Hội thảo “Cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới”
Trong khuôn khổ Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, Trường Đại học Công nghệ (Đại học quốc gia Hà Nội) phối hợp với Ban Khoa học công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo “Cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới” vào ngày 10/11, tại nhà E3.
Tham dự hội thảo về phía Bộ Khoa học và công nghệ có ông Trần Xuân Đích – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Về phía ĐHQGHN có GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – Nguyên Phó Giám đốc, TS. Vũ Tuấn Anh – Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ. Về phía trường ĐHCN có GS.TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Trần Xuân Tú –Trưởng phòng KHCN&HTPT cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Chử Đức Trình nhấn mạnh để hưởng ứng chủ trương thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của ĐHQGHN, Trường ĐHCN đã có những bước đi và định hình cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Qua đó, Nhà trường thể hiện vai trò tiên phong trong xây dựng quốc gia khởi nghiệp của ĐHQGHN.Hướng nghiên cứu khoa học của Trường ĐHCN là kết hợp giữa nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng định hướng đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Nhà trường cũng xác định hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được Nhà trường ưu tiên các nguồn lực để triển khai thực hiện.
GS.TS. Chử Đức Trình phát biểu khai mạc tại hội thảo
Trong những năm qua, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và Trường ĐHCN nói riêng trong nhiều hoạt động khoa học và công nghệ, cũng như một số đề tài tạo nên không khí khởi nghiệp chung trong trường. Nhà trường đã bắt đầu hình thành một số hoạt động khoa học và công nghệ cũng như một số quỹ để tiến tới khởi nghiệp trong cán bộ, giảng viên, đưa tinh thần khởi nghiệp đến sinh viên. Quan điểm của Nhà trường là xây dựng phát triển ý tưởng, sáng kiến lan tỏa các ứng dụng trực tiếp ra xã hội, các kỹ năng cần thiết để sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật được trang bị trước khi ra cuộc sống.
Nhà trường có nhiều hoạt động khởi nghiệp thông qua hội thảo, đề tài, dự án hỗ trợ cho cán bộ trẻ, cấc cuộc thi nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Nhà trường triển khai đưa vào giảng dạy một số kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp trong chương trình đào tạo đại học. Hiện giờ Trường thực hiện một số mô hình đầu tư trực tiếp cho khoa, viện nghiên cứu, sinh viên để có ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.
Buổi hội thảo nhằm chia sẻ một số kiến thức và kinh nghiệm về cơ hội khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ mới, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số. Tôi hi vọng sẽ thúc đẩy hoạt động hướng đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đảng viên và người học của ĐHQGHN nói chung và trường ĐHCN nói riêng.
Một lần nữa tầm quan trọng của khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới được ông Trần Xuân Đích khẳng định, trong những năm qua thuật ngữ “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và xã hội quan tâm.Một trong những yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp là các trường đại học. Hệ sinh thái này đã có những bước phát triển nhất định về quy mô và mạng lưới liên kết trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp theo hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với quy mô vốn hóa từ vài trăm triệu đô đến hàng tỷ đô đã được hình thành và bước đầu gọi vốn thành công.
Ông Trần Xuân Đích phát biểu tại hội thảo
Ông Trần Xuân Đích hy vọng rằng, hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, cán bộ quản lý, sinh viên chia sẻ, thảo luận, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học. Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong môi trường học thuật, nghiên cứu.
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt – Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN trình bày tham luận “Cơ hội và thách thức trong xu hướng chuyển đổi số”
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt chia sẻ về thách thức và cơ hội mới trong xu hướng chuyển đổi số. PGS nhấn mạnh đối với ĐHQGHN nói chung, Trường ĐHCN nói riêng chuyển đổi số mang lại cơ hội phát triển mới gồm đào tạo nâng cao nhận thức, tư vấn và cơ hội triển khai trong các doanh nghiệp. trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì việc học và làm việc từ xa vẫn là hoạt động quan trọng, cần thiết. Như thế, khuyến khích có thị trường mới là học tập từ xa, nếu làm giải pháp học tập từ xa, bảo đảm an toàn an ninh mạng thì sẽ có thị trường. Sau đó, cơ hội mới khi chuỗi cung ứng dịch chuyển. Việt Nam có cơ sở chuyển đổi số phụ thuộc năng lực lãnh đạo, cơ sở hạ tầng, nhân lực và công nghệ.
TS. Đào Đình Khả – Nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông trình bày tham luận “Chuyển đổi số trong một số lĩnh vực trọng yếu”
Nhấn mạnh về giá trị của chuyển đổi số, TS. Đào Đình Khả khẳng định, chuyển đổi số không đơn giản, nhưng là bắt buộc đối với tất cả doanh nghiệp không muốn mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, một công ty số có hiệu quả nhiều lần so với công ty truyền thống. Chuyển đổi số thực sự là một cuộc di cư, nếu cuộc di cư thành công thì tốt đẹp, nhưng nếu thất bại thì cũng đau đớn.
TS. Trần Quốc Long – Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học máy tính, khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐHCN trình bày tham luận “Nhu cầu và tiềm năng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới ở Việt Nam”
Trường ĐHCN cũng là một trong những đơn vị đẩy mạnh đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, trong đó lĩnh vực công nghệ mới được Nhà trường quan tâm. TS. Trần Quốc Long chia sẻ tại hội thảo về thực tế nghiên cứu ứng dụng trí tuê nhân tạo tại Trường ĐHCN, Nhà trường kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để hướng đến đăng ký sở hữu trí tuệ; kết hợp trường – viện – doanh nghiệp để tư vấn giải pháp trí tuệ nhân tạo, hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp trong, ngoài nước; nguồn tài trợ từ ngân sách, quỹ nghiên cứu và doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Tuyết Nga – Đăng Hoàng (UET-News)