Theo đuổi nghiên cứu về lĩnh vực kiểm thử phần mềm điều khiển xe ô tô

   Sinh viên Nguyễn Tùng Lâm (Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ) đã hai năm theo đuổi hướng nghiên cứu về công tác kiểm thử, đảm bảo chất lượng trong quy trình phát triển sản phẩm dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Phạm Ngọc Hùng. Đến năm 2021, đề tài “Phương pháp sinh dữ liệu Kiểm thử tự động cho con trỏ void và con trỏ hàm trong các thư viện và dự án nhúng C/C++” đã có kết quả tốt trong nghiên cứu cơ bản và phát triển công cụ hỗ trợ.

   Kiên trì nghiên cứu khoa học

  Nghiên cứu khoa học là một quá trình cần sự kiên trì và có muôn vàn khó khăn, nhưng sinh viên năm cuối Nguyễn Tùng Lâm không ngừng phấn đấu và tự tin rằng bản thân sẽ làm tốt đề tài nay. Sau hai năm nghiên cứu, ngoài giải Nhất cấp Trường, Tùng Lâm đã đạt giải Nhất của Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN. Tùng Lâm chia sẻ: “Với những kiến thức và kinh nghiệm thu được trong quá trình nghiên cứu và áp dụng thực tế suốt hai năm qua trong lĩnh vực kiểm thử và đảm bảo chất lượng – một pha quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm, em đã tìm ra được những hạn chế và bài toán cần giải quyết tại các doanh nghiệp. Em đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất phương pháp sinh dữ liệu kiểm thử tự động một cách hiệu quả cho các trường hợp dự án nhúng, thư viện C/C++ có sử dụng con trỏ void và con trỏ hàm để có thể nâng cao năng suất cũng như giảm chi phí trong quá trình đảm bảo chất lượng. Vì vậy, em tự nhận thấy mình có đủ khả năng để nghiên cứu và hiện thực hóa được phương pháp đề xuất”.

  Để đưa ra được phương pháp và hướng phát triển công cụ hỗ trợ, trong 5 tháng tiến hành ktừ đó Tùng Lâm nhận thấy các phương pháp kiểm thử tự động truyền thống chưa được hiệu quả đối với mã nguồn thư viện và dự án nhúng do có cú pháp và cấu trúc riêng, đặc biệt có sử dụng nhiều con trỏ void và con trỏ hàm. Trong khi đó, Tùng Lâm khẳng định: “Qua tìm hiểu và nghiên cứu, chất lượng mã nguồn của các thư viện, dự án nhúng cần được đảm bảo một cách chính xác theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt như ISO, CERT, MISRA, v.v do liên quan đến các yếu tố an ninh, an toàn đối với người sử dụng. Các dự án này thường được viết bằng ngôn ngữ C/C++, quy mô tương đối lớn, cấu trúc mã nguồn phức tạp. Tuy nhiên, các phương pháp truyền thống chưa hỗ trợ các trường hợp cho các dự án nhúng, thư viện C/C++ có sử dụng con trỏ void và con trỏ hàm nên sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng. Do đó, phương pháp đề xuất tạo điều kiện để tự động hóa quá trình kiểm thử, giảm thiểu chi phí về thời gian, nhân lực và tài nguyên, qua đó giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp”.

  Tự tin nghiên cứu lĩnh vực kiểm thử phần mềm điều khiển xe ô tô

Giao diện phần mềm sử dụng “Phương pháp sinh dữ liệu Kiểm thử tự động cho con trỏ void và con trỏ hàm trong các thư viện và dự án nhúng C/C++”

    Hiện nay, kiểm thử tự động đặc biệt là kiểm thử phần mềm điều khiển xe ô tô (automotive testing) vẫn đang còn nhiều bài toán lớn chưa được giải quyết mà cộng đồng nghiên cứu cũng như các công ty phát triển phần mềm cũng rất quan tâm. Vì vậy, Tùng Lâm muốn tiếp tục hướng nghiên cứu của đề tài để tận dụng những kiến thức và kết quả đã có nhằm trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này. Với tầm quan trọng và tính thực tiễn, phương pháp hiện đang được tích hợp trong công cụ Akautauto – một sản phẩm hợp tác giữa Phòng thí nghiệm kiểm thử và đảm bảo chất lượng (SQA Lab) với đơn vị Fsoft-FGA. Công cụ đang được tiếp tục phát triển và sử dụng thựcnghiệm để kiểm thử các dự án phần mềm điều khiển xe ô tô. Tùng Lâm đã chia sẻ về phản hồi ban đầu của FGA cho thấy công cụ không chỉ có nhiều tiềm năng ứng dụng thực tế và cả khả năng thương mại hóa trong tương lai.

  Dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Phạm Ngọc Hùng (khoa Công nghệ thông tin) – giảng viên với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này,Tùng Lâm chia sẻ: “Nghiên cứu cá nhân là một lợi thế nhưng cũng gặp khó khăn khi em tiến hành nghiên cứu đề tài. Do làm việc một mình nên em có thể độc lập và làm chủ kế hoạch, thống nhất được các phương pháp nghiên cứu và làm việc hiệu quả với bản thân – một vấn đề lớn đối với các nhóm nghiên cứu nhiều thành viên. Tuy nhiên, làm việc cá nhân cũng khiến bản thân nhiều áp lực khi không thể san sẻ khối lượng công việc cho người khác. Nhiều vấn đề đòi hỏi các ý kiến sáng tạo cũng sẽ gặp khó khăn hơn. Chưa kể, có những lúc có một số hướng nghiên cứu đi vào “ngõ cụt” cũng khiến em nản lòng và không có ai để chia sẻ. Dù vậy, PGS.TS. Phạm Ngọc Hùng và các anh chị khóa trên tại SQA Lab đã hỗ trợ và động viện giúp em có thêm động lực hoàn thành đề tài”.

Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan