Kết nối giữa các đại học nghiên cứu và các doanh nghiệp triển khai – đòn bẩy thúc đẩy phát triển bền vững

    Chủ đề “Giáo dục trong thời đại số: thách thức và cơ hội đối với APEC” đã được thảo luận tại Hội nghị giáo dục các đại học APEC trong khuôn khổ của Diễn đàn kinh tế Phương Đông (EEF) 2018 được tổ chức tại ĐH Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU), Liên bang Nga, từ ngày 11 – 13/9/2018.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu đề dẫn trong phiên họp toàn thể tại CCHE APEC-2018

    Hội nghị giáo dục các đại học APEC 2018 (CCHE APEC-2018) có sự tham dự của 100 đại biểu là lãnh đạo các các Bộ trong chính phủ Liên bang Nga (Bộ Ngoại giao,Bộ giáo dục đại học và khoa học,…) và lãnh đạo các đại học hàng đầu của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

    Các báo cáo viên tại phiên họp toàn thể gồm: Giám đốc FEFU Nikita Anisimov; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học của Liên bang Nga Marina Borovskaia; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Igor Morgulov; Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ của Papua – New Guinea Steven Mataynaho; Giám đốc các đại học APEC: Giám đốc ĐH Tokai (Nhật Bản) Kiyoshi Yamada, Giám đốc ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) Chan-Wook Park và Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn.

     Phát biểu đề dẫn trong phiên họp toàn thể, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tin rằng, được tổ chức song hành cùng sự kiện Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2018, Hội nghị quốc tế các đại học thành viên APEC lần thứ 7 là một sự kiện quan trọng thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, hợp tác kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

     Nói đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Giám đốc cho rằng, thành quả của cuộc Cách mạng này không chỉ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế theo mô hình mới – kinh tế số, mà còn đem tới lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia vừa và nhỏ có sự đầu tư chắc chắn cho giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học. Từ đó, phương thức đầu tư thành công của các quốc gia, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển, đó là đầu tư cho sự phát triển con người, kết hợp nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng thực tiễn trên nền tảng phát triển công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI và Machine learning).

     “Trước những thách thức của kỷ nguyên số hóa, chúng ta phải đối diện với thực tế thay đổi chương trình đào tạo, phương thức đào tạo và đảm bảo yêu cầu nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp mới không chỉ với nền tảng tri thức vững chắc mà còn có tầm nhìn mở, luôn luôn tiếp thu những thay đổi tất yếu của khoa học công nghệ”, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn bày tỏ. Ông cũng tin tưởng rằng, những Hội nghị khu vực APEC là cơ hội tốt để các đại học chia sẻ quan điểm, phương thức đổi mới phát triển nhằm đào tạo ra những công dân toàn cầu trong thời đại công nghiệp số hóa … Bên cạnh hợp tác kinh tế, chính trị, thương mại, hợp tác trong giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học trình độ cao sẽ giúp xây dựng và hoàn thiện chính sách, phát triển hiệu quả tổng thể nền kinh tế xã hội của từng quốc gia và cũng như khu vực APEC.

     Trong phiên họp toàn thể, các đại biểu đã thảo luận về công tác đào tạo cán bộ, chuyên gia trình độ cao trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư, đồng thời bàn về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xuất khẩu dịch vụ giáo dục, phát triển các khu công nghệ cao trong trường đại học, chuyển giao công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ. Đây là các vấn đề rất hữu ích và cần thiết, là cơ hội cho việc thiết lập quan hệ hợp tác đa phương giữa các đại học trong khu vực.

     Hội nghị lần này gồm 3 phiên làm việc chuyên môn và 1 phiên đặc biệt với các chủ đề: Cụm công viên khoa học và công nghệ dựa vào trường đại học; Các kỹ năng trong thế kỷ 21 và giáo dục STEM trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đại học trong một kiến ​​trúc đa bên liên quan; phiên đặc biệt: báo cáo của APEC về phát triển giáo dục và kinh tế. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN Hoàng Anh Tuấn đã trình bày tại phiên làm việc chuyên môn với nội dung “Thúc đẩy mô hình A.S.K (thái độ, kỹ năng, kiến thức) trong cơ sở giáo dục đại học Việt Nam: Việt Nam có thể học hỏi gì từ các nước thành viên APEC”.

     Kết quả của CCHE APEC-2018 sẽ được đưa vào báo cáo về giáo dục đại học và phát triển kinh tế cho các quan chức cấp cao APEC.

     Tháng 11/2017, tại Đà Nẵng, trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017, ĐHQGHN đã phối hợp tổ chức Diễn đàn lãnh đạo các đại học APEC (APEC University Leaders’ Forum – AULF) 2017 như một sự kiện bên lề gắn với Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo doanh nghiệp APEC (CEO Summit).

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV Hoàng Anh Tuấn tại phiên làm việc chuyên môn

Theo Sinh Vũ, Tuấn Anh (VNU Media)

Bài viết liên quan