Hội thảo ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y sinh

Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Ireland, Khoa Điện tử viễn thông (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức hội thảo về ứng dụng các hệ thống tự động hóa và công nghệ micro-nano cơ điện tử trong lĩnh vực y sinh vào ngày 26/05/2023, bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại E3.

Tham dự hội thảo về phía Trường ĐH Công nghệ có PGS.TS. Bùi Thanh Tùng – Phó Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông cùng cán bộ giảng viên, người học tại Khoa. Hội thảo còn có sự tham gia của các  chuyên gia trong lĩnh vực y sinh, công nghệ kỹ thuật như Đại học thành phố Dublin, Ireland (DCU), Viện Công nghệ (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội), Bệnh viện E, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam,…

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Bùi Thanh Tùng – Phó chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông chia sẻ: Chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các hệ tự động hoá trong lĩnh vực y sinh. Những cánh tay robot có tiềm năng lớn trong việc thực hiện các ca phẫu thuật; hay các quy trình chuẩn đoán, sàng lọc bệnh có thể thực hiện tự động hoá hoàn toàn trên một con chip chỉ bé bằng lòng bàn tay,… Không nằm ngoài xu hướng đó, hiện nay, các hệ thống tự động hoá cũng được ứng dụng trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, nhằm giảm đi những thao tác lặp lại thủ công, tăng cường tính chính xác và hiệu quả quy trình, giải phóng sức lao động con người. Bên cạnh đó, các nhà khoa học trên thế giới đang phát triển các hệ thống cỡ micro-nano nhằm tái tạo nhân tạo môi trường trong cơ thể, tạo nên các “buồng trứng nhân tạo”, “tử cung nhân tạo”,… nuôi cấy trứng và phát triển phôi, em bé bên ngoài cơ thể người mẹ. Trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Ireland với dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y sinh, cụ thể là hỗ trợ sinh sản, qua buổi hội thảo này, với sự trao đổi của các chuyên gia trong lĩnh vực tự động hóa, y sinh và quản lý khoa học nhà nước sẽ đưa đến cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về hệ thống tự động hóa ứng dụng trong y sinh. Hi vọng rằng dựa trên sự hợp tác trao đổi giữa các chuyên gia trong lĩnh vực, chúng ta có thể phát triển một nền tảng tự động hoá đa chức năng cho các quy trình hỗ trợ sinh sản hiện nay”.

PGS.TS. Bùi Thanh Tùng – Phó chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông phát biểu khai mạc hội thảo

Buổi hội thảo diễn ra với hai nội dung gồm Các hệ thống tự động hóa và Công nghệ micro-nano ứng dụng trong lĩnh vực y sinh. Hai nội dung này được các chuyên gia trình bày trong 5 báo cáo, cụ thể là, “Các giải pháp công nghệ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”- TS. Chử Đức Hoàng (Bộ Khoa học và công nghệ); “Các kỹ thuật điều trị vô sinh tiên tiến hiện nay” – ThS. BS. Nguyễn Thị Linh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội); “Phát triển nền tảng tự động hóa đa chức năng giám sát và trưởng thành trứng ngoài cơ thể” – TS. Đỗ Quang Lộc (Trường ĐH Tự nhiên, ĐHQGHN); “Nền tảng phòng thí nghiệm trên chip thế hệ mới cho các ứng dụng y sinh” – GS. Jen Ducrée (Dublin City University, Ireland); “Từ mô hình nuôi cấy 3D đến nền tảng cơ quan nội tạng trên chip hướng đến nghiên cứu hệ thống sinh sản nữ” – PGS.TS. Bùi Thanh Tùng (Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN).

TS. Chử Đức Hoàng (Bộ Khoa học và công nghệ) trình bày báo cáo “Các giải pháp công nghệ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”

Phần thảo luận nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ phía các chuyên gia, nhà quản lý, đặc biệt là dự án trong khuôn khổ tài trợ của Đại sứ quán Ireland về “Phát triển nền tảng tự động hóa đa chức năng giám sát và trưởng thành trứng ngoài cơ thể” do TS. Đỗ Quang Lộc (Trường ĐH Tự nhiên, ĐHQGHN) cùng nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Y – dược và Dublin City University (Ireland) triển khai. Trong bài báo cáo tại hội thảo, TS. Đỗ Quang Lộc đã trình bày những giải pháp, hướng nghiên cứu và mục tiêu lâu dài của nhóm nghiên cứu trong dự án mang tính liên ngành cao này. Qua đó, nhóm nghiên cứu mong muốn đưa ra sản phẩm thực hiện tự động hóa quy trình trưởng thành noãn và theo dõi sự phát triển của noãn theo thời gian, để hỗ trợ cho việc đánh giá, kiểm tra chất lượng noãn của các bác sĩ. Đồng thời, dự án còn hướng đến phát triển nghiên cứu “Từ mô hình nuôi cấy 3D đến nền tảng cơ quan nội tạng trên chip hướng đến nghiên cứu hệ thống sinh sản nữ” do PGS.TS. Bùi Thanh Tùng cùng các cộng sự nghiên cứu. Trong dự án này, nhóm nghiên cứu tập trung cải thiện hiệu quả trưởng thành trứng trong kỹ thuật IVM dựa trên kỹ thuật tự động hoá kết hợp với nền tảng organ-on-a-chip. Hệ thống tự động hoá nhằm tạo những điều kiện về môi trường thích hợp cũng như tự động hoá quy trình nuôi cấy thường quy. Đồng thời, nhóm đề xuất sử dụng hệ Organ-on-a-chip để nuôi trứng non trưởng thành với cấu trúc chip sinh học bắt chước lại giống môi trường trong buồng trứng người mẹ, tạo điều kiện cho trứng có thể phát triển tốt nhất và khắc phục hạn chế của quy trình IVM thường quy.

TS. Đỗ Quang Lộc (Trường ĐH Tự nhiên, ĐHQGHN) trình bày báo cáo “Phát triển nền tảng tự động hóa đa chức năng giám sát và trưởng thành trứng ngoài cơ thể” phát triển cùng nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Y – dược và Dublin City University (Ireland)

Buổi hội thảo này là mở đầu cho những dự án hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Ireland trong lĩnh vực y sinh, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ sinh sản. Qua đây, Khoa Điện tử viễn thông nói riêng và Trường ĐH Công nghệ nói chung sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

(UET-News)

Bài viết liên quan