Trường Đại học Công nghệ đạt 5 sao theo Hệ thống xếp hạng đối sánh UPM do Việt Nam phát triển
Ngày 18/8/2020, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Ban thư ký Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network – AUN) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế về “Đối sánh chất lượng giáo dục đại học” và giới thiệu hệ thống xếp hạng đối sánh do Việt Nam phát triển mang tên “University Performance Metrics” (UPM), đồng thời công bố kết quả xếp hạng đối sánh và gắn sao lần đầu tiên cho 28 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và ASEAN. Trong đó, Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) là một trong năm cơ sở giáo dục đạt xếp hạng 5 sao.
Hội thảo có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc điều hành mạng lưới AUN – TS.Choltis Dhirathiti, đại diện các cơ sở giáo dục đại học và các nhà khoa học. Về phía Trường ĐHCN có GS.TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; GS. TS. Nguyễn Hữu Đức – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, chủ trì đề tài Hệ thống xếp hạng đối sánh UPM.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo quốc tế tổ chức ngày hôm nay. Xin cảm ơn sự nỗ lực và kết quả nghiên cứu của Nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, việc xây dựng và vận hành hệ thống đối sánh chất lượng giáo dục đại học University Performance Metrics (UPM) có rất nhiều ý nghĩa. Trước hết, là một trung tâm dữ liệu và phân tích, UPM có thể hỗ trợ tư vấn cho hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) quốc gia, cũng như các cơ sở GDĐH trong nước và trong khu vực. Các cơ sở GDĐH có thể sử dụng các tiêu chí của UPM để tự đánh giá kết quả các hoạt động, đồng thời sử dụng UPM như một công cụ để quản trị chiến lược, phát triển thương hiệu, phát triển đối tác. Người học có được những thông tin chính xác về các trường đại học để có thể lựa chọn trường, lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp tương lai. Người sử dụng lao động có cơ sở để xây dựng chiến lược tuyển dụng nhân sự, kế hoạch hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khuyến khích các cơ sở GDĐH Việt Nam nghiên cứu áp dụng và cũng khuyến nghị các trường đại học của các nước ASEAN tham khảo áp dụng các bộ chỉ số đánh giá có tính hữu dụng, hiệu quả, để đánh giá/đối sánh chất lượng các cơ sở GDĐH ở các nước trong khu vực. Bộ trưởng tin tưởng rằng quá trình áp dụng này cũng sẽ góp phần thực hiện hiệu quả việc tham chiếu khung trình độ các quốc gia với khung tham chiếu các trình độ của ASEAN.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, ĐHQGHN luôn nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu xây dựng định hướng chất lượng giáo dục chuẩn quốc tế và văn hóa chất lượng. Trong hành trình thực hiện các sứ mệnh và trách nhiệm quốc gia của mình, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, ĐHQGHN không ngừng vượt qua giới hạn và các sứ mệnh truyền thống của mình với tinh thần khởi nghiệp, định hướng đổi mới sáng tạo, tính thích ứng của sinh viên, giáo dục cá thể hóa và chuyển đổi số. Do đó, ĐHQGHN chú trọng, tạo điều kiện hỗ trợ rất nhiều cho nghiên cứu để làm gia tăng giá trị chuẩn mực của một cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn
Với sự ủng hộ và tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong khuôn khổ Chương trình Khoa học Giáo dục cấp Quốc gia, nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN do GS.TS. Nguyễn Hữu Đức làm trưởng nhóm đã nghiên cứu thành công những đặc trưng của đại học thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá mức độ thích ứng đó. Một trong những kết quả chính là Hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng giáo dục đại học UPM được giới thiệu và thảo luận bởi các nhà nghiên cứu nhiệt huyết tại Hội nghị này. Đồng thời, GS.TS Nguyễn Hữu Đức đã công bố Kết quả Xếp hạng đối sánh chất lượng giáo dục đại học khu vực ASEAN 2020 theo bộ tiêu chí UPM. Kết quả ban đầu đạt được là ĐHQGHN và hai trường thành viên là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Công nghệ, cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Kasetsart (Thái Lan) đã đạt tiêu chuẩn 5 sao. Nhóm cơ sở GDĐH đạt 4 sao định hướng nghiên cứu gồm ĐH Huế (cùng các trường thành viên là ĐH Y-Dược, ĐH Khoa học, ĐH Sư phạm) và các trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Thủy Lợi, ĐH Mỏ-Địa chất, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Phenikaa và ĐH Burapha (Thái Lan), ĐH Malang (Indonesia). Trường ĐH Kinh tế thuộc Đại họcHuế là trường đại họckhối khoa học xã hội đầu tiên đánh giá theo định hướng nghiên cứu đạt chuẩn 3 sao. Theo định hướng ứng dụng, đạt chuẩn 4 sao có các trường ĐH Ngoại Thương, Học viện Ngoại giao, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Quy Nhơn, ĐH Nguyễn Tất Thành. Nhóm 3 sao có các trường ĐH Thành Đô, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Tây Đô, ĐH Phan Thiết, ĐH Centro Escalar và ĐH West Visayas (Philippines).
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức báo cáo “Đối sánh chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0” và “Công bố Kết quả Xếp hạng Đối sánh chất lượng giáo dục đại học khu vực ASEAN 2020”
Phát biểu trực tuyến tại Hội thảo, TS. Choltis Dhirathiti – Giám đốc Điều hành mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) đánh giá, Ban thư ký AUN hết sức ủng hộ UPM bởi vì UPM đã mở ra một tiếp cận mới trong lĩnh vực đối sánh chất lượng đại học, với 8 nhóm tiêu chí cùng 54 chỉ báo có tính tổng hợp cao. UPM có thể cung cấp các thông tin có độ tin cậy cao phục vụ cho đối sánh và đánh giá trường đại học một cách toàn diện và tổng hợp. Những thông tin đó rất hữu ích cho trường đại học không chỉ để quản trị chất lượng và mục tiêu mà còn giúp đưa ra các quyết định quan trọng trong việc lựa chọn các đối tác hợp tác. Các thông tin đó cũng rất quan trọng đối với người học, giúp họ đưa lựa chọn được các cơ sở giáo dục đại học phù hợp để học tập. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi ngày nay việc chuyển dịch người học và nhu cầu học tập ở nước ngoài ngày càng tăng.
Với sự tin tưởng và đánh giá cao, Ban thư ký AUN rất vui mừng được giới thiệu hệ thống đối sánh chất lượng trường đại học UPM với các trường đại học trong cộng đồng ASEAN. Cho đến nay đã có hơn 10 trường đại học trong khu vực tự nguyện tham gia hệ thống đánh giá này; trong số đó, có 5 trường đã cung cấp đầy đủ dữ liệu, được UPM thẩm định, xác thực, đánh giá và gắn sao. Ngoài ra, AUN cũng được biết đã có hơn 20 trường đại học ở Việt Nam cũng đã tham gia đợt này. Giám đốc Điều hành AUN nhiệt liệt chúc mừng các thành tích ban đầu đáng khích lệ của các trường đại học này.
Toàn cảnh đại biểu tham dự Hội thảo
Dựa trên các nội dung liên quan đến định hướng đổi mới căn bản giáo dục đại học do các chuyên gia báo cáo như “Tiếp cận của hệ thống đảm bảo chất lượng ASEAN đến kỷ nguyên 4.0”(PGS.TS Phạm Văn Tuấn – ĐH Đại học Đà Nẵng và PGS.TS. Tan Kay Chuan – Đại học Quốc giaSingapore) và “Mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo” (TS. Punwalai Kewara – ĐH Burapha, Thái Lan),các đại biểu đã thảo luận về các nội dung: Tầm nhìn và chiến lược của cơ sở giáo dục nên xem xét đến các chỉ số của cách mạng công nghệ 4.0 và phát triển bền vững; Thực hiện quản trị đại học dựa trên sản phẩm đầu ra; và đánh giá tác động đến xã hội; Hội đồng trường, lãnh đạo trường có tư duy chiến lược về nền tảng số, về kỷ nguyên 4.0; Xây dựng hệ sinh thái giáo dục và nền tảng quản trị dữ liệu; Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong theo hướng quản trị đại học, tiếp cận chuẩn đầu ra; Đối sánh chất lượng để nâng cao chất lượng, kết nối chặt chẽ với đảm bảo chất lượng bên ngoài.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn tặng hoa cho nhóm nghiên cứu phát triển UPM
UPM là sản phẩm do nhóm nghiên cứu ĐHQGHN thực hiện trong khuôn khổ của Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia do Bộ GDĐT tài trợ. GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, trưởng nhóm nghiên cứu phát triển hệ thống UPMcho biết, top 1000 đại học thế giới chiếm khoảng 3%. UPM quan tâm đến 97% với hơn 28.000 trường đại học còn lại, gồm đông đảo các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam và khu vực, với vai trò và đóng góp lớn, tuy nhiên, chưa được đánh giá đúng mực.
Hệ thống này giúp các cơ sở GDĐH xác định, quản trị mục tiêu chiến lược, hướng tới đạt chuẩn top 100 của đại học châu Á. Nhiều tiêu chí gắn với các mốc chuẩn của đại học định hướng nghiên cứu quy định tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Việt Nam hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị
Theo đó, các trường đại học (đặc biệt là các đại học định hướng nghiên cứu) đạt chuẩn 5 sao là các trường đã có khả năng tiếp cận nhóm 100 châu Á, có chất lượng hàng đầu quốc gia và bắt đầu có uy tín quốc tế. Các đại học 4 sao là các có uy tín trong nước và khu vực. Các trường đại học 3 sao thực hiện tốt chức năng đào tạo theo phân khúc thị trường và có thể tham gia vào việc trong đổi sinh viên trong khu vực.
Đến nay, đã có gần 40 trường đại học Việt Nam và ASEAN tự nguyện tham gia sử dụng bộ tiêu chí UPM để đối sánh chất lượng. Kết quả đối sánh chất lượng và gắn sao cho thấy một bức tranh chân thực và tích cực về chất lượng các trường đại học Việt Nam và khu vực, mang thông tin hữu ích, nhiều chiều đến các bên liên quan từ các trường đại học, đến sinh viên, nhà tuyển dụng và nhà quản lý.
Phát biểu bế mạc hội thảo, thay mặt Trường ĐHCN, GS.TS. Chử Đức Trình, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã gửi lời chúc mừng đến sự thành công của hội thảo khoa học “Đối sánh chất lượng giáo dục đại học”. Đồng thời, GS cũng chúc mừng nhóm nghiên cứu, đứng đầu là GS. TS. Nguyễn Hữu Đức, đã cho ra đời bộ tiêu chuẩn UPM với các tiêu chí tiên tiến, thể hiện theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.
GS.TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCN phát biểu tại hội nghị
Phó Hiệu trưởng khẳng định, trong thời gian tới, Trường ĐHCN cam kết sẽ đồng hành cùng nhóm nghiên cứu để quảng bá và triển khai rộng rãi bộ tiêu chuẩn UPM cho các trường đại học ở trong nước và khu vực Đông Nam Á.
Một số thông tin về “University Performance Metrics” (UPM): http://upm.vn/
Hệ thống UPM tiếp cận theo xu hướng đối sánh và gắn sao, theo đó, các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1-5 sao. Trên cơ sở lõi xếp hạng truyền thống, UPM phát triển thêm các tiêu chí đặc trưng của đại học trong kỷ nguyên 4.0.
Cụ thể, UPM gồm 8 nhóm lĩnh vực và 54 tiêu chí. Mỗi lĩnh vực có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng là 1000 điểm. 8 nhóm lĩnh vực lần lượt là: Quản trị chiến lược (5 tiêu chí, trọng số 6%), Đào tạo (15 tiêu chí, trọng số 35%), Nghiên cứu (4 tiêu chí, trọng số 20%), Đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 11%), Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 6%), CNTT và tài nguyên số (10 tiêu chí, trọng số 10%), Mức độ quốc tế hóa (9 tiêu chí, trọng số 6%) và Phục vụ cộng đồng (3 tiêu chí, trọng số 6%).
Lần lượt chỉ số thực tế của từng tiêu chí, từng lĩnh vực đều được đối sánh với mốc chuẩn và gắn sao, do vậy, UPM vừa giúp nhận diện tổng thể vừa có thể phân tích điểm mạnh, điểm yếu đến từng hoạt động, từng lĩnh vực của cơ sở giáo dục đại học. Từ đây, hệ thống có thể cung cấp cho các trường đại học một bộ chỉ số cơ bản, làm công cụ quản trị chiến lược và hỗ trợ kiểm định chất lượng.
Đến nay, UPM đã hỗ trợ, tư vấn cho các trường đại học Việt Nam và khu vực ASEAN tự nguyện tham gia, thu thập và thẩm định cơ sở dữ liệu từ nhiều nguồn, trong đó có cả dữ liệu kiểm định chất lượng.
Theo Tuyết Nga – Đăng Hoàng (UET-News)