Seminar khoa học trực tuyến: Mạng cảm biến chi phí thấp dành cho hệ thống giám sát
Nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN), Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Úc, Viện Tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ đã tổ chức buổi hội thảo khoa học trực tuyến với diễn giả là PGS. TS. Quang Hà (UTS), giới thiệu về: “Dependable Low-Cost Sensing Networks for Monitoring Purposes” (Mạng cảm biến chi phí thấp dành cho các hệ thống giám sát), vào ngày 29/09/2020.
Tham dự buổi seminar khoa học trực tuyến có các nhà khoa học và nghiên cứu sinh của Trường ĐHCN và một số đơn vị nghiên cứu khác ở Việt Nam, Úc, và Ấn Độ.
Tại seminar, PGS.TS. Quang Hà đã giới thiệu ngắn gọn về đặc điểm, ứng dụng thực tế của mạng cảm biến trong hệ thống giám sát. Trong buổi hội thảo này, PGS đã trình bày các kết quả gần đây trong nghiên cứu của mạng lưới cảm biến chi phí thấp để giám sát chất lượng không khí ở các khu vực ngoại ô Sydney. Ngoài ra, bài nói của PGS còn đề cập đến các ứng dụng khác để giám sát cơ sở hạ tầng và nhận dạng đối tượng.
Nội dung của bài trình bày đã thu hút được rất nhiều sự chú ý thảo luận từ các nhà khoa học tham dự, là về sử dụng các kỹ thuật học sâu để nâng cao độ tin cậy của hệ thống. PGS đã giới thiệu các kết quả của nhóm nghiên cứu về phát triển các kỹ thuật học sâu áp dụng cho hệ thống giám sát chất lượng không khí, và cho việc phát hiện các vết nứt trên bề mặt các cấu trúc hạ tầng.
PGS.TS Quang Hà nhận bằng Cử nhân kỹ thuật ngành Kỹ thuật Điện của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh vào năm 1983. Ông được cấp bằng Tiến sĩ về Các hệ thống phức tạp và Điều khiển tại Viện kỹ thuật năng lượng Moscow, Nga vào năm 1993 và bằng Tiến sĩ về Các hệ thống thông minh tại Đại học Tasmania, Úc năm 1997. Hiện nay, PGS đang công tác tại khoa Kỹ thuật và Công nghệ thông tin, Trường Kỹ thuật Điện và Dữ liệu, Trường Đại học Công nghệ Sydney. Các lĩnh vực nghiên cứu của PGS bao gồm tự động hóa, robot và các hệ thống điều khiển.
Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ có mục tiêu xây dựng và phát triển một môi trường mở trong Trường ĐHCN, hỗ trợ kết nối, quy tụ nhân lực, thúc đẩy hợp tác và thu hút nguồn lực, để tập trung nghiên cứu một số công nghệ tiên tiến, liên ngành, góp phần tạo ra sản phẩm khoa học, công nghệ và đào tạo của Trường ĐHCN có chất lượng và tầm ảnh hưởng.
Từ năm 2018 đến nay, Viện đã tổ chức đều đặn seminar hàng tuần trong mỗi học kỳ, các giảng viên và cán bộ trẻ của Nhà trường đã được cập nhật những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trên thế giới. Các seminar như của GS. Paul B. Jantz đến từ Đại học bang Texas, Mỹ với bài nói về “Các kỹ thuật trong chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI) sử dụng trong nghiên cứu về tổn thương não” đã thu hút được người nghe trong ĐHQGHN, bao gồm Trường Đại học Giáo dục; GS. Mouloud Adel (Trường Đại học Aix-Marseille, Pháp) với bài nói “Các khía cạnh trong vấn đề chẩn đoán có hỗ trợ bằng máy tính, ứng dụng với ảnh y tế”; GS. Hideya Ochiai (Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản) với bài nói “LAN-security monitoring”; TS. Đậu Sơn Hoàng từ Đại học RMIT, Úc nói về “Ứng dụng lý thuyết mã hóa trong hệ thống lưu trữ phân tán tín toán phân tán”; các Bài giảng đặc biệt của GS. Huỳnh Hữu Tuệ (Trường Đại học Laval, Canada) về “Làm thế nào để chuẩn bị và viết bản thảo một công trình nghiên cứu nhằm được chấp nhận công bố trên các tạp chí uy tín?”; GS. KarimAbed-Meraim (Trường Đại học Orleans, Pháp) về “Kỹ thuật nhận dạng hệ thống”, TS. Nguyễn Hồng Sơn (Trung tâm nghiên cứu Khí tượng Thủy văn ở Toulouse, France) về “Lọc thích nghi và ứng dụng trong các hệ thống có số lượng chiều lớn”, PGS.TS. Quang Hà về “Smart Systems for Infrastructure Control & Monitoring”.
Từ đầu năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19, các seminar vẫn được tổ chức đều đặn, dưới hình thức trực tuyến, hoặc kết hợp trực tuyến – trực tiếp (blended). Cụ thể, hội thảo khoa học trực tuyến về “Mô hình hóa kênh truyền thông giữa drone và thiết bị mặt đất qua đo lường vô tuyến” do GS. KVS Hari, phó chủ tịch Hội Xử lý Tín hiệu IEEE (IEEE SPS) từ Viện Khoa học Ấn Độ tại Bangalore trình bày.
Tuyết Nga – Đăng Hoàng (UET-News)