Kyber Network gọi vốn thành công, cựu sinh viên UET nói về khởi nghiệp

     Trần Huy Vũ và Lợi Lưu là 2 của cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN đã lập nên kì tích trong việc gọi vốn cho Kyber Network.

     Kyber Network chính thức ra mắt công chúng vào tháng 9/2017 và đã gọi vốn được hơn 200.000 Ethereum (tương đương 52 triệu đô la mỹ) trong đợt chào bán token (tài sản mã hóa) vào tháng 9/2017. Kyber Network hiện đã xây dựng được hệ sinh thái lớn bậc nhất trên thị trường ứng dụng tài chính phi tập trung của Ethereum.

Ông Trần Huy Vũ (giữa) – đồng sáng lập viên của Kyber Network

    – Được biết, Trần Huy Vũ là cựu sinh viên khóa K54 Khoa Công nghệ Thông tin, VNU- UET. Ông và cộng sự đã có thành công trong việc gọi vốn cho Kyber Network. Ông có thể chia sẻ thông tin gì về nhóm?

    Kyber Network chính thức ra mắt công công chúng vào tháng 9/2017 và đã gọi vốn được hơn 200.000 Ethereum (tương đương 52 triệu đô la mỹ) trong đợt chào bán token (tài sản mã hóa) vào tháng 9/2017. Kyber Network xếp thứ 10 trong số các startup trên thế giới gọi được vốn nhiều nhất bằng tiền điện tử tại thời điểm đó.

    Công ty ban đầu chỉ gồm mình, Lợi, một đồng sáng lập người Israel, một bạn engineer và một designer. Sau hơn một năm, số thành viên của bọn mình tăng lên 10 lần với văn phòng ở 3 quốc gia là Việt Nam, Singapore và Israel. Sau gần 2 năm ra mắt và hơn 1 năm đi vào production, Kyber hiện đã xây dựng được hệ sinh thái lớn bậc nhất trên thị trường ứng dụng tài chính phi tập trung của Ethereum và sẽ không ngừng phát triển các sản phẩm nhằm đem lại giá trị lớn cho người dùng và hệ sinh thái ứng dụng phân tán.

    – Cơ duyên nào mà ông và nhóm chọn công nghệ blockchain để khởi nghiệp?

    Năm 2014, sau khi tốt nghiệp tôi vào Sài Gòn và hợp tác cùng một người bạn xây dựng dự án mạng lưới kết nối các KOLs và cùng nhau chia sẻ thu nhập từ mạng xã hội. Kêu gọi được vốn đầu tư 500.000USD để xây dựng nên mạng quảng cáo của riêng mình.

    Tuy nhiên 3 năm sau đó, tôi và mọi người không vượt qua được khó khăn để đưa sản phẩm của mình gia nhập thị trường quảng cáo vốn cần nhiều yếu tố đặc biệt ở Mỹ, tôi thừa nhận thất bại đó của mình. Thời điểm đó, tôi chưa có đường đi nước bước nào khác ở TP HCM và quyết định quay lại Hà Nội, nơi gần gia đình và có nhiều bạn bè với các mối quan hệ hơn.

    Và như một cơ duyên, tôi kết nối lại với Lợi – khi đó sắp đã hoàn thành việc học Tiến sĩ tại Singapore. Lợi nói với tôi về blockchain – công nghệ Lợi đã và đang nghiên cứu. Tôi bị hấp dẫn với cách tư duy dân chủ của blockchain và chúng tôi bắt tay với nhau phát triển Smartpool. Cơ duyên gặp người bạn cũ và được trao đổi về blockchain đã mở lối, đưa tôi đến với công nghệ chuỗi khối được dự đoán sẽ tạo ra những thay đổi lớn trên thế giới.

    – Theo ông, khởi nghiệp dựa trên công nghệ blockchain có thuận lợi và khó khăn gì?

    Là một công nghệ mới, những người khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain như tôi chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn nhưng cũng có những lợi thế riêng.

    Blockchain là ngành rất mới, còn nhiều không gian để khám phá. Các quốc gia tiên phong như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore hay Trung Quốc đều mới chỉ đi trước chừng vài ba năm. Việt Nam nếu nắm bắt được cơ hội này, sẽ hoàn toàn có thể bắt kịp được các nước phát triển khác để làm chủ. Việt Nam có đội ngũ lập trình viên rất trẻ, hùng hậu, bằng chứng là có rất nhiều các công ty nước ngoài đã mở văn phòng và tuyển đội ngũ lập trình viên ở việt nam. Gần đây chính phủ và các dự thảo luật đang có những động thái tích cực trong việc nghiên cứu, tìm hiểu luật cho lĩnh vực này, tôi kỳ vọng sẽ có những chính sách tích cực để thúc đẩy blockchain tại Việt Nam.

    Về những khó khăn, tôi nghĩ cũng không ít, khi công nghệ còn mới, non trẻ, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình luật pháp chưa rõ ràng để gọi vốn từ người dân qua những hình thức chào bán token và thậm chí đa cấp từ đó vô hình chung tạo ra cái nhìn thiếu thiện cảm của công chúng đối với blockchain. Blockchain không chỉ dừng lại ở tiền mã hóa mà nó còn rất nhiều ứng dụng khác cần khai thác để thực sự đem lại một nền kinh tế mới.

    Lập trình viên tại Việt Nam tuy có nhiều cơ hội nhưng còn dè dặt, chưa biết cách tạo thương hiệu cá nhân cho mình, chưa thực sự dám đương đầu với những thử thách khó, trên thực tế đội ngũ startup thành công không nhiều mà đội ngũ đi làm thuê cho các công ty/ tập đoàn nước ngoài lại phản ánh những con số lớn.

     Những bài toán về việc tìm tòi cái mới cũng là những khó khăn, sẽ không có cái đích nào là đích cuối cùng cả, đối với tôi, những cái đích cần đặt ra liên tục, hết cái này sẽ cần tìm ra cho mình một cái đích mới, dù có khó khăn mấy cũng cần vượt qua.

     – Theo đuổi một đề tài mới (còn nhiều luồng ý kiến khác nhau), ông và nhóm làm thế nào để đi đến sự đồng thuận?

     Có lẽ không chỉ đối với một đề tài mới mà đối với bất cứ lĩnh vực nào đều cần những ý kiến trái chiều một chút để cùng nhau phân tích. Chúng tôi chọn cách ngồi cùng với nhau, cùng phân tích các khía cạnh của vấn đề và phản biện. Có phản biện sẽ thấy được rõ nhất những ưu nhược điểm trước khi ra bất cứ quyết định gì, tôi lại rất thích điều này.

    Giờ chúng tôi không chỉ là những người nghiên cứu nhỏ lẻ với cái tôi của mình, mà chúng tôi là một tổ chức, chúng tôi đang nắm miếng cơm manh áo của rất nhiều những nhân viên, đồng nghiệp nên dù thế nào đi nữa, chúng tôi sẽ vì mục tiêu chung, cùng giải quyết vấn đề để đưa ra phương án đồng thuận tốt nhất.

    – Nên hiểu như thế nào về blockchain thưa ông?

    Hiểu đơn giản thì blockchain là một chuỗi khối các giao dịch nhất định được liên kết với các khối trước đó và ngày càng được mở rộng theo thời gian. Đây được xem là cách lưu trữ và truyền tải dữ liệu thông minh, an toàn, minh bạch bậc nhất hiện nay. Chính sự ra đời của blockchain đã tạo ra một hơi hướng mới mẻ cho ngành công nghệ – tài chính thế giới.

     Hay bạn cũng có thể hiểu, blockchain như một cuốn số cái kế toán mà trong đó, mọi thông tin được lưu trữ và truyền tải một cách minh bạch, toàn vẹn, không thể nào thay đổi hay gian lận được. Đây là một công nghệ mới, giúp cải thiện được rất nhiều những mặt hạn chế của cách lưu trữ và trao đổi thông tin truyền thống. Bởi lý do này, mà blockchain ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực: kinh tế tài chính, giáo dục, nông nghiệp, công nghiệp, lĩnh vực giải trí, y tế hay giáo dục….

     – Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang ấp ủ dự định khởi nghiệp với công nghệ?

    Tôi hi vọng những thành tựu ban đầu mà chúng tôi đã đạt được sẽ có thể tạo nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ đang ấp ủ dự định khởi nghiệp. Tôi chỉ có lời khuyên rằng, các bạn đừng sợ thất bại, thất bại không hề xấu, thậm chí nó còn là sức mạnh để thúc đẩy chúng ta tiến lên, hãy cứ sống và làm theo đam mê của mình, đừng vội hoảng sợ khi bạn bè xung quanh đã đạt được những thành công trước, và trên hết, bạn trẻ cần chuẩn bị những hành trang vững chãi như kiến thức chuyên môn, vốn ngoại ngữ để khi cơ hội đến, bạn có đủ sức để nắm bắt chúng.

    –  Đôi điều cảm xúc của ông về VNU – UET?

    Trường Đại học Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, là một dấu mốc trong cuộc sống mà tôi không quên được. Ở đây tôi đã được học tập trong một môi trường chất lượng cao, được thử sức mình ở những công trình nghiên cứu.

     Tôi may mắn cùng với Lợi Lưu được tham gia vào một dự án startup khi đang học tại trường. Đó là phần mềm quản lý cho các trường học giúp tăng hiệu suất quản lý của giáo viên và rút ngắn khoảng cách giữa giáo viên và phụ huynh. Chúng tôi được theo Tiến sĩ Trương Anh Hoàng – giảng viên hướng dẫn tới gặp và nói chuyện với người dùng để tìm hiểu về nhu cầu xây dựng dự án. Quá trình này cho tôi nhiều kiến thức từ tư duy tiếp cận người dùng đến cách thức xây dựng sản phẩm từ đầu đến cuối. Tư duy startup cũng được tôi hình thành từ đây. Khi đưa vào sử dụng, sản phẩm được nhiều trường học phản ánh tốt. Thậm chí sau này, dù không làm nữa, vẫn có người trực tiếp gọi điện khen ngợi.

     Không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành đến VNU – UET đã cho tôi môi trường khởi nghiệp tốt.

     Cảm ơn Ông về cuộc phỏng vấn. Chúc Ông cùng Kyber Network ngày càng phát triển.

Kyber Network hiểu chính xác và đầy đủ là Kyber Network Coin (KNC), một nền tảng giao dịch phân cấp mới rất đáng tin cậy, cho phép giao dịch chuyển đổi giữa bất kỳ tài sản kỹ thuật số nào với nhau một cách nhanh chóng, gần như ngay lập tức. 

Nền tảng này hứa hẹn cung cấp các API thanh toán một cách đa dạng, có thể nhận được thanh toán từ bất kỳ Token nào, luôn đảm bảo tính thanh khoản cao.

Bên cạnh đó, Kyber Network cũng hướng đến các giao dịch tài chính phức tạp hơn trên nền tảng của mình chứ không chỉ đơn giản là thực hiện mua bán tiền mã hóa. Ví dụ điển hình như các giao dịch hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi hay cho phép các ví tiền điện tử có thể nhận thanh toán từ bất kỳ token/coin nào chứ không chỉ riêng Bitcoin và Ethereum.

KyberNetwork không chỉ là một sàn giao dịch phân quyền mà nó còn được sử dụng làm công cụ để chuyển token giữa các người dùng với nhau. Kyber phù hợp với các giao dịch P2P và cả các dự án ICO. Các token gửi đi không bắt buộc phải giống với token mà người nhận muốn. Hệ sinh thái của Kyber Network bao gồm:

Người dùng: Cá nhân, doanh nghiệp và các tài khoản hợp đồng thông minh đều có thể gửi và nhận token trên Kyber Network.

– Tổ chức gây vốn: Đây là bên mang đến tính thanh khoản cho Kyber Network. Họ có thể đến từ nội bộ công ty hoặc từ bên ngoài. Tùy thuộc vào khoản đóng góp, các tổ chức này sẽ được phân loại là đại chúng hay tư nhân.

– Người đóng góp: Cung cấp tiền cho các tổ chức gây vốn. Họ được liên kết với các tổ chức này và cùng nhau chia sẻ lợi nhuận.

– Người quản lý vốn: Nhóm này có trách nhiệm duy trì hoạt động của quỹ, tính tỷ giá hối đoái và đưa vào hệ thống mạng của Kyber Network.

– Nhà điều hành: Có thể thêm hoặc loại bỏ các tổ chức gây vốn và kiểm soát các token. Ban đầu, đội ngũ phát triển của Kyber đảm nhận vị trí này, sau đó chuyển sang một hệ thống mạng quản lý phân tán phù hợp.

Theo Đỗ Ngọc Diệp (VNU Media)

Bài viết liên quan