Hợp tác đẩy mạnh đào tạo trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ

    Ngày 23/05, Trường Đại học Công nghệ đã có buổi tiếp và làm việc với Giám đốc Học viện Hàng không Moscow, Liên bang Nga (MAI) GS. Mikhail Pogosian.

    Tham dự buổi làm việc có PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Trần Xuân Tú – Trưởng phòng KHCN&HTPT cùng đại diện lãnh đạo Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ.

PGS.TS. Trương Ninh Thuận – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ giới thiệu về Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ

         Phát biểu tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà và Phó Hiệu trưởng Phạm Bảo Sơn đều nhấn mạnh, ĐHQGHN nói chung và Trường ĐHCN nói riêng luôn đánh giá cao quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp và tích cực trong việc mở rộng hợp tác với các đối tác của liên bang Nga. Lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ là ngành công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc chinh phục không gian, có thể mang lại lợi ích to lớn cho ngành giao thông vận tải tương lai. Tuy nhiên, hiện nay ngành này ở Việt Nam chưa có trường đại học nào đào tạo bài bản. Vì vậy, ĐHQGHN và Trường ĐHCN muốn phát huy những thế mạnh và trở thành cơ sở giáo dục đào tạo nghiên cứu hàng đầu cả nước. Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ được thành lập với mục tiêu đào tạo, cung cấp nhận lực chất lượng cao trong lĩnh vực Công nghệ tiên tiến này. Dựa vào những thế mạnh về nghiên cứu, hợp tác ĐHQGHN và Trường ĐHCN đã có những hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel, VN Airline… để đào tạo chuyên sâu lĩnh vực này.

      Hai bên đã đề xuất một số nội dung hợp tác như trao đổi sinh viên, cán bộ giảng viên; hỗ trợ công nghệ cho Viện Hàng Không Vũ trụ thiết kế và chế tạo thiết bị bay không người lái trong khuôn khổ dự án Nghị định thư (Máy bay cánh quạt không người lái phục vụ các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản).

     Ngoài ra, Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà mong muốn MAI có thể xem xét hợp tác trong xây dựng chương trình đào tạo lĩnh vực kỹ thuật hàng không, lĩnh vực quản lý và khai thác hàng không theo hình thức học tập tại Việt Nam và có khoảng thời gian thực tập tại Liên bang Nga. Mô hình đào tạo 2 + 2 bằng tiếng Anh để đào tạo kỹ sư Hàng không và có sự trao đổi giảng viên, học liệu.

GS. Mikhail Pogosian (ngồi ở giữa) khẳng định quyết tâm cùng hành động để hai đơn vị cùng phát triển lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ

     Đánh giá cao những đề xuất hợp tác của ĐHQGHN, GS. Mikhail Pogosian đồng thời khẳng định quyết tâm cùng hành động và tìm kiếm các phương án tối ưu để đẩy nhanh các dự án hợp tác này. Ông cho biết, MAI đang xây dựng một chuỗi các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và sẵn sàng phối hợp với Trường ĐHCN lựa chọn, triển khai chương trình phù hợp với mong muốn và lợi ích của hai đơn vị.

Học Viện Hàng Không Moscow, một học viện hàng không cao cấp được thành lập năm 1930 dành cho những người yêu thích bầu trời và mong muốn được đào tạo chuyên nghiệp để làm việc trong lĩnh vực hàng không. Hiện nay, học viện gồm 12 khoa, 4 cơ sở, với hơn 20.000 sinh viên đến từ khắp các châu lục đang theo học với 46 chuyên ngành. Việc đào tạo ra các chuyên gia có trình độ cao trong Viện Hàng không Moscow được thực hiện bởi trên 2.100 giảng viên gồm 17 thành viên chính thức của Viện Khoa Học Liên Bang Nga, trên 400 bác sỹ và trên 1.000 giáo sư và phó giáo sư.

(UET-News)

Bài viết liên quan