Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học Việt Nam”
Ngày 05/01, Trường Đại học Công nghệ đã tổ chức Hội thảo khoa học về Xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học Việt Nam tại 3G3.
Tham dự hội thảo có Ông Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Tạ Ngọc Đôn – Vụ Trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Ông Phạm Thế Dũng – Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ Khoa học công nghệ). Về phía ĐHQGHN có PGS.TS. Vũ Văn Tích – Trưởng ban Khoa học công nghệ cùng đại diện lãnh đạo các trường đại học thành viên trong ĐHQGHN. Về phía trường Đại học Công nghệ có PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Phạm Minh Triển – Phó trưởng phòng KHCN&HTPT cùng trưởng các nhóm nghiên cứu của nhà trường. Tham dự hội thảo còn có đại diện Ban Giám hiệu và các đại biểu đến từ trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Giáo dục, ĐH Việt Nhật, ĐH Công nghệ, Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục và các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các trường đại học thành viên của ĐHQGHN, ĐH Bách Khoa Hà Nội, Học Viện Kỹ thuật Quân sự, ĐH Giao thông, ĐH Xây dựng, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Nguyễn Tất Thành, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Kỹ thuật Công binh, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam,….và các giáo sư là trưởng các nhón nghiên cứu mạnh, các tiến sĩ trẻ và đông đảo nghiên cứu sinh.
Hội thảo khoa học về Xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn cho biết, sự hình thành và ra đời các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học là điều tất yếu, tự nhiên. Hiện nay, danh tiếng các trường đại học nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam thường gắn với tầm vóc các công trình khoa học và tên tuổi của các nhà khoa học lớn, đa số là trưởng các nhóm nghiên cứu tại các trường đại học. Tháng 10/ 2018, bản xếp hạng châu Á do tổ chức QS công bố ĐHQGHN vinh dự là đơn vị xếp hạng hàng đầu Việt Nam và đứng thứ 124 tăng 15 bậc so với vị trí 139 năm 2018. Việc tăng bậc tại bảng xếp hạng này dựa vào hai yếu tố chính: thứ nhất là công bố khoa học, tiềm lực nghiên cứu khoa học mà lõi là các nhóm nghiên cứu; thứ hai là đánh giá của nhà tuyển dụng, chủ yếu dựa vào chất lượng sinh viên với việc trải nghiệm môi trường rèn luyện của các nhóm nghiên cứu. Từ những ngày đầu, lãnh đạo ĐHQGHN đã rất quan tâm đến việc hình thành nhóm nghiên cứu và đến nay ĐHQGHN có hơn 300 phòng thí nghiệm cũng là cách gọi khác của nhóm nghiên cứu. Trong đó có 10 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN và hơn 100 nhóm nghiên cứu với 29 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN. Bên cạnh đó, ĐHQGHN có nhiều chính sách đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu và kinh phí thường xuyên cho nhóm nghiên cứu mạnh. Đối với các trường thành viên nói chung và trường ĐHCN nói riêng có những chính sách hỗ trợ, đầu tư và phát triển các nhóm nghiên cứu tiến đến trở thành nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhấn mạnh tăng cường vai trò nghiên cứu khoa học trong trường đại học để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Để triển khai nghị quyết hiệu quả Nhà trường thực hiện giải pháp chính là phát triển các nhóm nghiên cứu vì họ là tế bào của hoạt động nghiên cứu khoa học đổi mới sáng tạo trong các trường đại học. Đặc biệt quan trọng với ĐHQGHN và Trường ĐHCN vì sứ mạng đào tạo nhân tài, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Phó Hiệu trưởng mong rằng các trưởng nhóm nghiên cứu, các nhà quản lý sẽ trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm để làm rõ vai trò, ý nghĩa quan trọng của các nhóm nghiên cứu trong việc nâng cao tiềm lực chất lượng nghiên cứu khoa học, đặc biệt chất lượng đào tạo trong các trường đại học. Chính điều này tạo nên sự khác biệt của nhóm nghiên cứu trong trường đại học so với nhóm nghiên cứu tại các viện nghiên cứu. Đồng thời, các nhà khoa học sẽ đề xuất được các giải pháp chính sách đầu tư cho cấp quản lý trong việc hình thành nhóm nghiên cứu và phát triển các nhóm nghiên cứu liên ngành, liên đơn vị.
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các báo cáo tham luận, cụ thể về “Chính sách phát triển nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN: Thực trạng và giải pháp” – ThS. Đào Minh Quân – Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQGHN); “Triển vọng hội nhập quốc tế trong khoa học xã hội tại Việt Nam: Phân tích từ dữ liệu NVSS 2008-2018” trình bày bởi TS. Phạm Hùng Hiệp (Trường ĐH Dân lập Phú Xuân) và Vũ Minh Huyền (Trường Đại học Ngoại Ngữ).
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức khẳng định sự quan trọng của việc xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu trong các trường đại học
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ nhiệm nhiệm vụ cấp Nhà nước của chương trình khoa học giáo dục giai đoạn 2016-2020, đồng thời là Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Khoa học của hội thảo đã nhấn mạnh, chức năng quan trọng nhất của trường đại học là truyền thụ kiến thức (giảng dạy) và sáng tạo tri thức (nghiên cứu). Các trường đại học nghiên cứu thường là nơi nảy sinh các tư tưởng, hệ tiên đề, từ đó thiết lập nên những nền móng căn bản của các ngành khoa học. Vì vậy, các đại học nghiên cứu tiên tiến có vai trò nòng cột trong hệ thống giáo dục đại học của mỗi quốc gia. Nhóm nghiên cứu chính là tế bào của các hoạt động nghiên cứu và đào tạo trong mỗi trường đại học, là mô hình để thông qua đó gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo. Nhận thức được ý nghĩa vai trò của các nhóm nghiên cứu, hiện nay các cơ quan quản lý cấp Bộ, Ngành, cũng như một số đại học, trường đại học định hướng nghiên cứu đã quan tâm và có những chính sách đầu tư cho nhóm nghiên cứu, nhưng trên thực tế tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ này còn chậm. Điều đó đặt ra mục tiêu phải tìm hiểu, phát hiện và hóa giải những bất cập để những chính sách hỗ trợ nhóm nghiên cứu đi nhanh và hiệu quả vào thực tiễn, nhân rộng trong các trường đại học. Từ đó trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo bậc tiến sỹ, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đẩy nhanh số lượng và nâng cao chất lượng các công bố quốc tế, qua đó nâng cao thứ hạng các trường đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng đại học của khu vực và thế giới. Từ kinh nghiệm rất thành công như nhóm nghiên cứu của GS Đức cho thấy các nhóm nghiên cứu còn có sứ mệnh là cái nôi đào tạo cũng như thu hút nhân tài, phát triển các chương trình đào tạo mới, kết nối với doanh nghiệp và mở rộng hợp tác quốc tế, và là tiền đề để thành lập và kiến tạo những bộ môn mới, PTN mới, các khoa mới, góp phần quan trọng để các nhà khoa học, các hướng nghiên cứu của Việt Nam vươn xa, tiếp cận với trình độ đỉnh cao của thế giới.
Phần thảo luận đã diễn ra sôi nổi với sự đóng góp tích cực từ trưởng các nhóm nghiên cứu, các nhà quản lý về tầm quan trọng của việc xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để thúc đẩy và khuyến khích các nhóm nghiên cứu khoa học ngày càng phát triển tại các trường đại học.
Ông Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo
Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định việc nâng cao chất lượng, kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và xây dựng các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học đang được Đảng, Chính phủ và Nhà nước hết sức quan tâm. Đối với cơ sở giáo dục đại học, đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai hoạt động quan trọng. Trong những năm qua, mô hình nhóm nghiên cứu được triển khai ở Đại học Quốc gia Hà Nội và một số trường đại học khác ban đầu đã có những kết quả và thành tích tốt trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Điều đó cho thấy khi một đơn vị có cơ chế khoa học công nghệ tốt có khả năng khuyến khích, tạo động lực giải phóng sức sáng tạo khoa học và sức làm việc của các thầy/cô, nhà khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy, trong thời gian tới, để thúc đẩy sự phát triển của nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học thì Bộ GD&ĐT và Bộ KHCN sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách để hình thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu mạnh thực sự và sống được bằng khoa học. Thứ trưởng nhấn mạnh mặc dù phát triển khoa học công nghệ, kinh tế… là điều quan trọng, nhưng khoa học công nghệ hay kinh tế… cũng chỉ là phương tiện nên giáo dục đạo đức hướng sinh viên đến sự chân, thiện, mỹ để mang lại hạnh phúc cho bản thân và xã hội mới là việc quan trọng nhất.
Thông tin báo chí:
– Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam:
– Báo Giáo dục thời đại: Nhóm nghiên cứu góp phần khuyến khích, tạo động lực giải phóng sức sáng tạo khoa học
– Báo Tuổi trẻ: Việt Nam cần có đại học sống bằng nghiên cứu, không bằng học phí
– Báo Dân trí: Cần có chính sách đột phá cho các nhóm nghiên cứu trong trường đại học