Trí tuệ nhân tạo – Cơ hội và thách thức trong giáo dục đại học

Ngày 11/12/2024, hội thảo Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục đại học – AI4Edu 2024 được tổ chức bởi CLB các Khoa – Trường – Viện Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam) kết hợp cùng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học CMC đã mang lại một bức tranh tổng quan về cơ hội và những thách thức của việc ứng dụng, giảng dạy trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục đại học.

Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Tin học Việt Nam và Tập đoàn VNPT. Về phía Trường ĐH Công nghệ có GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Nhà trường. Về phía FISU Việt Nam có GS.TS Nguyễn Thanh Thủy – Chủ tịch, PGS.TS Bùi Thu Lâm (Phó Chủ tịch, Tổng thư ký cùng các chuyên gia đầu ngành và lãnh đạo các trường đại học đào tạo trong lĩnh vực AI, công nghệ thông tin.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy – Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, Chủ tịch FISU Việt Nam khẳng định AI4edu 2024 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu những nỗ lực không ngừng của cộng đồng công nghệ thông tin trong cả nước, của các trường đại học trong việc góp phần định hình ứng dụng và phát triển của AI với giáo dục đại học của Việt Nam trong tương lai. AI4Edu 2024 là cơ hội để các chuyên gia thảo luận, chia sẻ những kết quả nghiên cứu, triển khai và những kinh nghiệm ứng dụng hiệu quả AI trong giáo dục đại học. Do đó, hội thảo mong muốn các chuyên gia đầu ngành trao đổi những định hướng quan trọng về sự hỗ trợ của AI để cùng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới. Từ việc xây dựng chương trình giáo dục đào tạo về AI, khoa học dữ liệu cho đến ứng dụng AI trong quản trị đại học, hướng tới tầm nhìn xa hơn để giáo dục thành một nền tảng đổi mới sáng tạo.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy, hội thảo tập trung trao đổi về các nội dung chính như: những tiến bộ mới nhất trong AI và các cơ hội ứng dụng vào giảng dạy và nghiên cứu; những mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao; phân tích các thách thức trong việc tích hợp AI vào hệ thống giáo dục, từ giảng dạy cá nhân hóa đến quản lý thông minh. Và xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn để đảm bảo rằng Việt Nam không chỉ là người sử dụng mà còn là người sáng tạo công nghệ AI trên bản đồ thế giới và khu vực.

GS.TS Nguyễn Thanh Thủy – Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch FISU Việt Nam phát biểu khai mạc tại hội thảo.

Tại hội thảo, GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, hội thảo là sự kiện đặc biệt diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đẩy nhanh quá trình chuẩn bị để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà chuyển đổi số là điểm nhấn quan trọng. Chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế, xã hội mà còn là một quá trình xác lập phương thức sản xuất mới, tiên tiến.

Trong bối cảnh AI là xu hướng chung toàn thế giới và Việt Nam có những thuận lợi về nguồn nhân lực, sự đầu tư từ các tập đoàn doanh nghiệp thế giới, Giáo sư Chử Đức Trình cũng cho biết, trí tuệ nhân tạo đang trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự chuyển đổi toàn diện trong các lĩnh vực của cuộc sống. Đặc biệt là lĩnh vực giáo dục trong đó có giáo dục đại học. Do vậy, hội thảo này là cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu mở rộng và thảo luận về tác động của AI trong giảng dạy, về nghiên cứu và quản lý giáo dục đào tạo.

GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sự kiện này sẽ tiếp tục là một dấu mốc mới trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng Việt Nam có 20 triệu sinh viên, học viên – một nguồn dữ liệu phong phú để nghiên cứu, phát triển AI trong giáo dục và phát triển thành nguồn dữ liệu có chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, trong bối cảnh AI bùng nổ với sự góp mặt của các tập đoàn và doanh nghiệp thì việc đặt vấn đề AI trong giáo dục là phù hợp và có tiềm năng phát triển.

Về vấn đề AI trong giáo dục, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, trước hết, cần quan tâm và thảo luận về việc làm thế nào để đưa các công nghệ, các sản phẩm AI của thế giới vào trong đào tạo. Bên cạnh đó là vấn đề nghiên cứu, giảng dạy về AI; lấy lĩnh vực giáo dục làm nền tảng tạo ra thế mạnh đặc thù của lĩnh vực AI Việt Nam.

PGS.TS Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Khẳng định về tầm quan trọng của AI, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh AI đã trở thành một trong những công nghệ quan trọng nhất của thời đại, đóng vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, tài chính, công nghiệp đến giáo dục. Vì thế, trách nhiệm của những nhà khoa học, người đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cần được chú trọng hơn. Từ đó, Phó Giám đốc đã chia sẻ về vai trò của AI được thể hiện ở các khía cạnh đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng. Và đào tạo nguồn nhân lực chính là vai trò của các cơ sở giáo dục đại học.

Hội thảo AI4Edu lần này được Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đánh giá cao không chỉ ở những nội dung về AI trong giáo dục đại học mà còn là sự hợp tác, liên kết giữa FISU Việt Nam cùng các trường đại học trong lĩnh vực này tạo nên mạng lưới khăng khít để hỗ trợ và trao đổi lẫn nhau. Với mong muốn tạo dựng nền tảng, xây dựng bộ dữ liệu riêng biệt tại Việt Nam, ĐHQGHN cam kết đồng hành, cùng triển khai các sáng kiến, ý tưởng của các nhà khoa học, viện nghiên cứu nói chung và FISU Việt Nam nói riêng.

 Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày tham luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của AI trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản trị đại học; đặc biệt là đào tạo AI gắn với doanh nghiệp… Cụ thể là, “Báo cáo đề dẫn về nhu cầu ứng dụng cũng như giảng dạy trí tuệ nhân tạo tại các trường đại học ở Việt Nam: thách thức và cơ hội” – PGS.TS Bùi Thu Lâm (Phó Chủ tịch, Tổng thư ký FISU Việt Nam); “Giảng dạy AI tại các trường đại học ở Việt Nam” – PGS.TS Phạm Văn Cường (Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông); “Ảnh hưởng AI trong giảng dạy” – TS Lê Đức Trọng (Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN); “Ứng dụng AI trong quản trị đại học” – TS. Lương Ngọc Hoàng (Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP.HCM); “Đào tạo AI gắn với doanh nghiệp” – ông Lê Hồng Việt (Tổng Giám đốc FPT Cloud); “Ứng dụng AI hỗ trợ giải đáp cho giảng viên và sinh viên về công tác đào tạo” – PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh (Trường ĐH CMC). Dựa trên chiến lược giảng dạy lập trình tại Trường ĐH Công nghệ, TS Lê Đức Trọng – Khoa Công nghệ thông tin đã lần nữa khẳng định AI là xu thế của tương lai vì vậy trong giáo dục đại học cần tiếp cận cởi mở việc sinh viên sử dụng các công cụ AI hỗ trợ trong các hoạt động học tập, đặc biệt lập trình. Từ đó, mọi hoạt động giảng dạy, đảm bảo chất lượng nên lấy chuẩn đầu ra làm cơ sở định hướng việc triển khai và rà soát, điều chỉnh các chuẩn đầu ra, bổ sung các hoạt động đánh giá theo 3 nhóm chuẩn đầu ra gồm nhóm chuẩn đầu ra phải sử dụng AI, nhóm chuẩn đầu ra cấm sử dụng AI và nhóm chuẩn đầu ra tự do sử dụng AI.

 TS. Lê Đức Trọng (Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN) trình bày tham luận “Ảnh hưởng AI trong giảng dạy”

Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra phiên toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” với các diễn giả, các chuyên gia gồm TS. Đặng Văn Huấn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT); GS.TS Nguyễn Thanh Thủy – Chủ tịch FISU Việt Nam; TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Bách Khoa Hà Nội; GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ; PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh Tú – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH CMC và ông Ngô Diên Hy – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT.

Tại phiên tọa đàm, các chuyên gia đã cùng thảo luận, đưa ra những phương hướng, chiến lược liên quan tới nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện chất lượng giáo dục đại học, tập trung vào việc xây dựng năng lực AI cho sinh viên và giảng viên. Đồng thời, triển khai các ứng dụng AI nhằm tối ưu hóa quy trình giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Đại diện FISU Việt Nam trao Bằng khen cho các thành viên đạt chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư năm 2024

Đại diện FISU Việt Nam tặng hoa cảm ơn Tập đoàn VNPT đồng hành cùng hội thảo

(UET-News)

Bài viết liên quan