Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023: Đẩy mạnh nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp bán dẫn
Ngày 4/11/2023, tại Hòa Lạc, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia triển lãm nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng và chuyển giao tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Đây là năm thứ hai Trường ĐH Công nghệ tham gia hội nghị này (kể từ lần đầu tổ chức vào ngày 10/12/2022) và là hoạt động thường niên do ĐHQGHN tổ chức.
Tham dự sự kiện có GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Thu Hương – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Hoài Sơn – Trưởng phòng KHCN&HTPT, TS. Bùi Ngọc Thăng – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ cùng lãnh đạo các Khoa, Viện thuộc Trường.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 được tổ chức nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học & công nghệ (KH&CN); thúc đẩy đầu tư phát triển Khu đô thị đại học xứng tầm quốc gia, tiệm cận với các đại học đẳng cấp quốc tế; đồng thời tạo cơ hội quảng bá thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia hội nghị. Đây cũng là cơ hội để kết nối sinh viên với các nhà tuyển dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng được những sinh viên xuất sắc, thu hút nhân tài bổ sung cho nguồn nhân lực đang thiếu hụt.
Trong khuôn khổ sự kiện, ngoài các hội nghị, hội thảo chuyên đề còn diễn ra các hoạt động: Triển lãm tiềm lực và thành tựu khoa học công nghệ, Không gian kết nối và xúc tiến đầu tư; Các hoạt động kết nối đầu tư cho các nhóm nghiên cứu, các sản phẩm KH&CN, các dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư; Hội trại khoa học, giáo dục STEM của sinh viên ĐHQGHN; Trình diễn các thí nghiệm khoa học, giáo dục STEM, trình diễn/giới thiệu các sản phẩm/dự án KH&CN; Các hoạt động văn nghệ, thể thao của học sinh, sinh viên ĐHQGHN…
Tại gian trưng bày của hoạt động “Triển lãm tiềm lực khoa học công nghệ ĐHQGHN” có 14 sản phẩm của Trường ĐH Công nghệ mang tính ứng dụng cao và được chuyển giao doanh nghiệp. Ngoài sản phẩm trưng bày tại gian trại, Trường ĐH Công nghệ còn tham gia trình diễn 2 sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn, cụ thể là FastV – Nền tảng sáng tạo video trực tuyến ứng dụng công nghệ AI (TS. Trần Mai Vũ – Khoa Công nghệ thông tin); Hệ thống dịch máy đa ngữ UET (TS. Nguyễn Văn Vinh – Khoa Công nghệ thông tin) đã được đưa vào sử dụng tại website www.dichmay.itrithuc.vn. Nói đến hệ thống này, TS. Nguyễn Văn Vinh – Khoa CNTT cho biết: “Sản phẩm này thuộc đề tài cấp quốc gia KC-4.0.12/19-25 “Phát triển hệ thống dịch đa ngữ giữa tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác” và được nhóm phát triển thành sản phẩm sử dụng trong thực tiễn. Từ năm 2020 đến nay, nhóm nghiên cứu đã liên kết, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, hoạt động chuyên môn sâu về lĩnh vực xử lý ngôn ngữ Trung, Lào, Khmer và dịch máy. Đề tài với việc xây dựng hệ thống dịch máy đa ngữ với 4 cặp ngôn ngữ Việt – Anh, Trung, Lào, Khmer được triển khai trên cổng itrithuc.vn; xây dựng kho ngữ liệu song ngữ Việt – Trung chất lượng tốt, Việt – Lào và Việt Khmer; công cụ trợ giúp xây dựng cơ sở dữ liệu song ngữ và đơn ngữ; phát triển bộ công cụ dịch máy mã nguồn mở phục vụ cộng đồng nghiên cứu và phát triển… Sau khi triển khai hệ thống dịch thử nghiệm trên Itrithuc.vn, Trung tâm phát thanh tiếng Khmer của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) và một số đơn vị của Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng nhóm nghiên cứu đã nhận được các phản hồi tích cực và hoàn toàn có thể đưa vào ứng dụng trong thực tế”.
GS.TS. Lê Quân – Giám đốc ĐHQGHN thăm gian trưng bày sản phẩm của Trường ĐH Công nghệ và TS. Nguyễn Văn Vinh giới thiệu về Hệ thống dịch máy đa ngữ UET
Bên cạnh gian trưng bày và trình diễn sản phẩm, Hội nghị còn diễn ra hội thảo với 1 phiên toàn thể và 06 phiên chuyên đề song song với các nội dung về Xúc tiến đầu tư vào Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc; Y học công nghệ cao và khoa học sức khỏe; Đầu tư cho giáo dục, đào tạo tài năng và chất lượng cao; Thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản; Phát triển công nghệ, công nghiệp bán dẫn; Thu hút đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan, Singapore vào các nghiên cứu về tài nguyên và môi trường tại ĐHQGHN.
Trường ĐH Công nghệ với các báo cáo và sản phẩm trong phiên chuyên đề Phát triển công nghệ, công nghiệp bán dẫn đã cho thấy sự góp phần của Nhà trường vào việc phát triển các lĩnh vực bán dẫn và chip vi mạch cho ĐHQGHN nói riêng, xã hội nói chung. Phát biểu đề dẫn tại phiên chuyên đề, GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ một lần nữa khẳng định về tầm quan trọng của việc phát triển công nghệ, công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Trong xu thế toàn cầu, việc phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam có nhiều ưu thế và cơ hội khi dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến hệ thống cung cấp chip toàn cầu và với ưu thế về sự hợp tác quốc tế, Việt Nam càng có thêm cơ hội phát triển lĩnh vực này. GS.TS. Chử Đức Trình nhấn mạnh chủ đề Phát triển công nghệ, công nghiệp bán dẫn tại hội nghị phù hợp với sự phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam hiện nay. Qua phiên chuyên đề, các chuyên gia sẽ có cơ hội trao đổi, bàn luận về những ưu thế và công tác đào tạo tại các trường đại học, chuẩn bị nguồn nhân lực trong lĩnh vực này để phục vụ thị trường Việt Nam và trên thế giới thời gian tới.
GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ phát biểu đề dẫn tại phiên chuyên đề Phát triển công nghệ, công nghiệp bán dẫn
Phiên chuyên đề Phát triển công nghệ, công nghiệp bán dẫn dưới sự chủ trì của GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ và các báo cáo cụ thể là: “Sản xuất bán dẫn và những thách thức tại Việt Nam” – PGS.TS. Nguyễn Trần Thuật (Trường ĐH Khoa học tự nhiên- ĐHQGHN); “Kinh nghiệm nghiên cứu phát triển nhằm đáp ứng các yêu cầu của ngành bán dẫn và vi mạch” – TS. Trịnh Công (Tập đoàn Vật liệu ứng dụng); “Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp và nhà trường” – Ông Trịnh Khắc Huề (Công ty TNHH Qorvo Việt Nam); “Ứng dụng AI trong sản xuất bán dẫn: Hiện trạng và tương lai” – TS. Đinh Anh Tuấn (Văn phòng Khoa học dữ liệu, đồng sáng lập Tập đoàn Cogitativo) đã khẳng định lĩnh vực công nghệ, công nghiệp bán dẫn hiện nay là xu thế toàn cầu và những cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực này. Theo đó, Việt Nam còn chặng đường dài để làm chủ ngành công nghiệp nói chung, đặc biệt là công nghiệp điện tử và bán dẫn. Với những sức mạnh đến từ nội lực, công nghệ và con người Việt Nam trong tương lai sẽ làm chủ nền công nghiệp phát triển, bền vững và mong muốn trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghệ toàn cầu.
PGS.TS. Nguyễn Trần Thuật (Trường ĐH Khoa học tự nhiên- ĐHQGHN) trình bày báo cáo “Sản xuất bán dẫn và những thách thức tại Việt Nam”
Ông Trịnh Khắc Huề (Công ty TNHH Qorvo Việt Nam) trình bày báo cáo “Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp và nhà trường”
TS. Đinh Anh Tuấn (Văn phòng Khoa học dữ liệu, đồng sáng lập Tập đoàn Cogitativo) trình bày báo cáo “Ứng dụng AI trong sản xuất bán dẫn: Hiện trạng và tương lai”
TS. Trịnh Công (Tập đoàn Vật liệu ứng dụng) với báo cáo “Kinh nghiệm nghiên cứu phát triển nhằm đáp ứng các yêu cầu của ngành bán dẫn và vi mạch”
Qua các báo cáo, phiên chuyên đề đã đưa ra những cơ hội thành công và phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam. Cụ thể là vị trí địa lý thuận lợi với việc liên kết thương mại từ nhiều nước, sự ổn định về chính trị và nền tảng công nghiệp điện tử tốt. Đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, sáng tạo và hơn 70 trường đại học về công nghệ liên quan đến STEM và đạt thứ hạng cao. Và Trường ĐH Công nghệ cũng là một trong những đơn vị đang từng bước nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn. Ngoài các đối tác với các doanh nghiệp trên toàn cầu và doanh nghiệp Việt Nam như Intel, Boeing, Samsung… Nhà trường còn tích cực mở chuyên ngành đào tạo hợp tác với Công ty LG Display trong lĩnh vực công nghệ hiển thị tiên tiến; dự kiến hợp tác đào tạo với doanh nghiệp và tuyển sinh thạc sĩ Thiết kế vi mạch vào năm 2024. Với việc mở rộng, phát triển trong lĩnh vực này, Hiệu trưởng Chử Đức Trình mong muốn ĐHQGHN nói chung và khu đô thị Hòa Lạc nói sẽ là một trong những điểm đến thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, khu công nghiệp, các địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã điểm lại kết quả hợp tác doanh nghiệp sau 01 năm kể khi từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 được tổ chức. Đồng thời, Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, sứ mệnh của ĐHQGHN là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng sản phẩm KH&CN phục vụ đời sống. Chính vì vậy, ĐHQGHN rất cần sự đồng hành của các đối tác doanh nghiệp, doanh nhân để hoàn thành sứ mệnh này.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, đối tác tiếp tục quan tâm, hợp tác với ĐHQGHN không chỉ trong tài trợ mà còn hỗ trợ đào tạo, tạo môi trường thực hành thực tập cho sinh viên, nghiên cứu chuyển giao giúp ĐHQGHN phát triển nhiều ngành kỹ thuật – công nghệ mới gắn với phát triển của doanh nghiệp.
Các sản phẩm của Trường ĐH Công nghệ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2023:
– Khoa Công nghệ thông tin: Hệ thống dịch máy đa ngữ UET – TS. Nguyễn Văn Vinh (Khoa Công nghệ thông tin); FastV – Nền tảng sáng tạo video trực tuyến ứng dụng công nghệ AI – TS. Trần Mai Vũ
– Trung tâm FIMO: PIVASIA: Hệ thống xúc tiến đầu tư FDI vào các khu công nghiệp Việt Nam – TS. Bùi Quang Hưng.
– Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa: Robot thu hái quả chín tự động– PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng
– Khoa Công nghệ nông nghiệp: Giống nấm bào ngư thương phẩm – TS. Hà Thị Quyến; Tinh dầu và hydrosol Hương nhu, Bạc hà, Sả chanh,… – TS. Hà Thị Quyến
– Khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano: Hệ thống LED chiếu sáng cho cây trồng giá trị cao và Các hệ thống giám sát thông minh trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ IoT – TS. Bùi Đình Tú
– Khoa Điện tử viễn thông: ADVC: Hệ thống mã hóa và giải mã video phân tán thế hệ mới; Bộ thực hành Trải nghiệm & Khám phá Robot – PGS.TS. Hoàng Văn Xiêm; Chip sinh học, ISFET – PGS.TS. Mai Anh Tuấn; Chip vi lưu tạo vi giọt và đóng gói tế bào – GS.TS. Chử Đức Trình.
– Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ micro và nano: Thiết bị la bàn điện tử độ chính xác cao dùng cho hàng hải – PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang; Linh kiện cảm biến đo từ trường đơn trục độ nhạy và độ phân giải cao dùng cho tích hợp mạch điện tử – PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang; Hệ thống thiết bị đo và định vị từ trường trái đất dựa trên hiệu ứng Từ giảo – Áp điện, tích hợp kỹ thuật định vị GPS phục vụ thăm dò và xây dựng bản đồ từ trường trái đất – PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang
Một số hình ảnh Trường Đại học Công nghệ tại triển lãm:
TS. Đinh Triều Dương – Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông (ngoài cùng, bên phải ảnh) giới thiệu về các sản phẩm công nghệ tiêu biểu của khoa
Nhiều sản phẩm công nghệ ứng dụng thực tiễn được trưng bày tại triển lãm
(UET-News)