được phương hướng tiếp cận và thích ứng với cách mạng công nghệ 4.0 để xây dựng chiến lược đầu tư phát triển. Dựa trên nền tảng của hệ thống UPM, Nhà trường sẽ có những đổi mới trong các công tác quản trị triết lý phát triển, quản trị sự thích ứng 4.0, đối sánh và quản trị mục tiêu, công cụ quản trị chiến lược thí chứng của đại học 4.0 – hệ thống UPM, quản trị chất lượng UET qua UPM.

Hệ thống UPM là sản phẩm của nhóm triển khai đề tài khoa học thuộc Chương trình khoa học quốc gia về Khoa học giáo dục do GS.TS Nguyễn Hữu Đức, TS Võ Đình Hiếu, ThS Nguyễn Hữu Thành Chung, TS Nghiêm Xuân Huy (ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hiện. Nhóm nghiên cứu đưa ra 8 tiêu chuẩn với 60 tiêu chí đánh giá xếp hạng trong UPM. Mô hình đại học mà UPM tiếp cận là mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo.

Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan