Hướng đến UET Job Fair 2023: Hãy biến áp lực thành động lực, niềm hạnh phúc để thành công

    Tiếp nối chuỗi sự kiện “Ngày hội việc làm Công nghệ UET Job Fair 2023”, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức hội thảo “Áp lực, tâm lý học đường” vào sáng ngày 25/03/2023 tại 3G3.

    Ban tổ chức vinh hạnh được đón tiếp diễn giả là TS. Trần Văn Tính, Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục và Phát triển con người, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN). Tham gia sự kiện về phía Trường ĐH Công nghệ có TS. Bùi Trung Ninh – Trưởng phòng Công tác sinh viên; TS. Trần Cường Hưng – Bí thư Đoàn thanh niên, Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng; ThS. Phan Hoàng Anh – Chủ tịch Hội sinh viên.

   Bên cạnh việc xây dựng các giá trị cốt lõi gắn với 4 chữ cái Đ H C N đó là Đổi mới sáng tạo, Hợp tác, Chất lượng cao, Nhân văn, Trường ĐH Công nghệ còn hướng đến đào tạo sinh viên không chỉ giỏi kỹ năng, mà còn “khỏe” tâm lý. Vì vậy, phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Trần Cường Hưng Bí thư Đoàn thanh niên, Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng đã bày tỏ niềm vui khi diễn giả là một chuyên gia hướng nghiệp, tạo động lực học tập và phát triển bản thân cho học sinh – sinh viên. Tại hội thảo, TS. Trần Văn Tính là chuyên gia đồng hành cùng sinh viên Nhà trường về những vấn đề tâm lý học đường hiện nay. Với mục tiêu, liên tục đổi mới và nâng cao phát triển, để khẳng định được vị thế và sự khác biệt, hướng tới mô hình giáo dục toàn diện cho sinh viên, Nhà trường mong muốn sau buổi hội thảo sinh viên có thể giải tỏa phần nào các áp lực hiện có. Từ đó, tìm được mục tiêu của cuộc đời mình và xây dựng những giá trị tạo nên sức mạnh cho bản thân.

TS. Trần Cường Hưng phát biểu khai mạc  hội thảo

   Mở đầu của buổi nói chuyện, TS. Trần Văn Tính đã lý giải và khẳng định: “Áp lực cuộc sống là chuyện bình thường. Nếu không có áp lực trong cuộc sống, sẽ không có thành công. Vì con đường thành công không bao giờ đến với những ai cảm thấy nhẹ nhàng và dễ dàng. Riêng việc trở thành sinh viên đại học và được học tập tại Trường ĐH Công nghệ đã là niềm hạnh phúc”. Lý giải về áp lực của thế kỷ 21 đang “đè nặng” lên sinh viên, chuyên gia đưa ra nhận định: “Thế hệ sinh viên ngày nay đang phải đương đầu với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với đặc trưng là lao động kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm nhiều và chất lượng cao. Vì vậy, cuộc cách mạng này cũng tác động đến thị trường nghề nghiệp. Bên cạnh những cơ hội nghề nghiệp mới song song với nó là áp lực tăng cao về kỹ năng, kiến thức, công nghệ… Do đó, học đại học thế kỷ 21, sinh viên bắt buộc phải đạt được trình độ lao động chất lượng cao về chuyên môn; nhanh cập nhật được các kiến thức, kỹ năng tiên tiến; thành thạo công nghệ khi các tổ chức kinh tế áp dụng công nghệ hiện đại; có năng lực ngoại ngữ để vận hành trong công việc”. Tuy nhiên, TS. Trần Văn Tính khẳng định chỉ cần sinh viên bắt kịp đáp ứng kỹ năng của doanh nghiệp thì sinh viên không cần phải đi “xin việc” mà được các tổ chức “mời việc”.

TS. Trần Văn Tính chia sẻ tại hội thảo

   Tại hội thảo, TS. Trần Văn Tính đã chia sẻ những điều sinh viên ghi nhớ và hành động trong quá trình học tập: “Thành công là cả một quá trình nỗ lực hết mình, không nản chí và xem vấp ngã là điểm bắt đầu mới; cần xác định mục tiêu học tập bởi vì bạn tới từ đâu không quan trọng, tất cả quan trọng là bạn đang đi đâu; hình thành ý thực học tập nghiêm túc, hãy học tập kiên trì và hiệu quả để xứng đáng với công sức của cha mẹ đi làm để mình được đi học; biết kiểm soát cảm xúc vượt qua rào cản của chính mình vì suy nghĩ của bạn quyết định cuộc đời của bạn; học gắn với thực tế bởi vì học đại học thế kỷ 21 là học ứng dụng thực tiễn; phát triển tư duy mở để đổi mới”.

   Phần giao lưu với diễn giả thu hút nhiều sinh viên với những vấn đề liên quan đến tâm lý học đường, tâm lý đồng trang lứa, phương pháp giúp sinh viên quản lý thời gian và hạn chế thói quen sử dụng công nghệ… Qua đây, sinh viên  nhận được nhiều lời khuyên, kinh nghiệm bổ ích đến từ TS. Trần Văn Tính khuyến khích sinh viên trải nghiệm thực tiễn theo “công thức”: “Năm thứ nhất, sinh viên không nên làm thêm mà để thời gian thích nghi môi trường, phương pháp học tập mới. Đến năm thứ 2, sinh viên chỉ nên đi làm thêm 30%, năm thứ 3 là 50%, nhưng đến năm thứ 4, sinh viên phải bỏ toàn bộ công việc để tập trung hoàn thành bằng đại học một cách tốt nhất. Để có những kiến thức nền tảng vững chắc sau này phát triển nghề nghiệp tương lai”. Cuối cùng, TS. Trần Văn Tính gửi đến sinh viên thông điệp: “Sinh viên hãy biến áp lực thành động lực, niềm hạnh phúc để hướng đến sự thành công”.

Phần giao lưu với diễn giả thu hút nhiều sinh viên

       Buổi hội thảo “Áp lực, tâm lý học đường” là một trong những chương trình tiếp nối cho sự kiện “Ngày hội việc làm Công nghệ UET Job Fair 2023” đã kết thúc với nhiều định hướng nghề nghiệp đến từ diễn giả là chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp nhằm giúp sinh viên có thêm những mục tiêu, kỹ năng trong cuộc sống và học tập. Từ đó, sinh viên sẽ có những trải nghiệm và hoạt động tuyển dụng hiệu quả tại UET Job Fair 2023 do Trường ĐH Công nghệ tổ chức vào ngày 01/04/2023 tới đây.

(UET-News)

Bài viết liên quan