Thương mại hóa ứng dụng “Phát hiện tin nhắn rác trên điện thoại di động”

          Một trong những lợi thế của Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN là có sự phối hợp đào tạo và nghiên cứu giữa Nhà trường với doanh nghiệp. Trong đó, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Điện thoại Di động Samsung Việt Nam (SVMC) là một trong những doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với Nhà trường. SVMC đã đặt hàng cho nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Lê Anh Cường (Khoa Công nghệ thông tin) xây dựng phần mềm “Phát hiện tin nhắn rác trên điện thoại di động”.
         Ứng dụng thực tế trên điện thoại di động
        Ngay sau khi nhận được đặt hàng từ phía SVMC, PGS.TS. Lê Anh Cường nhận thấy đây là một đề tài có nhu cầu thực tế, có khả năng thương mại hóa cao và đặc biệt là ứng dụng này dựa trên các công nghệ mà tác giả đã và đang nghiên cứuNhóm phát triển chính gồm PGS.TS. Lê Anh Cường và sinh viên Bùi Văn Vượng (K56, ngành Khoa học máy tính). PGS.TS. Lê Anh Cường cho biết, một trong những yêu cầu quan trọng của SVMC là phải tạo ra được sản phẩm ứng dụng được trong thực tế. Đặc điểm của sản phẩm này là độ chính xác phải rất cao và phải có khả năng xử lý mọi dữ liệu thực tế. Vì vậy, bài toán lọc tin nhắn rác được qui về bài toán phân loại sử dụng các kỹ thuật học máy thống kê. Chúng tôi đã cải tiến hệ thống trên mô hình học máy thông thường dựa vào một số điểm chính như khả năng xử lý dữ liệu thưa, trích chọn đặc trưng và lựa chọn đặc trưng một cách tổng quát và tự động; tinh chỉnh tham số mô hình cho phù hợp với dữ liệu đánh giá; kết hợp giữa mô hình học thống kê và tiếp cận dựa trên luật. Nhóm đã bắt đầu làm dự án từ tháng 8/2015 đến tháng 12/2015 và trong vòng 4 tháng nhóm đã hoàn thành sản phẩm. Sau đó, SVMC đã tiếp nhận và hoàn thiện để có thể phổ biến ứng dụng này trên điện thoại di động.
PGS.TS. Lê Anh Cường luôn mong muốn các sản phẩm nghiên cứu phải phải gắn liền với ứng dụng thực tiễn
 
        Khi chia sẻ về động lực thúc đẩy đam mê nghiên cứu khoa học, PGS.TS. Lê Anh Cường luôn mong muốn các sản phẩm nghiên cứu phải phải gắn liền với ứng dụng thực tiễn, như vậy nghiên cứu đó mới thật sự có ý nghĩa. Sau khi hoàn thành sản phẩm, nhóm nghiên cứu đã chuyển giao công nghệ để SVMC có thể chủ động phát triển và nâng cấp. PGS.TS. Lê Anh Cường chia sẻ, nếu sản phẩm này được thương mại hóa thì đây là một thông tin rất tuyệt vời bởi vì trên thực tế có rất ít các nghiên cứu khoa học được áp dụng vào đời sống.
Giao diện của phần mềm Spam Filtering được sử dụng trên điện thoại di động
        Thương mại hóa sản phẩm đưa vào thực tế
       Trong nghiên cứu khoa học thì việc gặp phải những khó khăn là lẽ thường, nhưng khi nhắc đến khó khăn trong dự án này PGS.TS. Lê Anh Cường chia sẻ, đối với dự án này thì tôi thấy thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Bởi vì, Nhà trường đã tạo mọi điều kiện để nhóm hoàn thành tốt sản phẩm. Còn SVMC cũng tôn trọng cách làm việc của nhóm phát triển. Tuy nhiên, đôi lúc trong khi thảo luận về kĩ thuật có một số vấn đề hai bên chưa hiểu nhau. Việc này nói lên rằng bên công ty cần hiểu rõ hơn về các hoạt động nghiên cứu và ngược lại bên nghiên cứu cũng cần hiểu rõ nhu cầu thực tế của bên công ty. Vì vậy, Nhà trường kết hợp với doanh nghiệp là mô hình quan trọng và mang lại lợi ích rất nhiều cho sinh viên sau khi ra trường.
       Chia sẻ về sự thành công đối với ứng dụng lần này, PGS. TS. Lê Anh Cường cho biết, tôi nghĩ đây cũng là một minh chứng cho thấy sự hiệu quả của hợp tác giữa doanh nghiệp với Nhà trường trong việc chuyển giao công nghệ. Hai bên cần hiểu nhau, tin tưởng lẫn nhau để tạo ra nhiều dự án hợp tác như thế này. Chúng tôi mong muốn rằng thông qua kết quả này, có nhiều công ty tin tưởng hơn vào khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống, tìm đến và đặt hàng các nhà khoa học nhiều hơn.
Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan