Hội thảo khoa học với chủ đề “Robot và sản xuất thông minh”

   “Robot và sản xuất thông minh” là lĩnh vực nền tảng chính và quan trọng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Vì vậy, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp với Dự án i4SMART – Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn và Công ty TNHH UPVIET tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Robot và Sản xuất thông minh” vào ngày 15/01/2021.

   Hội thảo có sự tham dự về phía Trường ĐHCN có GS. TS Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Đinh Triều Dương – Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông cùng các thầy/cô và sinh viên của khoa. Về phía đối tác có PGS. TS Chu Anh Mỳ – Chủ nhiệm dự án i4SMART – Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn; ông Nguyễn Ngọc Ánh – Giám đốc Công ty TNHH UPVIET cùng các thầy, cô giáo, các nhà khoa học và các kỹ sư tương lai tới từ các trường: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn, Công ty Fumee Tech, Công ty VietMani. Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham gia của các Giáo sư đến từ Trường ĐH Công nghệ Chiba (Nhật Bản) thông qua hình thức trực tuyến. 

   Phát biểu khai mạc, GS.TS. Chử Đức Trình nhấn mạnh về tầm quan trọng của hội thảo trong việc lan tỏa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trường ĐHCN cũng là một trong những đơn vị đón đầu xu thế công nghệ của cách mạng 4.0. Vì vậy, năm 2018 Nhà trường đã hợp tác và nhận được sự hỗ trợ của Trường ĐH Chiba (Nhật Bản) trong việc xây dựng chương trình đào tạo Kỹ thuật robot. Chương trình đào tạo này được xây dựng dựa trên thế mạnh của Nhà trường về lĩnh vực tự động hóa, điện tử, kỹ thuật máy tính và khoa học máy tính. Bên cạnh đó, Nhà trường đã có một vài robot được chuyển giao kỹ thuật trong công nghiệp và bệnh viện.

   Giáo sư hi vọng hội thảo sẽ là diễn đàn và tạo môi trường kết nối các doanh nghiệp, nhà khoa học, sinh viên phục vụ cho công việc và công tác nghiên cứu, giảng dạy sau này. Đồng thời, hội thảo sẽ là nơi giao lưu của các nhà khoa học nhằm thảo luận và đánh giá những ứng dụng của lĩnh vực rô bốt trong sản xuất thông minh trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay.

GS. TS Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo

   Tại hội thảo, đồng quan điểm với GS.TS. Chử Đức Trình, PGS.TS. Chu Anh Mỳ cũng đánh giá cao tầm quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 có tiềm năng làm thay đổi hoàn toàn tất cả các giai đoạn của quá trình sản xuất công nghiệp với lượng dữ liệu lớn và độ chính xác cao chưa từng có, tạo ra chuỗi cung ứng gọn gàng hơn, phản ứng linh hoạt hơn, nhanh hơn và gắn kết hơn. Ngày nay, các giải pháp sáng tạo được áp dụng trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất, giúp quá trình trở nên thông minh và hiệu quả. Từ đó, tạo đến sản xuất thông minh là một trong những nền tảng quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp 4.0.

   Lĩnh vực sản xuất thông minh đã thu hút được sự chú ý ngày càng tăng của các nhà khoa học và nhà sản xuất công nghiệp trên khắp thế giới. Các yếu tố cốt lõi trong Sản xuất thông minh bao gồm Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Phân tích dữ liệu lớn (Bigdata Analysis), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Kỹ thuật số song sinh (Digital Twin), rô bốt tác hợp (Cobots), kỹ thuật gia công bồi đắp (Additive Manufacturing – 3D printing). Bên cạnh đó, một trong những yếu tố tạo nên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là hệ thống robot công nghiệp. Hệ thống robot này có thể chủ động giám sát và thích ứng nhanh với những thay đổi liên tục trong các dây chuyền sản xuất. Bằng khả năng kết nối với nhiều thiết bị, robot ngày càng thích ứng linh hoạt với không chỉ nhiệm vụ của bản thân nó mà còn hợp tác thực hiện nhiệm vụ với các robot khác, các hệ thống thiết bị khác nhau và ngay cả với con người trong các nhà máy thông minh.

   Hội thảo được các diễn giả trong và ngoài nước tập trung vào các chủ đề: “Giới thiệu robot di động của CIT” – GS Takeshi Aoki (ĐH Chiba), “Phát triển nền tảng công nghệ robot di động thông minh tại UET” – PGS.TS Bùi Thanh Tùng (Trường ĐHCN), “Các hệ thống CAD/CAM/CNC/Robot tiên tiến” – bà Thu Hằng (Công ty Solid Edge), “Phân tích dữ liệu lớn – Tổng quan và xu hướng trong tương lai” – TS. Chử Đức Hoàng (Tập đoàn Vingroup), “Trí tuệ nhân tạo đa thể thức ứng dụng cho robot” – TS Hoàng Văn Xiêm (Trường ĐHCN), “Hệ thống Air balancer tự động hỗ trợ trong dây chuyền sản xuất công nghiệp và Nâng cao năng lực sản xuất và thương mại hóa tay máy công nghiệp” của ThS. Lê Đăng Thắng (Công ty VietMani), “Kỹ thuật tối ưu hóa trên phần mềm CAD/CAM/CAE” – bà Phạm Thị Minh (Công ty TNHH UPVIET), “Vai trò của AI, Bigdata và IoT trong sản xuất Thông minh” – PGS.TS. Chu Anh Mỳ (dự án i4SMART).

GS Takeshi Aoki (ĐH Chiba) với bài thuyết trình chủ đề: “Giới thiệu robot di động của CIT”

   Phần thảo luận diễn ra sôi nổi giữa các nhà nghiên cứu, sinh viên quanh việc đánh giá những ứng dụng của lĩnh vực robot trong sản xuất thông minh trên thế giới và tại Việt Nam;  những kỹ thuật tối ưu hiện đại, những ứng dụng robot trong thực tế sản xuất tham gia vào chuỗi cung ứng, công nghiệp phụ trợ nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng gia công, từng bước tiến tới xây dựng mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh, vốn là yếu tố cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0.

Một số hình ảnh tại hội thảo

Tuyết Nga – Đăng Hoàng (UET-News)

Bài viết liên quan