Sinh viên cần xây dựng nền tảng vững chắc, tìm kiếm đam mê cho bản thân

   “Học tập suốt đời”, “Tạo dựng giá trị bản thân”…. là những lời khuyên bổ ích của các tập đoàn và doanh nghiệp dành cho sinh viên Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN), Đại học Quốc gia Hà Nội, đặc biệt là sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư tại “Ngày hội việc làm 2020” do Trường ĐHCN tổ chức.

   Học tập suốt đời

   Dù là sinh viên năm nhất cho đến năm cuối đều muốn tìm hiểu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp sau khi ra trường. Trong thời đại công nghệ số ngày nay,sinh viên khối ngành công nghệ kỹ thuật luôn bị “thu hút” bởi các công nghệ mới đang trở thành xu hướng. Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề học tập và cập nhật công nghệ mới, bà Nguyễn Trần Ngọc Linh – Phó Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu Viettel khẳng định: “Sinh viên với nền tảng, tư duy tốt về lập trình, giải thuật… là các bạn đã có thể làm tốt công việc và có thể tiếp cận bất cứ công nghệ mới nào đó trên thế giới. Như vậy, các bạn sẽ không cần chạy theo công nghệ vì công nghệ chỉ là công cụ phát triển”. Nhưng nhắc đến việc để sinh viên có nền tảng, tư duy tốt thì bà Nguyễn Trần Ngọc Linh cho biết thêm:“các tập đoàn và doanh nghiệp luôn coi trọng những cá nhân có khả năng tự học tốt, để nghiên cứu tài liệu và xu hướng mới, từ đó bản thân sinh viên có thể dự báo xu hướng để giúp sự nghiệp thăng tiến. Vì vậy, sinh viên nên hình thành tư duy học cho bản thân, thể hiện khả năng tư học ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Đặc biệt là các bạn phải thay đổi tư duy học cho bố mẹ, cho thầy cô bằng tư duy học cho bản thân và tương lai của chính mình. Cho đến nay, tôi đã ra trường 10 năm nhưng mỗi ngày vẫn sắp xếp thời gian tự học khoảng 30 phút – 1 tiếng để phục vụ cho công việc. Bên cạnh đó, việc đọc sách rất tốt cho sinh viên, các bạn hãy đọc những loại sách liên quan đến kỹ năng, chuyên môn… để giúp bản thân tích lũy thêm nhiều kiến thức, định hướng bản thân”.

   “Đối với sinh viên, khi ngồi trên ghế giảng đường để bản thân đạt thành tích tốt đã không dễ, bởi vậy khi học đại học sinh viên cần có tư duy, sự tự giác và tự lập của bản thân”. Đây là quan điểm mà anh Nguyễn Anh Tuấn – Chuyên viên quản trị dự án Viettel đã chia sẻ tại “Ngày hội việc làm”. Anh Nguyễn Anh Tuấn còn cho biết thêm, đến khi trưởng thành môi trường tác động sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn bởi công việc, cuộc sống. Bạn sẽ chịu sức ép trong công việc về con đường thăng tiến, hay đảm bảo công việc lâu dài, nên nếu ngừng học các bạn sẽ tụt lùi. Mặc dù, có thể các bạn giỏi về ngôn ngữ lập trình nào đó, nhưng công nghệ và kỹ năng lập trình thay đổi liên tục, sẽ đòi hỏi các bạn phải cập nhật kỹ năng mới. Chỉ cần khoảng 6 tháng -1 năm các bạn sẽ bị thay thế bởi những bạn trẻ và nhiều kỹ năng hơn.Vì vậy, việc liên tục trau dồi kiến thức, cập nhật kỹ năng mới và học tập suốt đời là điều vô cùng quan trọng giúp ích cho công việc và cuộc sống của các bạn.

TS. Hoàng Văn Xiêm chia sẻ về những kinh nghiệm học tập, nghiên cứu đến sinh viên

   Đồng quan điểm về khả năng tự học và tự chủ của sinh viên, TS. Hoàng Văn Xiêm – giảng viên khoa Điện tử viễn thông (Trường ĐHCN) nhận định, chỉ cần sinh viên có nền tảng kiến thức vững chắc thì bản thân có thể cập nhật bất kỳ xu thế mới, mà hiện nay xu thế là liên ngành, xuyên ngành nên những IOT, Big Data… không khác nhau. Sống trong môi trường đại học các bạn sinh viên cần tự giác, tự chủ và nhận thức được việc học là cho bản thân. Từ đó, các bạn cần có giá trị của bản thân, làm chủ được công việc cũng như học tập.

   Trải nghiệm để trau dồi kỹ năng

   Dựa vào những kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân TS. Hoàng Văn Xiêm nhấn mạnh, khi còn là sinh viên, các bạn còn trẻ không nên quá nặng nề về kết quả của công việc, học tập hay nghiên cứu khoa học. Vì khi tham gia nghiên cứu khoa học đến 99% các nghiên cứu không ra được như định nghĩa ban đầu. Cho nên lập trình có vấp, viết chương trình không hoạt động hãy coi là chuyện bình thường. Các bạn hãy cứ làm, cứ học tập hết mình, chơi hết sức bằng việc tham gia các phong trào, giao lưu, bởi điều các bạn cần làm trải nghiệm trong cuộc sống. Có như vậy, chúng ta cứ làm thì mọi thứ tự nhiên cũng sẽ đến”.  

   Anh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, điều quan trọng nhất của sinh viên là thiết lập chiến lược cho bản thân, nhất là kế hoạch tương lai. Khi đã xác định được mục tiêu, các bạn hãy tìm ra được những phương pháp, tích lũy kỹ năng tham khảo những cựu sinh viên, con người thành công. Sau đó, các bạn hãy trải nghiệm, phát triển qua từng giai đoạn để tìm kiếm điều phù hợp với bản thân. Quan trọng nhất là các bạn phải bắt tay vào trải nghiệm và thực hiện ngay thì mới nhận thức sớm được đam mê của bản thân.

   Và môi trường giúp sinh viên trải nghiệm, trau dồi kỹ năng chính là những hoạt động giao lưu ở các câu lạc bộ, cuộc thi dành cho sinh viên. Trường ĐHCN luôn tạo điều kiện kết nối, rèn luyện kỹ năng và tạo cơ hội phát triển cho sinh viên. Vì những tiêu chí này mà các câu lạc bộ dành cho sinh viên của Nhà trường luôn kế thừa, phát huy những giá trị cốt lõi với những lịch sử lâu năm và hoạt động bổ ích. Với 14 năm hoạt động, câu lạc bộ (CLB) thuyết trình trở thành một trong ba câu lạc bộ được thành lập sớm nhất tại Trường ĐHCN. Phạm Trường Giang – Chủ nhiệm CLB cho biết: “Cho đến nay, CLB từ cái nôi là Trường ĐHCN đã phát triển lớn mạnh với hơn 1.000 thành viên đến từ các trường thành viên trong ĐHQGHN nói riêng và địa bàn thành phố Hà Nội nói chung. Trong suốt 14 năm hoạt động, CLB luôn hỗ trợ sinh viên trong trường nói riêng và các trường đại học nói chung về kỹ năng để phát triển bản thân như thuyết trình, cùng nhiều kỹ năng mềm khác, làm việc nhóm, lập kế hoạch, tổ chức sự kiện, truyền thông, giao tiếp, thuyết phục đối tác…”.

   Đối với những sinh viên muốn rèn luyện về chuyên môn, học thuật hoặc khởi nghiệp, có thể tìm đến CLB HRTech với kinh nghiệm 10 năm hoạt động, sinh viên Phạm Thiên Long – Trưởng ban Đối ngoại CLB cho biết: “CLB đang thực hiện dự án với nhiệm vụ gắn kết các thành viên nói riêng và sinh viên nói chung bởi các hoạt động mang tính học thuật, khởi nghiệp tạo thành đề án công nghệ trong tương lai.  Đầu ra sẽ là những thành viên có năng lực chuyên môn kỹ năng cứng cho công nghệ với thái độ làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật trong môi trường doanh nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động của CLB còn hướng tới các kỹ năng mềm để sinh viên có sự phát triển toàn diện nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của sinh viên công nghệ, tinh thần quyết tâm khởi nghiệp với những dự án đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng.

   Sự năng động, linh hoạt là những tiêu chí, phẩm chất, năng lực mà tất cả lĩnh vực doanh nghiệp đều coi trọng, thì CLB hỗ trợ Sinh viên SGUET là nơi giúp sinh viên. Trong 8 năm hỗ trợ mọi hoạt dộng của sinh viên, Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên, theo chia sẻ của Lê Minh Bình – Chủ nhiệm CLB đã quảng bá hình ảnh Nhà trường, xây dựng kênh truyền thông phản ánh đời sống, tâm tư nguyện vọng sinh viên. Khi tham gia hoạt động sinh viên sẽ được trau dồi, thử sức những công việc khác nhau như lập kế hoạch, làm việc với tổ chức đối tác doanh nghiệp liên quan sự kiện, quản lý nhân sự, tài chính…

   Xây dựng kế hoạch và tạo dựng giá trị bản thân

   Khi nhắc đến quãng thời gian còn học tập tại Trường ĐHCN, anh Nguyễn Anh Tuấn đã chia sẻ về thời gian đầu tiên “thả lỏng” bản thân sau khi đỗ đại học: “Năm đầu tiên, tôi đã phải thi lại 13 môn, có kỳ các bạn cùng trang lứa học 6 môn nhưng tôi học đến 19 môn. Vì vậy, năm thứ nhất tôi học rất vất vả và kéo theo những năm sau cũng không dễ dàng. Cho nên, điều khó nhất của con người là chiến thắng bản thân, các bạn sinh viên cần xác định những điều cần thiết, bỏ bớt những thứ không quan trọng để tập trung vào mục tiêu đề ra”.

   Không chỉ riêng anh Nguyễn Anh Tuấn, cựu sinh viên Vũ Hồng Chiên – hiện đang giữ chức vụ Giám đốc công nghệ Công ty dịch vụ xử lý số FPT cũng đặt ra những định hướng mục tiêu và con đường phát triển tương lai sau năm thứ 2 khi bước chân vào Trường ĐHCN. “Đây là giai đoạn bản thân đã tích lũy được những kiến thức và hiểu biết nhiều về công nghệ nên tôi muốn áp dụng vào thực tiễn. Đến năm thứ 3, tôi thực tập tại Công ty Hài Hòa chuyên về phần mềm trong lĩnh vực xây dựng và bắt đầu định hình con đường sự nghiệp. Trải qua 7-8 năm với nhiều công việc, vị trí khác nhau tôi quyết định đầu quân cho Tập đoàn FPT và đến nay đã tròn 10 năm. Tại FPT tôi tập trung nghiên cứu giải pháp, phát triển sản phẩm biến ước mơ từ giảng đường đại học thành thực tế, tôi luôn nuôi khát vọng được đưa công nghệ vào lĩnh vực y tế, giáo dục. Từ những ngày học đại học, xa gia đình và luôn trăn trở về sức khỏe của bố mẹ, đến khi lập gia đình tôi lại lo lắng cho con cái về tiêm vắc xin, tư vấn sức khỏe… trong khi bản thân tôi là một người làm về công nghệ nên càng phải có trách nhiệm đưa công nghệ vào cuộc sống phục vụ gia đình nói riêng và xã hội nói chung. Từ đó, ứng dụng sẽ nâng cao đời sống của người dân trong xã hội” – anh Vũ Hồng Chiên chia sẻ.

Cựu sinh viên Vũ Hồng Chiên chia sẻ về mục đích hướng đến thành công của bản thân 

   Qua những câu chuyện của cựu sinh viên có thể nhận thấy, sinh viên cần xây dựng kế hoạch tương lai, xác định mục tiêu, đam mê và điều quan trọng là vượt lên chính mình.Nhưng để làm được điều đó, anh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh rằng: “Đừng vì là sinh viên mới ra trường hay chưa có kinh nghiệm mà tự áp đặt bản thân vào một mức lương giới hạn. Hãy dám đặt ra mức lương cao, hãy dám ước mơ. Nhưng cách để các bạn đạt được mức lương đó hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân vì doanh nghiệp thường nhìn vào tiềm năng của các bạn sẽ mang lại cho họ. Đầu tiên là sự nhiệt huyết, sáng tạo, lựa chọn những điểm mới chưa ai làm là cách chiến thắng những người đã có kinh nghiệm lâu năm. Chính sinh viên phải là những người tự tạo giá trị cho bản thân để thu hút doanh nghiệp, bằng việc tham gia các kỳ thực tập doanh nghiệp, dự án mở… từ năm thứ ba để đảm bảo tích lũy kiến thức. Khi các bạn có những cống hiến và được xã hội ghi nhận thì doanh nghiệp sẽ định ra giá trị thương hiệu của sinh viên đó.

Tuyết Nga – Đăng Hoàng (UET-News)

Bài viết liên quan