Khoa Công nghệ nông nghiệp – Trường Đại học Công nghệ với định hướng góp phần xây dựng nền nông nghiệp tại Việt Nam hiệu quả và bền vững
Đó là chia sẻ của GS.TS. Lê Huy Hàm – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ nông nghiệp – Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, là một trong ba diễn giả chính tại Hội thảo “Sinh vật biến đổi gen và cuộc sống” được tổ chức ngày 17/05/2022, tại Hội trường Sunwah nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 do Câu lạc bộ nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức.
Tham gia hội thảo có GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Vật lý, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Công nghệ ; PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang, Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ; TS. Trương Việt Hà, Phó Trưởng ban Tổ chức cán bộ; PGS.TS Trần Thị Thanh Tú – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Việt Nhật – Phó chủ tịch CLB các nhà khoa học ĐHQGHN cùng lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN. Về phía Trường ĐHCN có PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường. Đặc biệt là sự hiện diện của các diễn giả GS. TS. Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm khoa Công nghệ nông nghiệp – Trường Đại học Công nghệ, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình công nghệ sinh học quốc gia 2021-2030, Chủ tịch Hội đồng an toàn sinh học quốc gia về sinh vật biến đổi gen; GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Nhà giáo Nhân dân công tác tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (ĐHQGHN), Chủ tịch Hội Sinh học Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Vi sinh vật học Việt Nam; GS.TS Nông Văn Hải- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm KH&CNVN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu hệ gen (VAST), Phó Chủ tịch Hội đồng An toàn sinh học quốc gia về sinh vật biến đổi gen.
Tại hội thảo, với chủ đề “Hiện trạng phát triển cây trồng biến đổi gen và triển vọng”, GS.TS Lê Huy Hàm tập trung trao đổi các nội dung liên quan đến hiện trạng phát triển cây trồng biến đổi gen trên thế giới; lợi ích của cây trồng biến đổi gen và triển vọng phát triển; Một số khía cạnh về an toàn sinh học từ thực tế sử dụng; cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam.
GS.TS. Lê Huy Hàm chia sẻ bài “Hiện trạng phát triển cây trồng biến đổi gen và triển vọng”
GS.TS. Lê Huy Hàm chia sẻ: “Các lĩnh vực công nghệ sinh học rất rộng nhưng công nghệ hiệu quả nhất là công nghệ sinh vật biến đổi gen với tiềm năng công nghệ gen lớn với phát triển kinh tế xã hội. Phát triển cây trồng biến đổi gen trên thế giới năm 1996 khởi điểm phát triển cây trồng biến đổi gen, 1,7 triệu ha cây trồng biến đổi gen lần đầu tiên ngô được trồng ở châu Mỹ. Năm 1996 cũng coi là khởi điểm của ứng dụng công nghệ gen, kỹ thuật di truyền cho sản xuất nông nghiệp. Từ đó, diện tích cây trồng biến đổi gen tăng liên tục và đến năm 2019 lên đến 190 triệu ha. Nhà khoa học Graham Brookes công bố nghiên cứu đóng góp của cây trồng biến đổi gen cho an ninh lương thực, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vào năm 2020. Theo đó, cây trồng biến đổi gen giúp tăng thu nhập nông dânlên 225 tỷ đô la, đảm bảo đa dạng sinh học tương đương 231 triệu ha, giảm 776 triệu kg thuốc trừ sâu và giảm khí thải carbon tương đương 15 triệu xe ô tô, 18 triệu nông dân hưởng lợi từ cây trồng biến đổi gen. Năm 2022 toàn thế giới đã nghiên cứu và tạo ra đưa vào sản xuất 535 giống cây trồng biến đổi gen. Còn tại Việt Nam đã phê duyệt 52 giống biến đổi gen để sử dụng làm thực phẩm thức ăn chăn nuôi”.
Phần thảo luận thu hút nhiều câu hỏi trực tuyến và trực tiếp liên quan đến các sản phẩm biến đổi gen. GS. TS. Lê Huy Hàm khẳng định: “Trên thực tế sản phẩm biến đổi gen chủ yếu là ngô, bông, đậu tương và cải dầu. Tại Việt Nam, ngô và đậu tương chủ yếu được sử dụng cho thức ăn chăn nuôi, vì vậy thực tế trên thị trường biến đổi gen vẫn chưa đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với Việt Nam vấn đề đảm bảo an ninh lương thực đang là vấn đề số 1 do biến đổi khí hậu, rừng núi nhiều, bờ biển dài và đất dành cho khu công nghiệp, đô thị nhiều nên đất nông nghiệp ngày càng bị thu nhỏ. Chúng tôi nghĩ rằng không chỉ riêng các nhà khoa học nông nghiệp, mà đối với tiềm lực lớn như ĐHQGHN cần tìm hiểu và đóng góp để phát triển bền vững nền nông nghiệp”.
GS TS Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Nông nghiệp – Trường Đại học Công nghệ, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình công nghệ sinh học quốc gia 2021-2030, Chủ tịch Hội đồng an toàn sinh học quốc gia về sinh vật biến đổi gen. Giáo sư đã công bố 200 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước, chủ biên 6 cuốn sách tham khảo, chuyên khảo, giáo trình, đồng tác giả của 5 quy trình tiến bộ kỹ thuật, đồng tác giả 19 giống cây trồng quốc gia và giống khu vực hóa. Thầy được vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông”, được Nhà nước tặng 2 huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba; bằng khen của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giải thưởng của Hội các Nhà sinh học châu Á – Thái Bình Dương, Giải thưởng VIFOTEC.
(UET-News)