Rộng mở “cánh cửa” sự nghiệp và hội nhập quốc tế với CTĐT Thạc sĩ liên kết giữa UET và ĐH Paris-Saclay, Pháp chuyên ngành Kỹ thuật Truyền thông & Dữ liệu

    Chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết quốc tế giữa Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN (UET) và Trường ĐH Paris-Saclay, Pháp chuyên ngành Kỹ thuật Truyền thông và Dữ liệu là xu hướng đào tạo liên ngành gắn với khoa học dữ liệu, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ mạnh mẽ ở hiện tại và tương lai.

    Chương trình đào tạo đón đầu xu thế, liên kết giữa hai trường hàng đầu trong lĩnh vực tại Việt Nam và Pháp

    Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, truyền thông dữ liệu có tác động rất lớn tới cuộc sống của con người trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, xã hội, giải trí, giáo dục,… Theo đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực kỹ thuật truyền thông và dữ liệu này tại các công ty, tập đoàn là rất lớn, với mức thu nhập cao. Điều đó cho thấy, sức “nóng” của ngành học này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, với mong muốn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp cận với những kiến thức cập nhật xu thế, góp phần mở rộng con đường phát triển sự nghiệp của bản thân.

     Nắm bắt được xu hướng của thời đại, cũng như dựa trên thế mạnh của Trường Đại học Công nghệ trong lĩnh vực Công nghệ thông tin – Truyền thông, phát triển tiếp từ bề dày hợp tác đã có với Trường Đại học Paris-Saclay, hai bên tiếp tục liên kết đào tạo chương trình thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Truyền thông và Dữ liệu, bằng tốt nghiệp do trường bên Pháp cấp.

    Uy tín và giá trị bằng cấp của các học viên càng được nâng tầm khi Trường Đại học Paris-Saclay, Pháp được xếp hạng Top 1 ở Pháp và Top 16 trên thế giới – Theo hệ thống xếp hạng ARWU của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc năm 2022. Về các lĩnh vực, Toán học xếp hạng 1, Vật lý 9, Khoa học Nông nghiệp 11, Y học lâm sàng 20, Kỹ thuật Truyền thông và Thống kê 25… 

    Chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Truyền thông và Dữ liệu với đội ngũ giảng viên giàu chuyên môn, kinh nghiệm, trong đó, 50% số học phần chuyên ngành do giảng viên Pháp giảng dạy trực tiếp tại Hà Nội. Mỗi học phần chuyên ngành đều do phía Trường ĐH Paris-Saclay điều phối xây dựng đề cương, sử dụng các giáo trình và tài liệu tham khảo thông dụng trên thế giới, luận văn thạc sĩ do hai bên đồng hướng dẫn, từ đó, đem đến cho các học viên một môi trường học tập chuẩn quốc tế, lĩnh hội tri thức và học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng từ các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và Pháp.

    Môi trường học tập quốc tế, tiếp thu tri thức và kinh nghiệm từ các giảng viên Pháp

    Các học viên chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Truyền thông và Dữ liệu khóa I đã chào đón GS.TSKH. Pierre Duhamel – Giảng viên Trường ĐH Paris Scalay, Pháp tới giảng dạy vào tháng 11/2022 vừa qua.

    Sau hơn ba tuần làm việc và giảng dạy tại Trường ĐH Công nghệ, GS.TSKH. Pierre Duhamel rất ấn tượng về môi trường nghiên cứu thân thiện, gần gũi cùng với phong cách học tập cởi mở, tích cực tương tác giữa các học viên và giảng viên Nhà trường. “Sự nồng nhiệt, ham học hỏi của người học và nhiệt tình hỗ trợ của các giảng viên Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN là những điều đáng quý, để lại kỷ niệm đẹp đối với tôi trong thời gian làm việc tại đây” – Giáo sư Pierre Duhamel chia sẻ. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng nhận định rằng, chương trình đào tạo thạc sĩ này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người học khi được cấp bằng bởi Trường ĐH Paris-Saclay là một trong những trường đại học hàng đầu tại Pháp, đồng thời, người học còn được tiếp cận với những kiến thức và phương pháp giảng dạy đa dạng về công nghệ thông tin – truyền thông mới nhất trên thế giới bởi đội ngũ giảng viên của Pháp và Việt Nam.

 GS Duhamel giảng dạy những học viên khóa I của chương trình đào tạo Thạc sĩ liên kết

    Sau thời gian tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết giữa Trường ĐH Công nghệ và ĐH Paris-Saclay, với những buổi học do Giáo sư Pierre Duhamel giảng dạy đã làm nhiều học viên hào hứng đối với chương trình này. Đa số học viên đều cho rằng chương trình đào tạo này giúp người học tiếp cận môi trường học tập quốc tế tại Việt Nam, đồng thời cập nhật những kiến thức công nghệ mới cho người học. Học viên Phan Quốc Đạt hiện đang công tác tại VNPT Technology biết đến chương trình đào tạo qua việc liên kết hợp tác giữa VNPT Technology và Trường ĐH Công nghệ, cho biết: “Một trong những lý do tôi tham gia chương trình đào tạo này bởi hai đơn vị đào tạo đều là những trường đại học thuộc top đầu trong nước và quốc tế. Quan trọng là nội dung chương trình sát với công việc thực tế tôi đang công tác, cũng như định hướng nghề nghiệp của bản thân. Từ đó, tôi cập nhật thêm kiến thức và hiểu biết hơn về các nguyên lý vận hành hoạt động của hệ thống số, đặc biệt là với quá trình “vật lộn” để quay lại với các phương trình, công thức,.. nền tảng khoa học kỹ thuật sâu bên dưới, đã giúp cho học viên vượt qua được một số hạn chế/rào cản của phạm vi công việc từ trước đến nay (chỉ làm ở lớp ứng dụng). Những điều này đã khích lệ bản thân nói riêng và các học viên nói chung dấn sâu và đam mê hơn với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ”.

Học viên Phan Quốc Đạt, hiện đang công tác tại VNPT Technology đánh giá chương trình đào tạo giúp bản thân cập nhật những kiến thức trong lĩnh vực kỹ thuật truyền thông và dữ liệu

    Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý tín hiệu và truyền thông, trong quá trình giảng dạy, GS.TSKH Pierre Duhamel luôn khuyến khích người học tham gia nghiên cứu khoa học và tạo môi trường say mê học tập cho người học. “Tôi luôn muốn người học tham gia vào quá trình nghiên cứu và luôn vận động chứ không chỉ đơn giản là đang học tập, từ đó, người học sẽ đặt ra những vấn đề thực tiễn và tìm ra giải pháp mới” – Giáo sư cho biết.

Học viên Lê Quốc Anh,  hiện đang công tác tại Viện Tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ – Trường ĐH Công nghệ

    Học viên Lê Quốc Anh, hiện đang công tác tại Viện Tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ – Trường ĐH Công nghệ cho biết: “Ngay từ khi bắt đầu chương trình, môn Truyền thông số là môn học đầu tiên chúng tôi được học trong chương trình và được GS. Pierre Duhamel trực tiếp giảng dạy tại Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN. Trong những buổi đầu tiên, tôi cảm thấy khá choáng ngợp với nội dung của môn học, tuy nhiên với cách giảng dạy của GS. Pierre Duhamel khuyến khích các học viên thực hiện từng bước nhỏ để giải một bài tập lớn, thì tôi thấy rằng mình dần dần có thể nắm bắt được cách thức để hiểu hơn về các kiến thức của môn học. Trong các buổi học của giáo sư tôi không thấy sự xa cách giữa học viên và giáo sư, các học viên của chương trình có sự trao đổi thoải mái về nội dung của môn học trong buổi học”.

     Có thể thấy, chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Kỹ thuật Truyền thông và Dữ liệu giữa UET và Trường ĐH Paris Saclay, với sự tham gia giảng dạy của các giảng viên quốc tế hàng đầu tại Pháp luôn là những trải nghiệm đặc biệt đối với các học viên trong quá trình học tập, nghiên cứu, qua đó, giúp cho người học thêm tự tin, phát triển tư duy, kỹ năng vận dụng thực tiễn, đồng thời, tích lũy nhiều kiến thức mới bổ ích, phục vụ đắc lực cho quá trình học tập, xây dựng và phát triển sự nghiệp trong tương lai.

    Chương trình thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Truyền thông và Dữ liệu có thời gian đào tạo chuẩn là 12 tháng. Học viên cần tích lũy 60 tín chỉ ETCS (theo hệ thống của Châu Âu), trong đó 40 ETCS là học phần và 20 ETCS là luận văn thạc sĩ. Chương trình có 6 học phần cơ sở chuyên ngành (bắt buộc), 2 học phần chuyên sâu chuyên ngành (lựa chọn trong 3 học phần) và 1 học phần bổ trợ (lựa chọn trong 2 học phần). Chương trình được thiết kế với 3 cấu phần chính là Truyền thông, Mạng truyền thông,Dữ liệu (15 ECTS), có số tín chỉ tương đương nhau. Chương trình cũng có sự hài hòa giữa lý thuyết khoa học kỹ thuật và thực tiễn công nghệ. Khía cạnh công nghệ bao gồm mạng viễn thông 4G-5G, mạng Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu IoT, an toàn an ninh mạng.

   Đội ngũ giảng viên của chương trình đến từ hai trường đại học hàng đầu của Pháp và Việt Nam, phía Pháp chịu trách nhiệm giảng dạy trực tiếp tại Hà Nội và đánh giá 4/9 số học phần chuyên ngành. Luận văn thạc sĩ do hai bên đồng hướng dẫn. Môi trường học tập quốc tế, bằng tiếng Anh và có cả học viên người nước ngoài. Chương trình dành 5% kinh phí thu được từ học phí để cấp học bổng. Đặc biệt, học viên có cơ hội sang Pháp làm luận văn thạc sĩ, với kinh phí do đối tác tài trợ.

   Người tốt nghiệp chương trình Kỹ thuật Truyền thông và Dữ liệu sẽ có kiến thức chuyên sâu và kỹ năng vững vàng để làm việc tốt trong những môi trường trong nước và quốc tế đòi hỏi năng lực cao về kỹ thuật và công nghệ, như kỹ sư chính, quản lý các dự án nghiên cứu và phát triển, trong các lĩnh vực như truyền thông, mạng truyền thông, an ninh mạng, xử lý dữ liệu, AI. Bên cạnh đó, người học cũng có cơ hội cao để học tiến sĩ tại Trường Đại học Paris-Saclay hay tại các trường đại học có uy tín khác trên thế giới.

Thông tin chung về Chương trình tại đây

Đăng ký nhận tư vấn thông tin tại đây 

Bài viết liên quan:

     Trường Đại học Công nghệ liên kết đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Truyền thông và Dữ liệu, do Trường Đại học Paris-Saclay cấp bằng

      Lễ khai giảng năm học 2022 – 2023 chương trình Thạc sĩ liên kết với ĐH Paris – Saclay về Kỹ thuật truyền thông và dữ liệu

Bài viết liên quan