Trường Đại học Công nghệ: 20 năm khẳng định vị thế và thương hiệu
Dựa trên nền tảng hoạt động và phát triển của Khoa Công nghệ (đơn vị tiền thân của Trường Đại học Công nghệ) được thành lập vào ngày 18/10/1999. Với ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với mỗi cán bộ, giảng viên và công nhân viên chức trong Trường, nên điểm mốc này được chọn làm Ngày Truyền thống của Nhà trường.
Từ đó đến nay, trải qua 20 năm truyền thống xây dựng và phát triển, Trường ĐHCN luôn bám sát mục tiêu được ghi trong quyết định thành lập là: “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học và bồi dưỡng nhân tài thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ; Nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội”.
Khẳng định vị thế, chất lượng trong đào tạo
Trải qua chặng đường 20 năm, Nhà trường phát triển không ngừng các yếu tố đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo. Hệ thống chương trình đào tạo thường xuyên được bổ sung, cập nhật, tham chiếu các chương trình tiên tiến trên thế giới, cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được hoàn chỉnh. Hiện nay, Nhà trường đang tổ chức đào tạo 17 chương trình đào tạo bậc đại học, 11 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ và 08 chương trình đào tạo bậc đào tạo tiến sĩ. Quy mô đào tạo chính quy đạt gần 5.400 sinh viên trong đó sinh viên thuộc các chương trình chuẩn quốc tế, chất lượng cao chiếm 23 % tổng quy mô đào tạo đại học chính quy. Bên cạnh các chương trình đào tạo chuẩn, trường có 04 chương trình đào tạo đại học chất lượng cao theo Thông tư 23 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 01 chương trình thạc sĩ và 01 chương trình tiến sĩ chuẩn quốc tế. Bên cạnh những ngành, lĩnh vực đào tạo có truyền thống, nhu cầu xã hội cao và đã khẳng định thương hiệu qua nhiều năm như ngành Công nghệ thông tin, ngành Điện tử viễn thông, Công nghệ Nanô, Cơ điện tử,…Nhà trường phát triển các chương trình đào tạo mới mà khó có thể tìm thấy ở các trường đại học khác như ngành Kỹ thuật Robot, Công nghệ hàng không vũ trụ, Công nghệ nông nghiệp, Công nghệ kỹ thuật Xây dựng – Giao thông, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Trường ĐHCN năm 2007
Chất lượng tuyển sinh đầu vào các chương trình đào tạo của trường luôn giữ ổn định ở mức cao. Chủ trương và các giải pháp xây dựng môi trường học tập năng động hiện đại và mang nhiều trải nghiệm cho sinh viên đã giúp Nhà trường thu hút được nhiều sinh viên giỏi, có cá tính, hoài bão và ham học hỏi.
Qua các giai đoạn phát triển, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo luôn được lãnh đạo Trường ĐHCN quan tâm đầu tư, trọng tâm là phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên trình độ cao. Nhà trường tự hào có đội ngũ, giảng viên yêu nghề, say mê nghiên cứu khoa học với tỷ lệ 61% có học vị tiến sĩ, 19,5% có học hàm GS, PGS. Nghiên cứu khoa học là hoạt động then chốt góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Bên cạnh đó, hoạt động đổi mới, cập nhật chương trình, bài giảng được thực hiện thường xuyên; hệ thống giảng đường, lớp học được quan tâm, đầu tư hiện đại, đồng bộ với 100% phòng học có điều hòa nhiệt độ; các phòng thí nghiệm, phòng thực hành được đầu tư gắn với các chương trình đào tạo nhằm tăng cường thời lượng thực hành công nghệ. Trường ĐHCN luôn tự hào là đơn vị tiên phong trong cả nước triển khai công tác kiểm định chất lượng với nhiều chương trình đào tạo đã được kiểm định đạt tiêu chuẩn mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á AUN như Cử nhân ngành Công nghệ Thông tin (năm 2009), Cử nhân ngành Công nghệ điện tử – truyền thông (năm 2013), Cử nhân ngành Khoa học máy tính (2014) và Cử nhân ngành Công nghệ kỹ thuật và Cơ điện tử (2018). Tiêu chí kiểm định chất lượng được coi là thước đo trong mọi hoạt động của nhà trường
Nhiều chương trình đào tạo của Nhà trường đã được kiểm định đạt tiêu chuẩn mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á AUN
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo khởi nghiệp được Trường ĐHCN quan tâm và là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong từng năm học. Trường ĐHCN đã hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ vào cuối năm 2017, với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ kỹ sư trình độ cao về công nghệ hàng không vũ trụ. Sự ra đời của Viện đã tạo nên một bước phát triển đặc biệt trong việc xây dựng các chương trình đào tạo ở Trường ĐHCN nói riêng và ĐHQGHN nói chung.
Trường ĐHCN nhận được sự hỗ trợ của Trường ĐHCN Chiba trong việc xây dựng chương trình đào tạo Kỹ thuật robot
Bên cạnh việc hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước, Trường ĐHCN còn mở rộng liên kết hợp tác với các đối tác nước ngoài. Tiêu biểu như chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản. Đây là chương trình đầu tiên sinh viên có thêm lựa chọn ngoại ngữ ngoài tiếng Anh, cũng như trong việc triển khai đào tạo phối hợp chặt chẽ và có chiều sâu với doanh nghiệp. Khoa ĐTVT được sự hỗ trợ từ phía Trường ĐHCN Chiba (Nhật Bản) đã xây dựng thành công chương trình đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật robot và bắt đầu tuyển sinh năm 2018. Ngành đào tạo này mang tính liên ngành cao, là sự kết hợp giữa các ngành cơ khí chính xác, tự động hóa, kỹ thuật điện, điện tử, trí tuệ nhân tạo. Chương trình có sự tham gia trực tiếp của đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành về robot và công nghệ đào tạo của Trường ĐHCN Chiba và đã trở thành một dự án hợp tác được hỗ trợ kinh phí từ phía chính phủ Nhật Bản nhằm thúc đẩy triển khai quốc tế hóa các chương trình đào tạo của Nhật Bản ra nước ngoài. Hoạt động trao đổi giảng viên, cán bộ nghiên cứu và sinh viên hằng năm là một trong những nội dung để đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu cho ngành đào tạo này.
Nhà trường hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội trong việc đào tạo đội ngũ kỹ sư trình độ cao về công nghệ hàng không vũ trụ
Môi trường đào tạo năng động, chất lượng cao đã giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm quốc tế và đạt các thành tích cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế như ACM/ICPC, thi thiết kế điện tử, PROCON; Cuộc đua số; Các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp, Olympic,… Đội tuyển ACM/ICPC của trường nhiều năm liên tục dẫn đầu vòng loại khu vực châu Á để có mặt tại vòng chung kết toàn cầu kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC danh giá nhất thế giới, đưa Viêt Nam nằm trong top 15 toàn cầu (năm 2018), đứng trên rất nhiều đội mạnh như Tổng hợp Đài Loan, Haward, Stanford…
Kết quả khảo sát việc làm sinh viên sau tốt nghiệp các năm 2016-2018 cho thấy Trường ĐHCN có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 96% với mức thu nhập cao. Chất lượng đào tạo sinh viên của Nhà trường được xã hội và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế công nhận, đánh giá cao.
Trường ĐHCN trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao các ngành kỹ thuật, công nghệ cho các đơn vị sử dụng lao động trong và ngoài nước.
Nghiên cứu khoa học là thế mạnh
Kiên trì phát triển để trở thành đại học định hướng nghiên cứu, Trường ĐHCN luôn gắn chặt các hoạt động đào tạo với các hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với hoạt động giảng dạy, biên soạn giáo trình và tài liệu phục vụ giảng dạy; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao.Trường chủ trương phát triển “môi trường nghiên cứu tích cực” làm cho hoạt động nghiên cứu trở thành nhu cầu hàng ngày của mỗi cán bộ, giảng viên.
Nhà trường quan tâm, đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học. Hiện tại, toàn trường có 35 phòng thí nghiệm, phủ khắp các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, trong đó có 02 Phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN là PTN Hệ thống tích hợp thông minh và PTN Công nghệ Micro và Nano. Bên cạnh đó là Viện Tiên tiến về Kỹ thuật Công nghệ và hai trung tâm nghiên cứu thuộc trường.
Trong ba năm liên tiếp nhiều cán bộ của Nhà trường nhận được giải thưởng Nhân tài Đất Việt
Hằng năm, đội ngũ cán bộ khoa học của trường thu hút được nhiều đề tài, dự án nghiên cứu cấp Nhà nước, bộ ngành với tổng kinh phí tăng hằng năm, đạt 40 tỷ đồng năm 2018. Kết quả nghiên cứu tăng cả về số lượng và chất lượng, hằng năm toàn trường công bố trung bình 250 bài/năm trong đó có 80 bài thuộc danh mục ISI, Scopus. Nhiều sản phẩm công nghệ đã được cấp bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích như “Máy phát nhận biết chủ quyền quốc gia” – GS.TS. Bạch Gia Dương; “Vật liệu polymer compozit sợi thủy tinh” – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức; “Phương pháp mã hóa và giải mã video phân tán” – nhóm tác giả TS. Đinh Triều Dương; “Quy trình mã hóa liên khung hình hỗ trợ xác định khối ảnh lặp lại, giảm kích thước chuỗi bit sau mã hóa và loại bỏ hiệu ứng do sai số lượng tử cho khối ảnh lặp lại” – PGS.TS. Trần Xuân Tú và nhóm tác giả; Thiết bị chuyển đổi năng lượng sóng biển sâu – PGS.TS. Đặng Thế Ba. Nhiều sản phẩm đã được chuyển giao, thương mại hóa như “Hệ thống lập lịch ca trực tối ưu” – nhóm nghiên cứu phòng thí nghiệm Tối ưu hóa các hệ thống lớn được triển khai tại Nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu; phần mềm Spam Filtering “Phát hiện tin nhắn rác trên điện thoại di động” với Tập đoàn Samsung; Hướng tới thương mại hóa sản phẩm Trạm thu di động tín hiệu truyền hình vệ tinh ứng dụng trên tàu biển đầu tiên tại Việt Nam; Mạng lưới FairKit giám sát bụi mịn trong không khí được lắp đặt tại 25 trường học/cơ quan thuộc 12 quận nội thành Hà Nội; đề tài “Hệ thống tự động phân tích dữ liệu truyền thông xã hội trực tuyến phục vụ quản lý và hỗ trợ ra quyết định trong kinh tế, chính trị, giáo dục và xã hội” đã được chuyển giao cho tỉnh Hà Tĩnh triển khai; Hệ thống điều khiển phun nước tự động cho ứng dụng làm mát mái chống nóng công trình xây dựng triển khai lắp đặt thí điểm tại một số đơn vị của Tổng cục Hậu Cần ở quận Nam Từ Liêm; Hệ thống giám sát, nuôi giống cá tôm được ứng dụng triển khai tại tỉnh Thái Bình, …Trường ĐHCN chủ trì/phối hợp tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc gia, quốc tế và hiện đang được giao chủ trì chuyên san CNTT-TT của ĐHQGHN. Khoa Điện tử viễn thông là đơn vị thường trực của Tạp chí JEC của Hội Vô Tuyến Điện tử Việt Nam.
Nhiều nhà giáo, nhà khoa học của trường đã đạt các giải thưởng khoa học công nghệ trong và ngoài nước, đồng thời có các sản phẩm tiêu biểu về sáng tạo khởi nghiệp như “Vi mạch chuyên dụng mã hóa video VENGME H.264/AVC của PGS.TS. Trần Xuân Tú đạt Giải nhì giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015; sản phâm DoIT – Hệ thống hỗ trợ nâng cao chất lượng văn bản của TS. Võ Đình Hiếu đạt giải Nhì giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017; “Nền tảng đặt và điều vận xe trực tuyến” đạt giải Ba giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018; ThS. Nguyễn Nam Hải là 1 trong 10 CIO Việt Nam nhận giải thưởng lãnh đạo CNTT Đông Nam Á…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ của Trường ĐHCN
Vững bước trên con đường đã chọn
Xuyên suốt chiều dài phát triển, Trường ĐHCN luôn kiên định sứ mệnh đã được Chính phủ giao nhiệm vụ: “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học và bồi dưỡng nhân tài thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ; nghiên cứu và triển khai các ứng dụng khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội”.
Trong mỗi giai đoạn, Trường ĐHCN đặt ra các mục tiêu cụ thể gắn với sứ mệnh và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Từ nhiều năm nay, Trường ĐHCN đã và đang tạo lập, phát triển tại môi trường đào tạo chuẩn mực, môi trường nghiên cứu tích cực, tự do học thuật, trong đó mỗi giảng viên là một nhà khoa học. Ở môi trường này, sinh viên được phát huy tối đa năng lực sáng tạo trong học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp. Hoạt động đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội bởi vậy sinh viên theo học tại trường không chỉ được trang bị những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp trong một lĩnh vực cụ thể mà còn có năng lực học tập suốt đời, năng lực sáng tạo, năng lực lãnh đạo và kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp.
Trường ĐHCN luôn coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên trình độ cao; Hệ thống chương trình, giáo trình thường xuyên được cập nhật, phát triển tham chiếu tới các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới; Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, phòng thực hành được quan tâm, đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu.
Trong mọi hoạt động, Trường ĐHCN luôn tự soi mình bằng các tiêu chí kiểm định chất lượng, để điều chỉnh và hướng đến những phát triển hoàn thiện hơn. Nhà trường tin tưởng rằng sẽ tiếp tục là địa chỉ tin cậy trong đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ chất lượng cao, khẳng định vị thế trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao.
(UET-News)