Mô hình Câu lạc bộ “Kết nối doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển sản phẩm, khởi nghiệp” của Hội Sinh viên Trường Đại học Công nghệ là mô hình duy nhất miền Bắc đạt Giải thưởng

    Ngày 05/7/2019, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội sinh viên Việt Nam mở rộng lần thứ 3 diễn ra tại Quảng Nam, Hội Sinh viên trường Đại học Công nghệ vinh dự là đơn vị duy nhất trong khu vực phía Bắc được trao tặng Giải thưởng 9/1 năm học 2018 – 2019 đối với mô hình liên câu lạc bộ “Kết nối doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển sản phẩm, khởi nghiệp”.

    Giải thưởng 9/1 là phần thưởng vinh dự của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng cho các tập thể, cá nhân có mô hình, giải pháp, sáng kiến được áp dụng thành công vào thực tiễn công tác Hội và phong trào sinh viên các cấp; được xét duyệt theo năm học và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh, khuyến khích, nhân rộng những ý tưởng sáng tạo thông qua mô hình, giải pháp, sáng kiến để góp phần xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam và phong trào sinh viên Việt Nam thực sự vững mạnh.

    Với mô hình liên câu lạc bộ “Kết nối doanh nghiệp, Nghiên cứu phát triển sản phẩm, Khởi nghiệp”, Hội Sinh viên trường Đại học Công nghệ lần đầu tiên xuất sắc là 01 trong 06 mô hình đã vượt qua 74 đơn vị trên toàn quốc vinh dự nhận Giải thưởng cao quý này.

Đồng chí Nguyễn Tùng Lâm nhận giải thưởng 9/1 cùng các đơn vị tại Quảng Nam

    Mô hình được bởi ba câu lạc bộ Câu lạc bộ Nguồn nhân lực (HRTech), Câu lạc bộ Điện tử và Tự động hoá (UETX) và Câu lạc bộ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học và Khởi nghiệp mới thành lập (LoM) dưới sự chỉ đạo của Hội Sinh viên trường.

    Xuất phát từ nhu cầu về nguồn lực của các doanh nghiệp công nghệ hiện nay, sự khó khăn của sinh viên trong việc tiếp cận và cập nhật những kiến thức, công nghệ mới và những ý tưởng hay chưa thể hiện thực hóa vì thiếu nguồn nhân lực, sự hỗ trợ về tài chính, pháp lý cũng như các vấn đề liên quan, một ý tưởng về mô hình liên kết giữa các câu lạc bộ (HRtech – UETX – LoM) ra đời với mục đích giải quyết những vấn đề nêu trên.

    Sự liên kết trong mô hình thể hiện trước tiên ở mục tiêu của việc liên kết 03 CLB trên trong một tổng thể thống nhất. Với sự liên kết hoạt động của 03 CLB nói trên, mô hình sẽ giữ lại những giá trị, vai trò, nhiệm vụ của cả 03 CLB để đạt được mục tiêu chung, HRTech chú trọng phát triển kĩ năng mềm và duy trì kênh liên hệ giữa sinh viên và các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ – kĩ thuật, cũng là CLB được thành lập để giải quyết trực tiếp vấn đề kết nỗi giữa sinh viên và doanh nghiệp. Để việc kết nối doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao nhất cho cả hai phía, luôn luôn cần có những ý tưởng và sản phẩm thực tế được tạo ra, Và đó là tôn chỉ hoạt động của 2 CLB còn lại, với UETX làm nhiệm vụ đào tạo kĩ năng chuyên môn và phát triển sản phẩm thực tế, LoM là cầu nối ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên với các phòng Lab chuyên môn, phòng KHCN và HTPT của nhà trường dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học Công nghệ và các CLB khác trong các trường Đại học. Mỗi CLB đều có 1 vai trò quan trọng, thiếu bất cứ một CLB nào cũng sẽ không thể đạt được giá trị cuối cùng của mô hình hướng tới.

    Sự kết hợp trong hoạt động của 03 câu lạc bộ sẽ giúp tạo nguồn nhân lực toàn diện, chất lượng cao, có hiểu biết sâu rộng, khả năng tự phát triển những sản phẩm thực tế là sự kết hợp hài hòa giữa phần cứng và phần mềm. Những sản phẩm tiềm năng do sinh viên sáng tạo có cơ hội được nhận đầu tư trở thành các sản phẩm thương mại hóa đem lại những giá trị thiết thực cho cuộc sống.

    Đây là thành quả nỗ lực không ngừng nghỉ của các bạn đoàn viên sinh viên của các đơn vị trực thuộc và đặc biệt là Câu lạc bộ Nguồn nhân lực (HRTech), Câu lạc bộ Điện tử và Tự động hoá (UETX) và Câu lạc bộ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học và Khởi nghiệp mới thành lập (LoM). Mô hình đã và đang làm chủ một quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao hoàn thiện, đầy đủ cả kĩ năng chuyên môn và kĩ năng mềm. Bên cạnh đó, mô hình còn là nơi ươm mầm, thúc đẩy sự phát triển của các ý tưởng sáng tạo về công nghệ và khởi nghiệp. Có thể nói đây sẽ là một hướng đi toàn diện hỗ trợ cho các bạn sinh viên trong thời đại công nghệ mới, giúp cho sự phát triển của từng câu lạc bộ có thêm uy tín trong lĩnh vực công nghệ – kĩ thuật ở Việt Nam, đặc biệt là trong mắt các công ty lớn trong và ngoài nước. Dưới sự cố vấn, đóng góp ý kiến của các chuyên gia công nghệ, các công ty lớn, mô hình sẽ trở thành một nơi giao lưu giữa ý tưởng giải quyết vấn đề thực tế và giải pháp triển khai dưới lăng kính công nghệ. Những kết quả đạt được là sản phẩm của mô hình này chắc chắn sẽ là nguồn dự án đầu tư thương mại hóa cao trong thực tế và đem lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

(UET-News)

Bài viết liên quan