Khởi động dự án hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội – VNU Pre-seed Accelerator

    Ngày 05/09, tại Hội trường Sunwah, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phát động cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội” và chương trình Dự án hỗ trợ khởi nghiệp (Mã số 844.04.NV06.ĐHCN.04-19), nhằm tìm hiểu thực trạng các nhóm khởi nghiệp dựa trên nền tảng Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Cơ học kỹ thuật và tự động hóa, Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano. Từ đó đào tạo, nâng cao kiến thức liên quan đến khởi nghiệp hướng đến gọi vốn thành công.

   Tham dự chương trình về phía Bộ Khoa học công nghệ có Ông Phạm Dũng Nam – Giám đốc Văn phòng Đề án 844. Về phía ĐHQGHN có Ông Vũ Tuấn Anh – Phó Trưởng ban KHCN; Ông Trương Ngọc Kiểm – Bí thư Đoàn thanh niên; Ông Đặng Thành Đạt – Phó Giám đốc Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp cùng đại diện lãnh đạo các trường đại học thành viên. Về phía Trường ĐHCN có TS. Nguyễn Anh Thái – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Phạm Minh Triển – Phó trưởng phòng KHCN&HTPT, TS. Dương Lê Minh – Phó Chủ nhiệm khoa CNTT.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Anh Thái phát biểu khai mạc

    Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Anh Thái khẳng định trong nhiều năm qua, Trường ĐHCN luôn đổi mới nội dung và chương trình, phương pháp đào tạo thông qua các hoạt động. Đặc biệt, trong hoạt động khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo luôn là nhiệm vụ ưu tiên cũng như là hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Qua đó, sinh viên được trang bị những phương pháp, kỹ năng và phát huy năng lực tư duy sáng tạo, vận dụng những kiến thức đã học vào nghiên cứu thực tiễn. Nhiều ý tưởng mới của sinh viên, giảng viên được triển khai thực tiễn và là nền tảng quan trọng để hình thành các doanh nghiệp, cũng như giảm sức cạnh tranh trong nước, thế giới. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là xu thế chung quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, xã hội nói chung và sinh viên nói riêng có điều kiện tiếp cận các cơ hội công nghệ, kinh doanh đa dạng và phong phú. Khởi nghiệp được coi là một cách thức hiệu quả để xử lý vấn đề xã hội, tạo các giá trị mới cũng như giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ngay từ khi Chính phủ phát động năm quốc gia khởi nghiệp vào năm 2016, Trường ĐHCN đã luôn đồng hành và có nhiều sáng kiến, giải pháp huy động hỗ trợ từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua đó hình thành vườn ươm các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh niềm vinh dự và vui mừng khi Nhà trường được giao nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động và liên kết các tổ chức để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại ĐHQGHN.

Ông Phạm Dũng Nam trình bày về Đề án 844 – Đề án hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025

    Tại lễ phát động, ông Phạm Dũng Nam đã trình bày về Đề án 844 – Đề án hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án là tạo lập được môi trường thuận lợi phát triển loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp, có tiềm năng tăng trưởng cao dựa trên khai thác tài sản trí tuệ hay mô hình kinh doanh mới. Từ khi Văn phòng được giao nhiệm vụ triển khai dự án xác định rõ trong đề án có các nhiệm vụ là phối hợp bộ ngành, cơ quan ban hành hành lang pháp lý chính sách; hoạt động hệ sinh thái được tăng về tần suất, số lượng, chất lượng, quy mô…; tạo ra sự liên kết hợp tác để tổ chức nhiều hoạt động. Ông Nam khẳng định sẽ giới thiệu những đối tác mạng lưới cố vấn, chuyên gia để chia sẻ nhằm đẩy mạnh năng lực sinh viên tham gia chương trình và giúp đỡ nguồn lực thông tin, chương trình và bài giảng tốt nhất để cung cấp cho sinh viên Trường ĐHCN nói riêng và ĐHQGHN nói chung. Đối với những nhóm sinh viên được đầu tư kinh phí, Đề án sẽ hỗ trợ đối ứng để hoàn thiện sản phẩm, đào tạo tại nước ngoài.

Các sinh viên nhận quà tặng sau khi tham gia minigame tại chương trình

    Kết thúc lễ phát động, TS. Phạm Minh Triển đã phát động Cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp ĐHQGHN” hướng đến các đối tượng là sinh viên, giảng viên bắt đầu đăng ký trong tháng 9/2019. Dự kiến, nhiệm vụ sẽ có các giai đoạn gồm khóa đào tạo lý thuyết và thực hành; ghép nhóm mentor và nhóm sinh viên; gọi vốn đầu tư cho hoàn thiện sản phẩm; khóa đào tạo chuyên sâu nâng cao khả năng gọi vốn và kết nối doanh nghiệp. Cuối cùng là Demo day vào năm 2020 nhóm tập trung gọi vốn đầu tư cho các nhóm khởi nghiệp.

TS. Phạm Minh Triển phát động Cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp ĐHQGHN”

    Sau chương trình này, Ban tổ chức sẽ tổ chức các chuỗi hội thảo, tọa đàm định hướng khởi nghiệp với mục đích mang tới cái nhìn tổng quan về xu thế công nghệ và thực trạng hiện nay cho sinh viên về các lĩnh vực Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Cơ học kỹ thuật và tự động hóa, Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano. Từ đó, sinh viên có cái nhìn mới về khởi nghiệp, truyền cảm hứng trong việc xây dựng ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp và khả thi. Ngoài ra, chương trình còn là cầu nối giữa sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp với nhau, cùng các doanh nghiệp thông qua việc gặp mặt, tiếp xúc tại hội thảo.

Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan