Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN: Điểm đến về trao đổi học thuật và giao lưu quốc tế
Trong bối cảnh hội nhập và xu thế toàn cầu hóa giáo dục, nằm trong khuôn khổ hợp tác của chương trình Global Wales Partnership, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) đã trở thành điểm đến lý tưởng cho hoạt động trao đổi học thuật và giao lưu văn hóa của đoàn giảng viên và sinh viên Đại học South Wales – Vương Quốc Anh từ ngày 21/5-23/5/2024. Đây không chỉ là cơ hội để hai trường thêm gắn kết mối quan hệ hợp tác, sinh viên có cơ hội học tập trong môi trường quốc tế, mà còn là nơi trao đổi các nghiên cứu ý nghĩa về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp – một lĩnh vực đầy tiềm năng trong bối cảnh công nghệ số hiện nay.
Global Wales là chương trình hợp tác đa bên giữa chính phủ xứ Wales và các đơn vị giáo dục sở tại nhằm kiến tạo các hợp tác quốc tế với Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam và nhằm giới thiệu nền giáo dục đại học, sau đại học của xứ Wales ra quốc tế. Trong khuôn khổ chương trình, Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN đã có nhiều hoạt động trong việc nâng cao năng lực giảng viên, môi trường nghiên cứu qua các hợp tác với các trường đại học ở Vương quốc Anh, bao gồm: Đại học Aberystwyth, Đại học South Wales (Vương quốc Anh) từ năm 2021 đến nay.
Chương trình làm việc và giao lưu giữa đoàn giảng viên, sinh viên Đại học South Wales – Vương Quốc Anh và các sinh viên, giảng viên Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN bắt đầu với phần giới thiệu của hai trường trong không khí thân thiện và nồng nhiệt của toàn thể sinh viên và giảng viên. Những ngày tham gia trao đổi và giao lưu học thuật tại UET, TS. Mabrouka Abuhmida, TS. Robert Whittey cùng các sinh viên của Đại học South Wales và Trường ĐH Công nghệ đã cùng nhau tìm hiểu về lịch sử, chương trình đào tạo của hai bên. Bên cạnh đó, giảng viên và cán bộ Trường ĐH Công nghệ, ĐH South Wales cũng đã có buổi trao đổi các nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua những buổi trao đổi học thuật, sinh viên hai trường đại học đã có thêm những bài học bổ ích, thú vị, đồng thời còn có cơ hội tham gia khoá học ngắn AI Upskilling Workshop, gắn kết hơn tình bạn giữa các sinh viên Việt Nam – UK.
Toàn thể đoàn giảng viên, sinh viên Đại học South Wales – Vương Quốc Anh và các sinh viên, giảng viên Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN
Chia sẻ về ấn tượng sau khi tham gia hoạt động giảng dạy, trao đổi học thuật tại Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN, hai giảng viên ĐH South Wales đều đánh giá cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn và sự say mê học hỏi của sinh viên UET. TS. Robert Whittey cho biết: “Trong ba ngày qua, tôi và sinh viên UET đã có những buổi trao đổi về chuyên môn lẫn cuộc sống hằng ngày của các bạn trẻ. Điều làm tôi đánh giá cao ở các bạn sinh viên là sự cởi mở, năng lực ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn vững chắc để trao đổi với giảng viên quốc tế”. Đối với các giảng viên đến từ UK, chương trình giao lưu giữa hai trường đại học là một kỷ niệm đẹp, bởi thông qua cơ hội này, giảng viên và sinh viên được gặp gỡ, hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, cũng như về môi trường đào tạo, nghiên cứu, cơ sở vật chất hiện đại tại UET.
TS. Robert Whittey – giảng viên ĐH South Wales
TS. Mabrouka Abuhmida cũng bày tỏ niềm yêu thích đối với đất nước và con người Việt Nam nói chung, Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN nói riêng. Tiến sĩ chia sẻ đây là một đất nước xinh đẹp với những con người hiếu khách và tốt bụng. Workshop này nằm trong dự án của Global Wales nhằm tăng cường hợp tác giữa các trường đại học xứ Wales và các trường đại học Việt Nam. “Lý do mà tôi cùng với đoàn giảng viên, sinh viên ĐH South Wales lựa chọn điểm đến để trao đổi học thuật là Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN, bởi vì Việt Nam là một đất nước đang ngày càng phát triển với nhiều cơ hội mở rộng hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu. Đồng thời, GS.TS. Andrew Thomas – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh Aberystwyth (Vương quốc Anh) đã từng hợp tác Trường ĐH Công nghệ trước đó và đã giới thiệu với chúng tôi về môi trường, con người tại UET, thế nên dù có một vài lựa chọn khác, nhưng đoàn giảng viên, sinh viên ĐH South Wales vẫn quyết định lựa chọn điểm đến là Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN”.
TS. Mabrouka Abuhmida giới thiệu ĐH South Wales
Lần đầu tiên đến với Việt Nam, các sinh viên đến từ ĐH South Wales cũng không ngần ngại bày tỏ sự hào hứng, thích thú cũng như tình cảm yêu mến dành cho sinh viên, giảng viên và môi trường học tập tại Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN. Chia sẻ về thời gian trải nghiệm học tập tại UET, sinh viên Fasih Malik, ĐH South Wales cho biết: “Các bạn sinh viên UET rất năng động, chủ động tương tác với giảng viên và sinh viên quốc tế, sẵn sàng đặt các câu hỏi với giảng viên và thoải mái trao đổi thông tin, học hỏi từ phía các thầy cô ĐH South Wales. Mặc dù lần đầu đến Trường ĐH Công nghệ, nhưng chúng tôi không phải lo lắng khi sinh hoạt trong môi trường mới, bởi vì các bạn sinh viên UET rất thân thiện và nhiệt tình chỉ dẫn cho mỗi sinh viên trong đoàn về việc ăn ở, đi lại trong khuôn viên ĐHQGHN hoặc những chuyện cá nhân của mỗi sinh viên trong đoàn”.
Sinh viên Fasih Malik, ĐH South Wales
Những ấn tượng sâu sắc không chỉ đọng lại trong tâm trí của những sinh viên quốc tế mà đối với những sinh viên UET, đây thực sự là một khoảng thời gian tuyệt vời khi được học hỏi thêm kiến thức từ các giảng viên nước ngoài, kết nối bạn bè quốc tế, nâng cao năng lực ngoại ngữ cũng như tự tin thể hiện bản thân. Sinh viên Lưu Thị Quỳnh Trang (QH-2020), Khoa Công nghệ Nông nghiệp chia sẻ về lợi ích khi tham gia chương trình này: “Thông qua bài giảng, thảo luận và phân tích các nghiên cứu, Giáo sư của ĐH South Wales đã đem đến cho sinh viên và giảng viên Trường ĐH Công nghệ những kiến thức, góc nhìn tiếp cận mới mẻ về chủ đề trí tuệ nhân tạo ứng dụng lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh công nghệ số. Đối với bản thân, em có thêm nhiều kiến thức chuyên môn để có thể bổ sung vào đồ án tốt nghiệp liên quan đến ứng dụng AI vào lĩnh vực nông nghiệp. Chủ đề này khiến em thực sự hứng thú và đây là cơ hội tốt để học hỏi, tương tác với chuyên gia về xu thế AI trong lĩnh vực nông nghiệp như dự báo thời gian, dịch bệnh… của cây, từ đó có sự vận dụng phù hợp vào chuyên môn và thực tiễn sau này. Ngoài ra, khi tham gia những khóa học này, em có thêm những mối quan hệ bạn bè quốc tế, được trải nghiệm và trau dồi kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, tìm kiếm cơ hội học bổng, giao lưu văn hóa và đặc biệt là học tập, nghiên cứu trong môi trường quốc tế”.
Sinh viên Lưu Thị Quỳnh Trang
Sau hoạt động trao đổi học thuật, giao lưu tại Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN, đoàn giảng viên và sinh viên ĐH South Wales đều sẵn sàng lựa chọn Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN khi có những cơ hội hợp tác mới. TS. Mabrouka Abuhmida khẳng định: “Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới Trường ĐH Công nghệ và ĐH South Wales sẽ có những hoạt động hợp tác thông qua các chương trình nghiên cứu học thuật khác. Qua đó, chúng tôi sẽ có cơ hội được quay lại Trường ĐH Công nghệ để làm việc, nghiên cứu với những giảng viên, sinh viên nhiệt huyết và đam mê”.
Giao lưu, trao đổi học thuật quốc tế không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương lai cho sinh viên UET, mà còn phù hợp với xu thế và chiến lược phát triển của Trường ĐH Công nghệ nói chung, Khoa Công nghệ nông nghiệp nói riêng, TS. Lê Thị Hiên – Phó Chủ nhiệm khoa Công nghệ nông nghiệp nhận định. “Trong năm 2023, với khuôn khổ immerse course giữa Trường ĐH Công nghệ và Trường ĐH Công nghệ và Thiết kế Singapore về chủ đề ứng dụng công nghệ tiên tiến cho phát triển nông nghiệp bền vững, sinh viên của các Khoa Công nghệ nông nghiệp, Viện Trí tuệ nhân tạo, Khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano cùng sinh viên Singapore đã cùng nhau đề xuất các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm. Khoa Công nghệ nông nghiệp đang hợp tác với Trường Đại học của Đức và Thái Lan về ứng dụng Iot trong thiết kế hệ tưới chính xác cho cây sắn. Trong khuôn khổ hợp tác này một nghiên cứu sinh của Khoa đã sang Đức học tập trao đổi ba tháng. Khoa Công nghệ nông nghiệp đã, đang và sẽ hợp tác với Liên minh Trung tâm nông nghiệp nhiệt đới quốc tế và đa dạng sinh học (Alliance of Biodiversity and CIAT International center of Tropical Agriculture) để sinh viên năm thứ ba đi thực tập doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng trong môi trường làm việc quốc tế về ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Các hợp tác trao đổi học thuật quốc tế này giúp cho sinh viên và nghiên cứu sinh không chỉ tiếp cận với các kiến thức chuyên môn mới mà còn nâng cao các kỹ năng giao tiếp quốc tế, làm việc chuyên nghiệp và hợp tác nhóm hiệu quả”.
Sinh viên năm thứ ba Khoa Công nghệ nông nghiệp thực tập tại Liên minh Trung tâm nông nghiệp nhiệt đới quốc tế và đa dạng sinh học (Alliance of Biodiversity and CIAT International center of Tropical Agriculture)
Một số hình ảnh tại khoá học ngắn AI Upskilling Workshop
GS.TS. Lê Huy Hàm – Chủ nhiệm khoa Công nghệ nông nghiệp phát biểu tại khóa học
TS. Đinh Trần Hiệp – Giảng viên khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa trình bày báo cáo “vision-based tomato leaf disease detection: An overview”
TS. Mabrouka Abuhmida và TS. Đinh Trần Hiệp trao đổi tại buổi giao lưu
Sinh viên ĐH South Wales hỗ trợ sinh viên khoa Công nghệ nông nghiệp, Trường ĐH Công nghệ tại khóa học
Đại học South Wales là đại học công lập lâu đời với hơn 180 năm lịch sử là một trong những trường đại học lớn nhất Vương quốc Anh với bốn cơ sở chính trải dài khắp miền Nam xứ Wales: Cardiff, Pontypridd (với cơ sở Treforest và Glyntaff) và Newport. Bên cạnh đó, Đại học South Wales của Vương Quốc Anh vinh dự là top 06 tại UK về mức độ hài lòng của sinh viên đối với lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý với các chuyên ngành Kế toán và Tài chính, Quản trị Nhân sự, Marketing và Quản lý Chuỗi cung ứng (theo Guardian University Guide 2024).
(UET-News)
Bài viết liên quan:
Nâng cao năng lực giảng viên, môi trường nghiên cứu qua các hợp tác với các trường đại học châu Âu