Khoa Điện tử viễn thông
Khoa Điện tử viễn thông (ĐTVT) được thành lập ngày 3/01/1996 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) và được tái thành lập ngày 9/9/2004 tại Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN). Trải qua quá trình phát triển từ khoa Công nghệ Điện tử – Viễn thông thuộc Trường ĐHKHTN (giai đoạn 1996-1999), ngành Điện tử- Viễn thông thuộc Khoa Công nghệ – ĐHQGHN (giai đoạn 1999-2004) đến Khoa Điện tử – Viễn thông ngày nay, Khoa đã sớm khẳng định được vị thế là một địa chỉ có uy tín về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực điện tử, viễn thông trong cả nước, đang vững bước hội nhập với khu vực và thế giới. Ngay từ khi thành lập, Khoa đã xác định sứ mạng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ Điện tử Viễn thông trình độ đại học và sau đại học; sáng tạo và chuyển giao cho xã hội các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Công nghệ Điện tử và Truyền thông.
1. Tổ chức bộ máy
Ban chủ nhiệm khoa:
- Chủ nhiệm khoa: TS. Đinh Triều Dương
- Phó Chủ nhiệm khoa:
TS. Nguyễn Thị Thanh Vân
PGS.TS Bùi Thanh Tùng
Văn phòng khoa:
- Địa chỉ: Phòng 205-Nhà G2, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
- Điện thoại: 024. 37549338 – Fax: 024. 37549338
- Email: [email protected]
- Website: http://fet.uet.vnu.edu.vn/
Các Bộ môn và Phòng thí nghiệm trực thuộc:
- Bộ môn Điện tử và Kỹ thuật Máy tính
- Bộ môn Hệ thống Viễn thông
- Bộ môn Thông tin Vô tuyến
- Bộ môn Vi cơ Điện tử và Vi hệ thống
- Phòng thí nghiệm Tín hiệu và Hệ thống
- Phòng Thực tập Điện tử – Viễn thông
Khoa hiện có 43 cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ trong đó có 3 giáo sư, 9 phó giáo sư và 20 tiến sĩ (bao gồm cả kiêm nhiệm).
2. Công tác đào tạo
Khoa hiện đang tổ chức đào tạo 6 chương trình:
- Chương trình đào tạo cử nhân ngành Kỹ thuật Điện tử – Truyền thông gồm chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo chất lượng cao theo thông tư 23.
- Chương trình đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật Máy tính
- Chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử.
- Chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử.
- Chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Viễn thông
3. Hoạt động Khoa học Công nghệ
Trong những năm gần đây, nghiên cứu triển khai khoa học – công nghệ trở thành một hoạt động chính yếu của Khoa ĐTVT. Đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ trong khoa đã chuyển hướng dần từ định hướng nghiên cứu cơ bản sang định hướng triển khai công nghệ và ứng dụng, hình thành các sản phẩm mẫu cho công nghiệp. Năm năm gần đây, cán bộ khoa học của khoa đã thực hiện trên 60 đề tài nghiên cứu khoa học, công bố trên 120 bài báo tại các Hội nghị quốc tế và hơn 40 bài báo tạp chí quốc tế (riêng năm 2016 khoa công bố 67 bài báo gồm 11 bài Hội nghị trong nước, 35 bài Hội nghị quốc tế, 5 bài tạp chí trong nước và 16 bài tạp chí quốc tế trong đó 15 bài thuộc danh mục tạp chí ISI/Scopus). Khoa chủ trì tổ chức nhiều Hội thảo Khoa học có uy tín như: Hội nghị Quốc tế về Công nghệ tiên tiến trong truyền thông ATC, Hội nghị quốc tế về thiết kế vi mạch ICDV. Hiện tại khoa là cơ quan thường trực của tạp chí Điện tử – Viễn thông JEC của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam.
Các hướng nghiên cứu chính của Khoa gồm:
- Thiết kế và chế tạo hệ thống và thiết bị thông minh.
- Điều khiển tự động và Robotic.
- Thiết kế vi mạch điện tử VLSI (ASIC & FPGA) và hệ thống nhúng.
- Thiết kế và chế tạo các linh kiện vi cơ hệ thống và vi hệ thống.
- Mạng không dây và định tuyến.
- Thiết kế, chế tạo ăngten và các hệ thống thu phát cao tần, siêu cao tần.
- Xử lý tín hiệu, ảnh y sinh và chế tạo các thiết bị hệ thống y sinh.
- Xử lý và truyền dữ liệu đa phương tiện
- Các giải thuật xử lý tín hiệu và hình ảnh.
4. Hoạt động hợp tác – đối ngoại
Hiện tại khoa có quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu lớn và các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước: Đại học Yuan-Ze (Đài Loan), Đại học Paris Sud 11 (Pháp) và Trường SUPELEC (Pháp)… Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Viettel, MobiFone, Samsung…