Khởi công xây dựng công trình Trường ĐH Công nghệ giai đoạn 1 thuộc dự án “Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam – Tiểu dự án ĐHQGHN”
Ngày 24/12/2024, Lễ khởi công xây dựng công trình Trường ĐH Công nghệ (giai đoạn 1) thuộc dự án “Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam – Tiểu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội” được tổ chức long trọng tại Hòa Lạc. Công trình được xây dựng bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng trong nước.
Tham dự lễ khởi công về phía ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Hiệu – Phó Giám đốc, GS.VS. Đào Trọng Thi – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc, các thầy lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo ĐHQGHN. Về phía Trường ĐH Công nghệ có GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Thu Hương – Phó Hiệu trưởng, các thầy nguyên lãnh đạo Nhà trường và đại diện lãnh đạo các đơn vị, người học của Nhà trường. Đặc biệt, lễ khởi công có sự tham dự của TS. Nguyễn Thị Bích Hà – phu nhân GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng sáng lập Trường.
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Hiệu – Phó Giám đốc ĐHQGHN khẳng định đây là sự kiện, dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển của cơ sở hạ tầng ĐHQGHN nói chung và Trường ĐH Công nghệ nói riêng trong thời gian tới. Phó Giám đốc Nguyễn Hiệu nhấn mạnh, Trường ĐH Công nghệ là hạt nhân quan trọng của ĐHQGHN trong thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ cao phục vụ phát triển đất nước, đặc biệt trong giai đoạn bước vào kỷ nguyên mới của Việt Nam, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Công trình với một tổ hợp gồm các khu đa năng, giảng đường và thực hành thực tập dành cho sinh viên, được xây dựng tại khu đất quy mô gần 6 ha đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ĐHQGHN đối với Trường ĐH Công nghệ.
PGS.TS Nguyễn Hiệu – Phó Giám đốc ĐHQGHN phát biểu tại buổi lễ
ĐHQGHN tin tưởng với sự đồng lòng, đoàn kết ủng hộ của các bộ ngành, sở ngành của Hà Nội, các đơn vị có liên quan chúng ta sớm hoàn thành công trình tại Hòa Lạc. Phó Giám đốc hy vọng Trường ĐH Công nghệ sẽ quyết tâm trở thành trung tâm hàng đầu cả nước về đào tạo, nghiên cứu công nghệ và hội nhập quốc tế.
Một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của buổi lễ, GS. TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định, lễ khởi công xây dựng Trường ĐH Công nghệ tại Hòa Lạc là một sự kiện trọng đại đối với tất cả cán bộ, giảng viên, người học mọi thế hệ Trường Đại học Công nghệ. Đặc biệt, buổi lễ còn diễn ra vào năm 2024 là năm kỷ niệm 20 năm thành lập, 25 ngày truyền thống của Trường. Sự kiện này là minh chứng cho giấc mơ của nhiều cán bộ, giảng viên và người học đang dần trở thành sự thật, giấc mơ của GS. VS Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng sáng lập Nhà trường khi trong mỗi câu chuyện của Thầy đều nhắc đến ước mơ Hòa Lạc, ước mơ có một ĐHQGHN xứng tầm toàn thế giới.
GS. TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ phát biểu tại buổi lễ
Trong niềm vui tại buổi lễ, Hiệu trưởng Chử Đức Trình nhấn mạnh, Hòa Lạc không chỉ là giấc mơ của ĐHQGHN, của Trường ĐH Công nghệ mà còn là giấc mơ giáo dục đại học Việt Nam. Hiệu trưởng tin tưởng Hòa Lạc sẽ là địa danh gắn với sự thành công ĐHQGHN và Trường ĐH Công nghệ, đồng thời sẽ là nơi hội tụ giáo dục và nghiên cứu khoa học đỉnh cao của Việt Nam. Nhà trường trân trọng cảm ơn sự tin tưởng, ủng hộ của Chính phủ, các bộ ban ngành, Ngân hàng thế giới và Ban Giám đốc ĐHQGHN qua các thời kỳ cùng các ban chức năng của ĐHQGHN.
Hiệu trưởng Chử Đức Trình đã chia sẻ về quá trình tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiết kế 1/500 và khai thác, trao đổi thiết kế khu Zone 1 để chuẩn bị cho các chương trình tại Hòa Lạc. Dưới sự lãnh đạo của Ban Giám đốc ĐHQGHN, Nhà trường đã khai thác triệt để các khu phòng thí nghiệm trên ĐHQGHN và đặc biệt chuyển sinh viên lên Hòa Lạc học tập với tinh thần trách nhiệm nhất về ước mơ, sự kỳ vọng lớn nhất về môi trường giáo dục toàn diện tại Hòa Lạc. Và để giấc mơ thành sự thật, Nhà trường cam kết sẽ đồng hành với triết lý, thực hiện trách nhiệm của Trường với các bên liên quan trong quá trình xây dựng và khai thác sử dụng sau này. Nhà trường sẽ quyết tâm xây dựng bồi đắp văn hóa giảng dạy, học tập và sẽ luôn nỗ lực trên hành trình thực hiện sứ mệnh của một đại học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật gắn với các giá trị cốt lõi mà trường bồi đắp trong những năm qua: “Đổi mới sáng tạo, hợp tác, chất lượng cao, nhân văn” và Trường định hướng đến năm 2045 lĩnh vực công nghệ kỹ thuật xếp hạng 200 trên thế giới.
Với sự kiện hôm nay và định hướng chiến lược mục tiêu của Trường ĐH Công nghệ đặt ra, Hiệu trưởng mong muốn Trường sẽ là một trường thành viên tích cực của ĐHQGHN, sẵn sàng đi đầu cùng ĐHQGHN trong việc triển khai nâng cao xếp hạng một số lĩnh vực trên thế giới và trở thành địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ kỹ thuật chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài của cả nước, khu vực và thế giới gắn với phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm quốc gia.
Công trình Trường ĐH Công nghệ được xây dựng tại khu đất quy mô 5,87 ha, tổng diện tích xây dựng khoảng 10.695m2 tổng diện tích sàn khoảng hơn 35.000m2 với 5 khối nhà cao từ 2 đến 5 tầng, mật độ xây dựng 23,3%. Công trình bao gồm các hạng mục: 01 khối nhà làm việc, 02 khối nhà phòng học và 02 khối nhà thực hành, nhà đa năng – thí nghiệm và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác: hệ thống đường giao thông, trạm điện, cấp nước, trạm xử lý nước thải…Công trình do Công ty Cổ phần Xây dựng CENTRAL là nhà thầu thi công; Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty TNHH Apave Châu Á – Thái Bình Dương. Dự kiến, giai đoạn 1 của công trình được thi công trong vòng 12 tháng.
Phối cảnh tổng thể Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN sau khi hoàn thành
Khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu học tập của 4.400 sinh viên theo chiến lược phát triển của Trường ĐH Công nghệ, góp phần đưa Trường ĐH Công nghệ trở thành trường đại học nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và ứng dụng công nghệ hàng đầu của Việt Nam, đạt các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu tiên tiến của châu Á, trong đó có một số lĩnh vực, ngành và chuyên ngành đạt chuẩn mực trình độ quốc tế, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Công trình Trường ĐH Công nghệ thuộc dự án “Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam – Tiểu dự án ĐHQGHN” (Dự án World Bank) với hai khối nhà phòng học và thực hành có ký hiệu HT-1 và HT-2, quy mô 05 tầng, tổng diện tích sàn lần lượt là 7.635m2 và 12.830m2. Hạng mục HT-1 và HT-2 được phê duyệt với mặt bằng kiến trúc bao gồm các phòng học, phòng thực hành, phòng chờ giáo viên và các không gian phụ trợ kỹ thuật khác. Hạng mục nhà làm việc có quy mô 03 tầng, tổng diện tích sàn là 5.470m2 được bố trí các phòng làm việc của Ban Giám hiệu, giảng viên và nhân viên Nhà trường, phòng máy chủ, các không gian phụ trợ kỹ thuật khác.Hạng mục nhà đa năng có quy mô 05 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng là 8.600m2. Các không gian sảnh tiếp đón, phòng công tác sinh viên, phòng họp, phòng khánh tiết, phòng làm việc, phòng máy tính, trung tâm ươm tạo, khu vực hội trường – sân khấu, khu vực triển lãm, không gian tự học, khu vực dịch vụ ăn uống… được bố trí hợp lý ở các tầng. Ngoài ra, công trình còn có khu nhà xưởng với quy mô 02 tầng, tổng diện tích sàn 486m2 được bố trí là khu vực thực nghiệm, cần trục 5 tấn, phòng đựng mẫu sản phẩm, phòng điều khiển…Công trình được bố trí hệ thống thang máy ở các đầu tiếp nối giữa các khối nhà và hệ thống thang bộ, thang thoát hiểm thuận lợi trong lưu thông cũng như đảm bảo an toàn thoát nạn khi xảy ra sự cố. Hướng tới là một khu đô thị xanh, thông minh và bền vững nên công trình được trang bị các hệ thống thông tin liên lạc như hệ thống camera giám sát, hệ thống âm thanh, hệ thống mạng, hệ thống điện thoại, cây xanh, bồn cây, vỉa hè, bó vỉa, hệ thống pin năng lượng mặt trời…
Đại diện lãnh đạo ĐHQGHN, Trường ĐH Công nghệ, Ngân hàng Thế giới, các nhà thầu tư vấn, thi công và lãnh đạo xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất chụp ảnh lưu niệm tại lễ khởi công
Ban lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ chụp ảnh lưu niệm tại lễ khởi công
Ban lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ giới thiệu khu vực xây dựng trường với TS. Nguyễn Thị Bích Hà – phu nhân GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng sáng lập Trường
(UET-News)