Sinh viên quốc tế đến nghiên cứu, trao đổi tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN thúc đẩy môi trường học tập đa văn hóa

Không chỉ với mục tiêu trở thành trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu trong nước, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) tiếp tục phấn đấu trở thành trường đại học top 200-300 trên thế giới. Dựa trên chiến lược phát triển, Nhà trường luôn tích cực hợp tác, kết nối với các đối tác quốc tế, mở ra cơ hội học tập, khám phá, giao lưu văn hóa toàn cầu cho sinh viên UET cũng như các sinh viên quốc tế. Ledez Clement và Nguyễn Thủy Chi – hai sinh viên đến từ các trường đại học tại Pháp và Hà Lan đã lựa chọn Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN là điểm đến để học tập, nghiên cứu.

Hành trình đến với UET – ngôi trường năng động, sáng tạo và đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục

Sinh viên Ledez Clement đang học tập tại Trường Ecole des Ingénieurs de la ville de Paris (EIVP), Pháp. Đây là trường công được thành lập năm 1959 chuyên về lĩnh vực xây dựng, quy hoạch giao thông đô thị, môi trường. Chia sẻ về cơ duyên biết đến Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN, Ledez Clement cho biết: “Bố em sinh ra tại Việt Nam nên em mong muốn được khám phá nền văn hóa mới và môi trường học tập chất lượng cao tại Việt Nam. Khi đã có quyết định về điểm dừng chân, em đã tự tìm kiếm thông tin về các trường đại học ở Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng giao thông. Sau thời gian tìm hiểu qua các kênh thông tin, em nhận thấy Trường ĐH Công nghệ là một trong những trường có chất lượng đào tạo hàng đầu tại Việt Nam, cùng thế mạnh hợp tác về đào tạo với các đối tác quốc tế, đặc biệt là trao đổi sinh viên quốc tế. Không ngần ngại, em đã liên hệ với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm khoa Công nghệ xây dựng – giao thông với mong muốn được học tập và nghiên cứu tại khoa CN XDGT, Trường ĐH Công nghệ trong 3 tháng”.

Từ tháng 6/2024 đến nay, Ledez Clement dưới sự hướng dẫn của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và TS. Nguyễn Văn Bắc – giảng viên khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông đã triển khai nghiên cứu khả năng áp dụng ô tô tự hành làm dịch vụ giao thông công cộng, tức là, sử dụng ô tô tự hành như các dịch vụ Xanh SM Taxi, GrabTaxi, BeTaxi.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức hướng dẫn Ledez Clement

Nếu Ledez Clement đến Việt Nam để trải nghiệm, học hỏi ở môi trường đại học hoàn toàn mới lạ, thì sinh viên Nguyễn Thủy Chi đang theo học tại ĐH Công nghệ Eindhoven (TU/e), Hà Lan, muốn “trở về” quê hương để khám phá thêm về lĩnh vực mà bản thân đang theo đuổi, Thủy Chi chia sẻ: “Với thông tin tìm hiểu thông qua người thân, mạng internet em được biết Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN đang đẩy mạnh vào lĩnh vực bán dẫn với nhiều hợp tác của các tập đoàn trong nước, quốc tế. Đây cũng là lĩnh vực em thấy hứng thú và mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về kiến thức, vì vậy em quyết định chọn Trường ĐH Công nghệ và chủ động gửi email liên hệ với thầy cô khoa Điện tử viễn thông về cơ hội được trao đổi tại UET. Em rất bất ngờ khi được các thầy cô hỗ trợ thủ tục nhanh gọn để em được học tập tại UET. Em cũng thấy được nhiều phản hồi tích cực từ phía sinh viên, người học về môi trường đào tạo chất lượng, các thế mạnh của trường trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật. Vì vậy, em càng mong muốn được khám phá, trải nghiệm về môi trường đại học tại Việt Nam đối với lĩnh vực mà em đam mê”.

ĐH Công nghệ Eindhoven, Hà Lan là một trong những trường đại học hàng đầu về ngành công nghiệp bán dẫn và quang tử tại Hà Lan, đào tạo ra những nhà khoa học ưu tú cho nền công nghiệp bán dẫn Hà Lan, điển hình là ASML – nhà sản xuất thiết bị quang khắc lớn nhất thế giới. “Việc trao đổi sinh viên quốc tế cũng là hoạt động đầu tiên giữa TU/e và UET trong lĩnh vực bán dẫn mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai đơn vị về khoa học công nghệ và đào tạo bậc đại học, sau đại học”- PGS. Mai Anh Tuấn – giảng viên khoa Điện tử Viễn thông chia sẻ.

PGS. Mai Anh Tuấn hướng dẫn Nguyễn Thủy Chi

PGS.TS Mai Anh Tuấn cho biết thêm: “Sinh viên quốc tế mang luồng sinh khí mới, góc nhìn “quốc tế” về môi trường học tập và nghiên cứu tới lớp học và nhóm nghiên cứu tại UET. Sự có mặt của sinh viên quốc tế giúp sinh viên UET có ý thức cố gắng và nỗ lực thay đổi thái độ, phương pháp học tập để hướng đến chuẩn mực quốc tế. Hơn nữa, hoạt động này được báo cáo tới Đại sứ quán các nước sở tại, là minh chứng cho năng lực, danh tiếng của UET trong các hoạt động hợp tác, đón nhận sinh viên toàn cầu nghiên cứu, học tập tại Trường. Đây là một bước đệm, đóng vai trò quan trọng trong đánh giá ngoài và đối với bạn bè quốc tế như các nước châu Âu hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc…”.

Có thể nói, các sinh viên quốc tế lựa chọn Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN để tới trao đổi, nghiên cứu không chỉ góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu của UET trên bản đồ học thuật trong và ngoài nước, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người học nói riêng, nhà trường nói chung trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, nâng tỷ lệ sinh viên nước ngoài đến trường và ĐHQGHN, từng bước khẳng định vị thế và góp phần nâng cao chỉ số xếp hạng đại học. Chia sẻ về những lợi thế của chương trình trao đổi quốc tế, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ xây dựng – giao thông nhận định: “Sự có mặt của sinh viên nước ngoài tại Khoa CN XD-GT cũng thúc đẩy không khí học thuật. Chúng tôi và sinh viên Việt Nam cũng biết và tiếp xúc với các phương pháp giảng dạy và nghiên cứu tiên tiến của các trường đối tác, tạo cơ hội cho giảng viên và nhà nghiên cứu của Khoa tìm hiểu cơ hội tham gia vào các dự án nghiên cứu quốc tế, tiếp cận với các xu hướng mới của ngành Civil Enineering mà nước ngoài đang quan tâm”.

Ấn tượng về UET đối với sinh viên quốc tế

Những ngày đầu đến học tập tại UET, tuy còn bỡ ngỡ nhưng với sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên, sinh viên Ledez Clement và Nguyễn Thủy Chi đều nhanh chóng hóa nhập vào môi trường mới.

Với sinh viên Ledez Clement, những ngày đầu học tập tại Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã yêu cầu sinh viên lập đề cương và nội dung nghiên cứu trong thời gian 3 tháng để giáo sư góp ý chỉnh sửa. Vì vậy, trong thời gian tại UET, sinh viên Ledez Clement đã thực hiện khảo sát khách hàng cho việc sẵn sàng sử dụng xe tự hành làm dịch vụ giao thông công cộng. Nội dung các câu hỏi khảo sát đã được GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và các giảng viên của khoa góp ý chỉnh sửa cho phù hợp với tâm lý, văn hóa người Việt và thực tiễn ở Việt Nam. Giáo sư cho biết: “Dưới sự hỗ trợ sát sao, tôi yêu cầu sinh viên thực hiện theo đề cương và kế hoạch nghiên cứu trong từng tuần. Đầu tiên là xây dựng bảng hỏi, lên kế hoạch khảo sát và tiến hành lấy ý kiến theo độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp,… Sau đó sẽ phân tích số liệu và đánh giá. Tôi cũng yêu cầu và hướng dẫn sinh viên tổng quan các bài báo, tài liệu đã có về chủ đề nghiên cứu tương tự ở nước ngoài. Từ đó, sản phẩm của kỳ thực tập là phải viết được một bài báo kết quả khảo sát và nghiên cứu. Thông qua yêu cầu này, có thể đánh giá được năng lực của sinh viên, hiệu quả của sự hợp tác và trao đổi sinh viên đối với đối tác nước ngoài”.

Ấn tượng với sự hỗ trợ, giảng dạy nhiệt tình từ các thầy cô khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông, sinh viên Ledez Clement bày tỏ: “Bất cứ lúc nào các thầy cô cũng sẵn sàng có mặt để hỗ trợ sinh viên, giảng viên gần gũi và thân thiện giúp sinh viên tự tin tương tác trong quá trình học tập. Với chất lượng đào tạo và đội ngũ giảng viên nhiệt huyết tại UET tôi tin chắc bản thân sẽ có kết quả tốt sau 3 tháng trao đổi tại Việt Nam”. Điều bất ngờ hơn nữa là Ledez Clement sẵn sàng học tiếng Việt để có cơ hội tìm kiếm một công việc thực tập trong lĩnh vực xây dựng giao thông vào năm tiếp theo tại Việt Nam.

Còn với sinh viên Nguyễn Thủy Chi, sau hơn 1 tháng học tập tại trường, bản thân đã có những trải nghiệm mới mẻ và sự gắn bó với thầy cô, bạn bè: “Những ngày đầu tiên đến UET, em được TS. Mai Linh và PGS. Mai Anh Tuấn – giảng viên khoa Điện tử viễn thông hỗ trợ tận tình, sau hơn 1 tháng theo học đội ngũ chuyên môn trong lĩnh vực bán dẫn em đã có thêm những kiến thức mới. Có thể em có lợi thế hơn các bạn du học sinh khác về ngôn ngữ, nhưng một năm học tập tại Hà Lan đã khiến em có góc nhìn khác trong giáo dục đào tạo. Dù vậy, em vẫn quyết định trải nghiệm môi trường nghiên cứu, học tập tại UET trong một thời gian ngắn về lĩnh vực bán dẫn”.

Thủy Chi được giao nhiệm vụ thiết kế một linh kiện IC nguồn của thiết bị điện tử và sau quá trình hướng dẫn của thầy cô, đồng thời tham gia các khóa học về linh kiện bán dẫn Thủy Chi đã có thêm những kiến thức mới về bán dẫn cũng như hoàn thiện thiết kế. “Với sự tâm huyết, nhiệt tình hỗ trợ từ phía các thầy cô và anh chị khoa Điện tử viễn thông đã giúp em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Em thấy ấn tượng nhất  là môi trường cởi mở giữa thầy cô và người học, đặc biệt là sự khuyến khích tương tác và trao đổi của thầy cô khi người học có những ý tưởng mới trong quá trình học tập” – Thủy Chi chia sẻ. Cô bạn cũng tự nhủ sẽ cố gắng hơn nữa để thiết kế này trong tương lai sẽ được sử dụng trong lĩnh vực y sinh.

Sinh viên Nguyễn Thủy Chi học tập tại UET

Em rất biết ơn và trân trọng quãng thời gian được trau dồi kiến thức tại UET cùng với thầy cô, anh chị trong chương trình VNU-Samsung Tech Track (V-STT) và Trường ĐH Công nghệ. Đặc biệt là, PGS. Mai Anh Tuấn và TS. Mai Linh đã tận tình hướng dẫn em hoàn thành với kết quả tốt nhất. Em hi vọng UET sẽ có thêm nhiều hợp tác với TU/e nói riêng, các trường đại học tại Hà Lan nói chung để bản thân có cơ hội được về Việt Nam và khám phá nhiều lĩnh vực mới, đồng thời môi trường giáo dục, nghiên cứu chất lượng của UET cần được giới thiệu nhiều hơn đến bạn bè quốc tế” – Thủy Chi bày tỏ.

Sinh viên quốc tế trực tiếp tham gia vào các nghiên cứu tại UET, thúc đẩy môi trường học tập đa văn hóa

Bên cạnh việc học tập, tích lũy thêm kiến thức chuyên môn, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN luôn tạo điều kiện tốt nhất để các sinh viên quốc tế tham gia vào các dự án nghiên cứu, đóng góp nhưng kết quả nghiên cứu giá trị, đồng thời góp phần thúc đẩy môi trường học tập, giao lưu đa văn hóa tại Việt Nam.

Qua thời gian làm việc, chỉ bảo và hướng dẫn cho sinh viên Ledez Clement, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận xét: “Ledez Clement là một sinh viên ưu tú, tinh thần tự giác trong học tập và nghiên cứu rất cao. Sinh viên đều đặn lên làm việc tại khoa hàng ngày, thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch nghiên cứu, đúng thời hạn và thường xuyên trao đổi hỏi về các vấn đề chuyên môn với tôi và các thầy/cô trong khoa. Có thể nói tác phong làm việc của sinh viên Ledez Clement dù mới là sinh viên năm thứ 4 đại học nhưng đã thể hiện như là một sinh viên thạc sĩ, có tinh thần tự tìm tòi và nghiên cứu rất tốt. Qua đây cũng là một cơ hội cho các bạn sinh viên tại khoa được trao đổi ngoại ngữ, giao lưu học thuật. Tôi đã yêu cầu một nhóm sinh viên của Khoa hỗ trợ sinh viên Ledez Clement trong việc thực hiện khảo sát trên các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện Cat Linh – Hà Đông, tuyến xe buýt nhanh BRT và các tuyến xe buýt khác”.

Ngoài ra, sinh viên Ledez Clement cũng được tham gia các hoạt động hội thảo và seminar khoa học của khoa; đi thực tế, tham quan, khảo sát các công trình xây dựng ở Hà Nội và các khu lân cận Hà Nội như Ecopark, Cầu Nhật Tân, dự án ĐHQGHN trên Hòa Lạc, tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông, xe buýt nhanh BRT và các tuyến buýt khác,…

Trong khi đó, sinh viên Nguyễn Thủy Chi tham gia lớp học về lĩnh vực bán dẫn chương trình VNU-Samsung Tech Track (V-STT) do UET hợp tác với Samsung, đã trở nên  quen thuộc với các học viên khác trong chương trình. PGS. Mai Anh Tuấn đánh giá cao thái độ, phương pháp học tập, kỹ năng tương tác và kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thủy Chi. “Trước khi về Việt Nam, tôi đã có những buổi trao đổi online, hướng dẫn thực tập sinh những nội dung cần chuẩn bị trước. Vì thế, trong thời gian tại UET, thực tập viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra là thiết kế 1 linh kiện điện tử. Môi trường giáo dục hiện đại, công cụ thiết kế vi mạch chuyên nghiệp cùng sự hỗ trợ của các anh chị trong lớp cao học về Công nghệ bán dẫn, giúp Thủy Chi tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn so với các bạn khi trở lại Hà Lan”.

Thông qua kết quả lần này của sinh viên quốc tế Nguyễn Thủy Chi, PGS.TS Mai Anh Tuấn hi vọng các giáo sư TU/e sẽ biết đến nghiên cứu, thế mạnh của UET qua báo cáo của sinh viên. Từ đó, Nhà trường sẽ thúc đẩy hợp tác hai bên và trong tương lai xa hơn sẽ có khả năng  khai thác tiềm năng để xây dựng các chương trình, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho hai quốc gia.

Với mục tiêu thúc đẩy trao đổi hợp tác quốc tế giữa Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN với các trường đại học trên thế giới, chương trình trao đổi sinh viên giữa trường VNU-UET với EIVP và TU/e đã thực sự đưa các bạn sinh viên quốc tế đến với đất nước hình chữ S xinh đẹp, tạo điều kiện cho các bạn khám phá Việt Nam và trải nghiệm nền giáo dục tiên tiến tại UET. Sự hiện diện của sinh viên quốc tế không chỉ nâng cao uy tín và chất lượng đào tạo, nghiên cứu của Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN về đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực Điện tử viễn thông, Xây dựng giao thông trong hệ thống các trường đại học tại Việt Nam, mà còn minh chứng cho môi trường học tập quốc tế hóa năng động, sáng tạo, mang lại nhiều cơ hội phát triển cho người dạy và người học.

(UET-News)

Bài viết liên quan