Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành đối tác quan trọng của Dự án PHER năm 2023 về đẩy mạnh hoạt động mạng lưới nghiên cứu
Ngày 21/03/2023, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GS.TS. Chử Đức Trình đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của dự án PHER do ông Richard Hopper – Giám đốc Dự án, ông Trần Ngọc Anh Chủ nhiệm Dự án Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER) dẫn đầu, để cập nhật các hoạt động của PHER đối với Trường trong năm 2023.
Tham gia tiếp đoàn về phía Trường ĐH Công nghệ có PGS.TS. Nguyễn Hoài Sơn – Trưởng phòng KHCN&HTPT; TS. Bùi Ngọc Thăng – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ; TS. Bùi Trung Ninh – Trưởng phòng Công tác sinh viên; TS. Trần Cường Hưng – Bí thư Đoàn Thanh niên, đồng giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng; ThS. Phan Hoàng Anh – Chủ tịch Hội Sinh viên. Về phía dự án có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Mai Phương – Phó Giám đốc Dự án; bà Phương Tố Tâm – Quản lý Dự án, trụ cột Dạy & Học; bà Nguyễn Thị Lan Hương – Quản lý Dự án, trụ cột Nghiên cứu & Đổi mới; bà Lê Minh Hạnh – Quản lý Dự án, trụ cột Liên kết trường đại học – doanh nghiệp; bà Nguyễn Hồng Hương – Cán bộ Dự án, trụ cột Dạy & Học; bà Lê Ngọc – Cán bộ Truyền thông; bà Phan Thị Trúc Quỳnh, Chuyên gia MEL.
Dự án PHER (tên đầy đủ là Partnership for Higher Education Reform) nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và giao cho Đại học Indiana, Hoa Kỳ làm đơn vị thực hiện dự án, là sáng kiến kéo dài 5 năm từ 2022 đến 2026 nhằm nâng cao năng lực để 3 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam phát triển bền vững và tự chủ hơn trong các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tiếp đoàn, GS. TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ mong muốn của Trường ĐH Công nghệ được trở thành thành viên tích cực trong việc tham gia thực hiện các hoạt động của dự án. Thông qua dự án, Nhà trường hi vọng có những kết quả mang ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao năng lực hệ thống quản trị đại học; xây dựng mạng lưới nghiên cứu để thu hút, tạo ra cộng đồng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin với định hướng giải quyết các bài toán chính sách kinh tế, xã hội của đất nước; kết nối với doanh nghiệp tăng cường cơ hội việc làm sinh viên và tham gia nghiên cứu phát triển với doanh nghiệp.
GS. TS. Chử Đức Trình phát biểu tại buổi tiếp đoàn
Trao đổi về hoạt động của mạng lưới học thuật VIAN, ông Trần Ngọc Anh nhấn mạnh: “Thông qua việc xây dựng mạng lưới chuyên gia, học giả quốc tế, dự án hi vọng các cán bộ, giảng viên Nhà trường coi đây là nhiệm vụ, công cụ đòn bẩy để thúc đẩy xuất bản quốc tế và tìm nguồn tài trợ quốc tế. Dựa trên những kết quả đạt được cùng việc phối hợp xây dựng chiến lược tổng thể để các VIAN hướng đến phát triển bền vững”.
Ông Trần Ngọc Anh – Chủ nhiệm Dự án Đổi mới Giáo dục Đại học Việt Nam
Bên cạnh đó, hai bên đã trao đổi về việc kết nối giữa Nhà trường với doanh nghiệp. Trước đó, TS. Bùi Trung Ninh – Trưởng phòng Công tác sinh viên mong muốn công tác kết nối việc làm, tuyển dụng giữa sinh viên và doanh nghiệp sẽ đi vào thực chất, trên nền tảng nâng cao cổng thông tin vieclam.uet.vnu.edu.vn trở thành cầu nối hữu ích về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và sinh viên. Từ đó, Trường có cơ sở chủ động cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực ngành nghề, đồng thời đẩy mạnh hệ thống cựu sinh viên và tạo ra diễn đàn cập nhật kiến thức công nghệ tiên tiến cho cựu sinh viên.
Sau quá trình trao đổi, ông Trần Ngọc Anh – Chủ nhiệm Dự án Đổi mới Giáo dục Đại học Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi được đến làm việc với Trường và mong muốn hai bên sẽ cùng đồng hành để dự án đem lại kết quả có ý nghĩa, đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường trong tương lai. Từ đó, Trường ĐH Công nghệ sẽ trở thành đối tác quan trọng cùng đồng hành trong nhiều nhiệm vụ, để tạo sản phẩm mang kinh nghiệm quốc tế, đồng thời phù hợp với sự phát triển của Việt Nam. Và những kết quả này sẽ mang tính lan tỏa đến các trường đại học khác.
Năm 2023, Dự án PHER có những cập nhật quan trọng về việc xây dựng các quy chế để cử chuyên gia sang phối hợp làm việc và tư vấn cho các đại học; module huấn luyện thí điểm tại một số đơn vị về các phương pháp giảng dạy online, blended learning cho giảng viên; cố vấn các dự án PPP; xây dựng hệ thống GPS (graduate checking system – hệ thống theo dõi hỗ trợ sinh viên sau khi tốt nghiệp). Bên cạnh đó, PHER sẽ đẩy mạnh hoạt động của các VIAN (mạng lưới nghiên cứu) thông qua các khoản tài trợ và tổ chức các chương trình webinar, workshop…Trong thời gian tới, PHER sẽ tiếp tục hỗ trợ 3 Đại học hoàn thiện Chiến lược hành động dựa trên 4 trụ cột của Dự án là Đổi mới quản trị đại học; Nâng cao chất lượng giảng dạy; Tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; và Thúc đẩy liên kết đại học – doanh nghiệp.
(UET-News)