Môi trường nghiên cứu, chủ động tạo đà trưởng thành cho nhiều sinh viên chất lượng cao Thông tư 23
Thực hiện kế hoạch đào tạo của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm học 2019-2020, các sinh viên đầu tiên của chương trình đào tạo chất lượng cao Thông tư 23 khóa QH-2016 ngành Khoa học máy tính (khoa Công nghệ thông tin) và Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông (khoa Điện tử viễn thông) đang bước vào giai đoạn chuẩn bị bảo vệ khóa luận tốt nghiệp.
Khẳng định bản thân qua khóa luận tốt nghiệp
Sau 4 năm đào tạo, đến nay khóa đầu tiên của chương trình đào tạo chất lượng cao Thông tư 23 ngành Khoa học máy tính và Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông đã có những kết quả cuối cùng. Trong số 127 sinh viên của khóa đầu tiên nhập học, đến thời điểm này có 88 sinh viên đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định được phép hoàn thành và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Trong các chương trình đào tạo này, việc sinh viên thực hiện một đề tài nghiên cứu để hoàn thành và bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp là một trong những yêu cầu có tính quyết định về điều kiện cấp bằng tốt nghiệp cho các sinh viên.
Suốt 4 tháng tập trung vào kế hoạch thực hiện khóa luận tốt nghiệp, sinh viên Vũ Duy Thanh (lớp K61ĐACLC) chia sẻ: “Đối với chúng em khoá luận là dấu mốc quan trọng, là cơ hội để chúng em được thể hiện kiến thức chuyên môn của mình sau những cố gắng học tập và rèn luyện dưới mái trường Đại học Công nghệ. Vì vậy, mỗi sinh viên đều thể hiện sự nỗ lực của bản thân qua những đề tài, kiến thức, kinh nghiệm thực hành đúc rút được trong suốt 4 năm qua. Ngay từ tháng 3 em đã lên kế hoạch cụ thể về các mốc thời gian, quy trình thực hiện khóa luận tốt nghiệp để phân bổ thời gian, sức lực một cách hợp lý”.
SV Vũ Duy Thanh tập trung thời gian để hoàn thành những bước cuối cùng chuẩn bị cho bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đợ 1 năm 2020
Cùng suy nghĩ với Duy Thanh, sinh viên Ngô Minh Hoàng (K61CACLC1) cho rằng: “Quá trình viết khóa luận đối với em là khâu quan trọng nhất, đánh dấu sự trưởng thành của bản thân trong nghiên cứu và chuyên môn. Bởi vì ý tưởng về vấn đề nghiên cứu để viết thành báo cáo cho người khác hiểu được là công việc không dễ dàng. PGS.TS. Nguyễn Hoài Sơn là người thầy đã hướng dẫn và giảng dạy rất nhiều cho em về cách viết báo cáo khóa luận có chất lượng tốt nhất. Trong quá trình làm khóa luận em đã dựng rất nhiều thí nghiệm để chứng minh giải pháp nghiên cứu đưa ra hợp lý, bởi vì đối với em việc đánh giá mức độ hiệu quả, tính thực tiễn cũng hết sức quan trọng”.
Tăng cường kỹ năng và tự lập trong nghiên cứu
Trong suốt 4 năm học, các sinh viên chất lượng cao luôn năng động tham gia các cuộc thi, giải thưởng, học bổng trong nước và quốc tế. Vũ Duy Thanh và Ngô Minh Hoàng là những sinh viên với thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và đào tạo với tổng điểm 3,8/4,0. Đồng thời, điểm trung bình học tập toàn khóa của hai sinh viên nằm trong top đầu của toàn khóa học.
Dựa trên thế mạnh của bản thân và kinh nghiệm tham gia sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải Nhì cấp khoa nên khóa luận tốt nghiệp của Duy Thanh cũng dựa trên những thế mạnh của bản thân. Duy Thanh chia sẻ: “Sau khi nhận được định hướng về đề tài từ PGS.TS. Nguyễn Linh Trung về việc lựa chọn đề tài thiết thực, có ý nghĩa thực tiễn, em dựa vào thế mạnh và lĩnh vực nghiên cứu được phát huy trong thời gian tham gia sinh viên nghiên cứu khoa học cấp khoa. Trong quá trình học tập, em có nền tảng chắc chắn về kiến thức toán cao cấp, đại số, giải tích, xác suất và xử lý tín hiệu thống kê, điều đó giúp em tiếp cận các phương pháp, thuật toán dễ dàng hơn. Ngoài ra, năm thứ 3 em vừa được tham gia thực tập tại phòng thí nghiệm và doanh nghiệp đã giúp em có thêm kinh nghiệm về kỹ năng đọc tài liệu chuyên ngành, nghiên cứu, thực thi, triển khai và áp dụng lý thuyết vào bài toán thực tế qua các đề tài nghiên cứu khoa học. Vì vậy, trong 4 tháng tập trung tìm tài liệu tham khảo cho đến khi xác định được phương pháp và hướng nghiên cứu, em đã hoàn thành khóa luận tốt nghiệp với đề tài “Sử dụng ảnh PET/MRI cho chuẩn đoán bệnh Alzheimer””. Dự định trong thời gian tới của Duy Thanh là tiếp tục nghiên cứu tại trường ĐHCN để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm nhằm hoàn thiện bản thân hơn nữa.
Sinh viên Ngô Minh Hoàng bắt đầu tham gia phòng thí nghiệm IOT từ năm thứ hai, nên việc chọn lựa đề tài để thực hiện khóa luận tốt nghiệp được PGS.TS. Nguyễn Hoài Sơn định hướng từ những vấn đề nghiên cứu hiện nay. Minh Hoàng cho biết: “Những năm đầu tiên học tập, em được các thầy cô định hướng hoạt động nghiên cứu và đề tài khóa luận. Lúc bấy giờ em cảm thấy những công việc này rất khó khăn, nhưng đến năm thứ hai tham gia phòng thí nghiệm IoT với sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Hoài Sơn em đã có định hướng rõ ràng đối với đề tài khóa luận nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung. Nhờ có sự hướng dẫn của thầy, em đã biết thêm nhiều công nghệ mới về IoT cũng như học được phương pháp nghiên cứu khoa học. Vì vậy, em nghĩ việc theo các phòng thí nghiệm nghiên cứu từ những năm đầu của đại học sẽ giúp các bạn sinh viên dễ dàng hơn trong việc làm quen với việc nghiên cứu cũng như có định hướng sớm cho khóa luận tốt nghiệp. Quan trọng nhất là em có khả năng tự đưa ra những ý tưởng mới giúp ích cho xã hội. Trong thời gian tới, em mong muốn được học tiếp lên để hoàn thiện bản thân cũng như tiếp tục công việc nghiên cứu”.
Tạo đà giúp sinh viên phát triển bản thân
Đối với sinh viên, Nhà trường khuyến khích thực hiện các tiểu dự án và tham gia nghiên cứu khoa học cùng các thầy/cô. Vì vậy, ngay từ năm thứ 2, sinh viên chất lượng cao Thông tư 23 đã được các khoa tổ chức giới thiệu định hướng chuyên ngành. Sau đó, sinh viên được phân về các Bộ môn/Phòng thí nghiệm để tham gia nhóm nghiên cứu khoa học và lựa chọn đề tài nghiên cứu phù hợp năng lực cá nhân. Điều này được TS. Nguyễn Thị Thanh Vân (Phó Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông) khẳng định: “Việc sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ năm thứ 2 đã tạo cơ hội giúp sinh viên tích lũy kiến thức thực tế, tăng kỹ năng thực hành. Từ đó, khoa có nhiều công trình sinh viên nghiên cứu khoa học chất lượng và đạt giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học giải nhất cấp trường và giải ba cấp ĐHQGHN. Dựa trên những nền tảng công trình nghiên cứu đó, các giảng viên sẽ định hướng giúp sinh viên lựa chọn những vấn đề cần nghiên cứu để phát triển thành đề tài khóa luận tốt nghiệp”.
PGS.TS. Nguyễn Hoài Sơn định hướng đề tài và hướng dẫn cho SV Ngô Minh Hoàng (đứng giữa) và SV Dương Quang Khải
PGS.TS. Nguyễn Hoài Sơn là một trong những giảng viên đã gắn bó giảng dạy đối với chương trình đào tạo chất lượng cao từ những năm tuyển sinh đầu tiên. PGS chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu giảng dạy lớp chất lượng cao tôi thấy khá thích thú khi khả năng tương tác của sinh viên với giảng viên trên lớp rất tốt. Các em sinh viên có tính chủ động cao trong việc đặt câu hỏi, nêu ra các vấn đề cùng trao đổi với giảng viên ngay trên giảng đường. Bởi vì, sĩ số mỗi lớp chất lượng cao không nhiều như các chương trình đào tạo chuẩn, nên tôi có thể quan tâm sâu sát và tương tác nhiều hơn đến từng sinh viên. Qua thời gian, tôi nhận thấy các em có sự trưởng thành trong nghiên cứu và đào tạo, đặc biệt là mối liên kết giữa các sinh viên trong lớp khá tốt, việc hỗ trợ và làm việc nhóm trở thành động lực để nhiều sinh viên học tập và nghiên cứu tốt hơn. Bên cạnh đó, tỷ lệ số môn học tiếng Anh của chương trình chất lượng cao nhiều hơn các chương trình đào tạo khác giúp sinh viên có kiến thức tốt và tiếng Anh chuyên ngành phục vụ cho công việc tương lai”.
Tuyết Nga (UET-News)