Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Vật liệu và Linh kiện nano của nghiên cứu sinh Phạm Anh Đức
Sáng ngày 3/10, tại Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Vật liệu và Linh kiện nano của nghiên cứu sinh Phạm Anh Đức (khóa QH-2009, công tác tại Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) với đề tài “Chế tạo và nghiên cứu vật liệu tổ hợp từ – điện với lớp từ giảo có cấu trúc nano và vô định hình dùng cho cảm biến từ trường Micro-Tesla”. Luận án được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang và GS.TS. Nguyễn Hữu Đức.
Hội đồng cấp ĐHQG chấm luận án tiến sĩ gồm GS.TS. Nguyễn Xuân Phúc – Viện Khoa học vật liệu (Viện HL KH&CN Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng; TS. Bùi Đình Tú – Trường Đại học Công nghệ, Thư ký Hội đồng; Các phản biện gồm PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Trường Đại học Bách khoa HN, GS.TS. Lưu Tuấn Tài – Trường Đại học Khoa học tự nhiên, PGS.TS. Nguyễn Huy Dân – Viện Khoa học vật liệu (Viện HL KH&CN Việt Nam); Các ủy viên gồm PGS.TS. Huỳnh Đăng Chính – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Minh Thủy – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tại lễ bảo vệ, NCS Phạm Anh Đức đã trình bày về luận án, hiệu ứng từ-điện đã được phỏng đoán lần đầu tiên vào năm 1894, được gọi tên chính thức vào năm 1926. Các nghiên cứu đã cho thấy hiệu ứng từ-điện có khả năng ứng dụng thực tiễn vào nhiều lĩnh vực. Về cơ bản thì hiệu ứng từ-điện xuất hiện trên các vật liệu multiferroic. Trong số các ứng dụng của hiệu ứng từ-điện thì cảm biến từ trường được luận án xác định là có khả năng ứng dụng cao nhất.
Các thành viên trong hội đồng đọc bản nhận xét về luận án
Với các nội dung cơ bản về hiệu ứng từ – điện, vật liệu tổ hợp từ – điện và cảm biến từ trường, luận án nghiên cứu lý thuyết về hiệu ứng từ – điện và các lý thuyết liên quan, vật liệu tổ hợp từ -điện, cảm biến từ trường. Trên cơ sở đó, nghiên cứu sinh đã chế tạo thành công vật liệu tổ hợp từ – điện dạng màng mỏng Terfecohan/PZT và Terfecohan/Glass/PZT; vật liệu tổ hợp từ – điện dạng tấm Metglas/PZT và sử dụng vật liệu này để chế tạo thành công các cảm biến từ trường trái đất 1D, 2D, 3D. Khảo sát thành công khả năng xác định cường độ và góc định hướng của từ trường trái đất của các cảm biến này.
Luận án đã đóng góp các đề xuất về phương án giảm độ nhám của pha áp điện, các phương án sử dụng cảm biến từ trường chế tạo được trong một số lĩnh vực khác nhau, cụ thể y – sinh, đo cường độ dòng điện, định vị, bám sát vệ tinh…Luận án đã được công bố 5 công trình khoa học gồm 2 hội thảo trong nước và 3 tạp chí quốc tế.
TS. Nguyễn Thị Ngà (bên phải ảnh) chúc mừng NCS Phạm Anh Đức
Đại diện cơ quan công tác của NCS, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hải Phòng) Nguyễn Thị Ngà bày tỏ sự vui mừng khi Nhà trường đã có thêm giáo viên trình độ tiến sĩ. Đến thời điểm này, đội ngũ giáo viên trong Trường với 60% trình độ thạc sĩ và 05 tiến sĩ (gồm cả NCS Phạm Anh Đức), dự định năm 2018 sẽ có thêm 03 tiến sĩ.
Kết thúc buổi chấm luận án tiến sĩ của NCS Phạm Anh Đức, Hội đồng đã kết luận: Luận án của NCS Phạm Anh Đức đã đáp ứng được các yêu cầu của một luận án Tiến sĩ chuyên ngành Vật liệu và Linh kiện nano. Đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét cấp bằng Tiến sĩ cho NCS Phạm Anh Đức.
NCS Phạm Anh Đức gửi lời cảm ơn đến GS.TS. Nguyễn Hữu Đức (bên phải ảnh) và PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang (bên trái ảnh)
Tập thể hội đồng và cán bộ hướng dẫn chụp ảnh lưu niệm với NCS Phạm Anh Đức
Buổi bảo vệ luận án kết thúc thành công và NCS Phạm Anh Đức đã tự tin bảo vệ tốt luận án của mình với sự chúc mừng của tập thể cán bộ hướng dẫn khoa học, đại diện Trường ĐHCN – đơn vị đào tạo, các nhà khoa học, đồng nghiệp, gia đình và bạn bè.
Tuyết Nga (UET-News)