Kết quả nghiên cứu của Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN được công bố trên Tạp chí hàng đầu của ngành Cơ học
Vừa qua, GS. TSKH Nguyễn Đình Đức và NCS Phạm Minh Phúc (NCS của PTN Vật Liệu và Kết cấu Tiên tiến, Bộ môn Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng – Giao thông của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN) đã có kết quả nghiên cứu The effect of cracks on the stability of the functionally graded plates with variable-thickness using HSDT and phase-field theory được đăng trên tạp chí Composite Part B: Engineering (Nhà xuất bản Elsevier, Tạp chí danh mục SCI), với chỉ số ảnh hưởng rất cao IF=6.864. Đây là tạp chí hàng đầu trong danh mục các tạp chí uy tín của ngành Cơ học được Quỹ NAFOSTED công nhận và là tạp chí có chỉ số ảnh hưởng IF cao nhất trong các tạp chí thuộc ngành Cơ học hiện nay trên thế giới.
Nghiên cứu sử dụng lý thuyết biến dạng trượt bậc cao và lý thuyết phase-field để tính toán ảnh hưởng của vết nứt lên ứng xử của các tấm có chiều dày biến đổi làm từ vật liệu chức năng thông minh có cơ lý tính biến đổi FGM (các hằng số vật liệu này không là hằng số, mà thay đổi theo cấu trúc kết cấu và có thể thay đổi phụ thuộc vào nhiệt độ).
GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức – Trưởng PTN, Chủ nhiệm Bộ môn và các học trò trong nhóm nghiên cứu
Theo nguyên lý tương hỗ giữa biến dạng cơ học và dòng điện, người ta có thể ứng dụng để dùng dòng điện điều khiển biến dạng của kết cấu, và ngược lại từ biến dạng cơ học có thể nhận biết bằng việc thu được các tín hiệu điện thông qua lớp vật liệu áp điện penzo. Đây chính là nguyên lý để sử dụng vật liệu áp điện penzo phát hiện vết nứt và khuyết tật trong kết cấu. Vì vậy, kết quả nghiên cứu của GS Nguyễn Đình Đức và NCS góp phần xây dựng cơ sở khoa học ứng dụng nguyên lý này để phát hiện các vết nứt trong các kết cấu từ vật liệu thông minh FGM.
Kết quả nghiên cứu khẳng định sự hội nhập tiếp cận trình độ thế giới của các hướng nghiên cứu hiện đại của nhà trường, của ĐHQGHN cũng như chất lượng đào tạo NCS của ĐHQGHN.
(UET-News)