Khai mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5: Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu
Sáng nay, 15/12/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với sự tham gia của hơn 2000 người, trong đó có gần 1000 nhà Việt Nam học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng Trường Đại học Công nghệ tham gia tổ chức và triển khai Tiểu ban 4 về Chuyển giao tri thức và công nghệ.
Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Phó Giám đốc phụ trách ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Phan Ngọc Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Phạm Công Tạc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Về phía khách quốc tế có các đại sứ, tham tán, công sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam.
Về phía ĐHQGHN có Giám đốc Nguyễn Kim Sơn, các Phó Giám đốc, lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc.
Hội thảo lần này do ĐHQGHN là đơn vị đầu mối tổ chức, trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành và trung tâm nghiên cứu lớn như: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Đại diện các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan trên đã tham gia Ban chỉ đạo của Hội thảo.
Trưởng ban Tổ chức Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5- Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết, so với 4 lần Hội thảo trước, Hội thảo lần này lớn hơn về quy mô và phong phú hơn về nội dung khoa học. Ban Tổ chức đã nhận được 834 bản tóm tắt báo cáo và gần 500 báo cáo toàn văn, trong đó có gần 150 báo cáo của các học giả nước ngoài.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam hoan nghênh ĐHQGHN đã chủ động phối hợp với các đơn vị chuẩn bị chu đáo cho hội thảo này.
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện có rất nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nhưng điều quan trọng là phải phát huy được sự sáng tạo của các cá nhân và tận dụng được những lợi thế của khoa học công nghệ, cụ thể là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phó Thủ tướng lưu ý, phát triển nhanh là cần thiết nhưng quan trọng nhất là phải chú trọng đến mọi yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững, để xây dựng Việt Nam tuy không giàu về vật chất bằng nhiều nền kinh tế khác trên thế giới nhưng giàu về văn hóa; là nơi người dân dù không giàu có nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc.
Để làm được những việc đó, rất cần những luận cứ khoa học, các đánh giá, khuyến nghị của các nhà khoa học. Những vấn đề mang tính lâu dài và vốn được nhắc đến từ rất lâu như giao lưu văn hóa, đối ngoại hay những vấn đề có tính thời sự như biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ… sẽ được các nhà khoa học tại hội thảo lần này đề cập, bàn thảo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin rằng, với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế và với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 sẽ đưa ra được nhiều khuyến nghị hữu ích, thiết thực cho công tác hoạch định và tổ chức chính sách của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, cộng đồng Việt Nam học trong nước và quốc tế là cộng đồng rất đặc biệt và quý báu. Cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ để giải quyết yêu cầu của phát triển như đã nói mà còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới trong tất cả các lĩnh vực.
Phó Thủ tướng cũng mong rằng, các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam, các nhà Việt Nam học quốc tế sẽ giữ vai trò hạt nhân, cùng với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức của Việt Nam đưa văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới và đưa việc nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển, qua đó góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc.
Trong diễn văn khai mạc, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức của sự phát triển và hội nhập, của những thách thức riêng mang tính quốc gia, tính khu vực và những thách thức có tính toàn cầu như: tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, bài toán về phát triển bền vững và tốc độ tăng trưởng, sự hòa hợp của quốc tế và khu vực trong giải quyết khủng bố, đói nghèo, các vấn đề văn hóa, tôn giáo và các dịch bệnh hay sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, một mặt, thể hiện nguyện vọng của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế về cơ hội trình bày và trao đổi về những kết quả nghiên cứu với các đồng nghiệp trước các vấn đề liên quan đến sự phát triển của Việt Nam, mặt khác, thảo luận nhiều vấn đề thực tiễn cấp bách đang đặt ra đối Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Chủ đề chính của Hội thảo lần này là “Phát triển bền vững trong bối cảnh của biến đổi toàn cầu”, thể hiện sự nắm bắt nhu cầu học thuật và nhu cầu thực tiễn phát triển Việt Nam. Chủ đề của Hội thảo như vậy đã nhấn mạnh tới việc nghiên cứu Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu, đặt nghiên cứu Việt Nam trong các tương quan và bối cảnh rộng lớn của thế giới.
“Với quan điểm xem khoa học và công nghệ là động lực, đóng vai trò khởi nguồn cho sự phát triển của mỗi quốc gia, chúng tôi nhận thấy trong bối cảnh thế giới đa cực hóa, kinh tế toàn cầu hóa, văn hóa đa nguyên hóa, vận mệnh của mỗi quốc gia không chỉ có liên quan tới quốc gia đó, mà liên quan mật thiết với toàn thế giới, các nhà khoa học đem trí tuệ và tình cảm của mình đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam cũng chính là đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và trên toàn thế giới”, Giám đốc ĐHQGHN bày tỏ.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu các hội thảo trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì hội thảo lần này tập trung vào các lĩnh vực rộng hơn, hướng tới việc tư vấn cho các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam giải quyết tốt nhất các vấn đề thuộc phạm vi rộng lớn hơn, gồm cả các vấn đề khoa học và chuyển giao công nghệ.
Giám đốc ĐHQGHN mong rằng hội thảo sẽ đem lại cho các học giả những ấn tượng mới, thông tin mới về Việt Nam; tăng cường quan hệ giao lưu giữa cộng đồng, mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới, thúc đẩy lĩnh vực Việt Nam học phát triển trên phạm vi toàn cầu.
ĐHQGHN một trung tâm nghiên cứu và đào tạo đa ngành, có Viện Nghiên cứu Việt Nam học và Khoa Việt Nam học vào loại lớn nhất cả nước và mong muốn làm trung tâm kết nối và hỗ trợ và phát triển hoạt động nghiên cứu của mạng lưới các nhà Việt Nam học. “Chúng tôi cho rằng, không chỉ đợi tới các kỳ Hội thảo Việt Nam học lớn định kỳ 4 năm, các hội thảo quy mô nhỏ, chuyên ngành sâu, tọa đàm nhóm, trao đổi học giả thường xuyên cho các lĩnh vực của nghiên cứu Việt Nam học cũng là hết sức cần thiết. Hiện nay ĐHQGHN đang xúc tiến xây dựng Trung tâm tư liệu nghiên cứu Việt Nam học lớn của Việt Nam, đặt tại Hòa Lạc, chúng tôi rất mong các học giả trên toàn thế giới bằng hiểu biết, kinh nghiệm của mình hãy hỗ trợ thông tin, chỉ nguồn và trợ giúp cho chúng tôi trong việc khai thác, tập hợp. Tôi mong một ngày gần nhất Trung tâm đi vào hoạt động và sẽ thành nơi hội tụ thường xuyên của các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới”, Giám đốc ĐHQGHN chia sẻ.
Sau khi nghe báo cáo tổng quan hội thảo do GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN trình bày, các nhà khoa học, các đại biểu sẽ tham gia thảo luận các nội dung tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên môn tại các tiểu ban: Tiểu ban 1 – Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; Tiểu ban 2 – Nguồn lực văn hóa; Tiểu ban 3 – Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Tiểu ban 4 – Chuyển giao tri thức và công nghệ; Tiểu ban 5 – Kinh tế và sinh kế; Tiểu ban 6 – Biến đổi khí hậu.
Trong đó, Tiểu ban về chuyển giao tri thức và công nghệ là một trong những tiểu ban mới của hội thảo năm nay. Tiểu ban sẽ bàn luận về các vấn đề về Chính sách và nguồn lực phát triển thị trường khoa học và công nghệ, các công nghệ chiến lược của Việt Nam, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp.
GS. Alistair Nolan trình bày báo cáo định kỳ về năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các nước trên thế giới cũng như tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chính sách các chính phủ cần làm để tận dụng các xu thế mới
GS.Teppei Ono trình bày về cách thức xử lý các khối dữ liệu lớn
GS. Jeffrey Gross, Trường ĐH bang Arizona, Hoa Kỳ trình bày báo cáo
Tiểu ban 4 hiện nay có 17 báo cáo do các học giả trong nước và quốc tế trình bày. Trong đó, tại Tiểu ban có các diễn giả là các chuyên gia nổi tiếng ở nước ngoài đến từ các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và trường đại học gồm GS. Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học tiên tiến Nhật Bản-JAIST); GS. Alistair Nolan (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế – OECD, phụ trách việc đánh giá, có các báo cáo định kỳ về năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các nước trên thế giới cũng như tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chính sách các chính phủ cần làm để tận dụng các xu thế mới); GS.Teppei Ono (Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty về tính toán hiệu năng cao, Nhật Bản sẽ trình bày về cách thức xử lý các khối dữ liệu lớn). Hội thảo sẽ tiếp tục đến hết chiều ngày 16/12/2016.
Toàn thể Tiểu ban chụp ảnh lưu niệm
Link tải các bài báo cáo tại tiểu ban Chuyển giao Tri thức và Công nghệ do Trường ĐHCN-ĐHQGHN chủ trì: https://1drv.ms/f/s!AuYFohRN5V5RhpABtg-TPOk8OnceoQ
(UET-News)