Hội nghị công tác đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23 năm học 2018-2019

    Ngày 21/06/2019, Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo các chương trình chất lượng cao theo Thông tư 23/2014/TTBGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là CLC theo Thông tư 23) năm học 2018-2019 tại nhà E3.

    Tham dự Hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Anh Thái – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Chử Đức Trình- Phó Hiệu trưởng và các thành viên Ban điều hành các chương trình CLC theo Thông tư 23, lãnh đạo các đơn vị trong Nhà trường và đại diện cán bộ giảng viên tham gia giảng dạy trong các chương trình CLC theo Thông tư 23 của Trường ĐHCN.

    Hội nghị ghi dấu ấn đặc biệt với bài báo cáo tổng kết đào tạo CLC tại Trường ĐHCN cũng như các tham luận và trao đổi tới từ các khoa chuyên môn và các đơn vị chức năng của Nhà trường. Đây là dịp để các đơn vị trong trường cùng đánh giá một năm học triển khai đào tạo các chương trình trình đào tạo CLC theo Thông tư 23 tại Trường ĐHCN và đề ra những phương hướng, giải pháp nhằm không ngừng hướng tới mục tiêu phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, thực hiện sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong xu thế toàn cầu hóa.

    Với chiến lược đa dạng hóa ngành nghề và chương trình đào tạo, bên cạnh chương trình tiêu chuẩn, hiện nay Trường ĐHCN đang đào tạo 3 khóa sinh viên thuộc 02 chương trình CLC theo Thông tư 23 với tổng quy mô hơn 600 sinh viên. Từ năm 2019, ĐHQGHN đã phê duyệt thêm hai chương trình đào tạo CLC theo Thông tư 23 là Hệ thống thông tin và Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử với tổng 180 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019.

     Trường ĐHCN luôn thể hiện sự quyết tâm nỗ lực trong thực hiện sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng với sự phát triển không ngừng của nhu cầu xã hội. Các chương trình đào tạo CLC theo Thông tư 23 luôn thiết kế để gắn kết lý thuyết với thực hành, ứng dụng, tạo ra môi trường đào tạo quốc tế. Nhà trường duy trì Trường hè quốc tế tại Trường Đại học Công nghệ Chiba (Nhật Bản) cho sinh viên chương trình CLC theo Thông tư 23 với chỉ tiêu 10 sinh viên/1 năm. Dự kiến hè năm 2019, Nhà trường sẽ mở thêm lớp Trường hè thiết kế cho sinh viên nhằm giúp giúp sinh viên được phát triển một cách toàn diện và khám phá những tiềm năng của bản thân. Về công tác cố vấn học tập được tích cực triển khai, mỗi lớp khóa học có 1-2 cố vấn học tập đồng hành với sinh viên trong suốt khóa học. Nhà trường cũng tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi và định hướng chuyên môn sâu cho sinh viên CLC theo từng nhóm, hoặc các buổi seminar giới thiệu nghề nghiệp cho sinh viên được phối hợp tổ chức bởi văn phòng chương trình chất lượng cao cùng các khoa và doanh nghiệp.

     Tại buổi tổng kết, khoa Công nghệ thông tin (CNTT) và khoa Điện tử viễn thông (ĐTVT) đã chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện chương trình đào tạo CLC theo Thông tư 23. TS. Dương Lê Minh – Phó Chủ nhiệm khoa CNTT đã trình bày tham luận “Một số vấn đề về đào tạo CLC theo Thông tư 23 từ góc nhìn của khoa CNTT”. Từ năm 2016, khoa bắt đầu thực hiện đào tạo 01 chương trình đào tạo CLC theo Thông tư 23, đến năm 2019 khoa triển khai thêm 01 chương trình đào tạo CLC theo Thông tư 23. Hiện nay, tổng quy mô đào tạo sinh viên chương trình đào tạo CLC là 377 sinh viên. Tham luận thể hiện sự mong muốn mô hình chuẩn với công nghệ đào tạo, nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng tốt nhất để phù hợp mức cao đối với nhu cầu thị trường lao động. Đồng thời đề xuất một số giải pháp về các công tác phân cấp quản lý, giảng dạy, hỗ trợ sinh viên – văn phòng chất lượng cao và các khoa nhằm tăng cường chất lượng đào tạo.

TS. Dương Lê Minh – Phó Chủ nhiệm khoa CNTT đã trình bày tham luận “Một số vấn đề về đào tạo CLC theo Thông tư 23 từ góc nhìn của khoa CNTT”

TS. Nguyễn Thị Thanh Vân – Phó Chủ nhiệm khoa ĐTVT trình bày tham luận “Hoạt động giảng dạy thực hành, thực tập cho sinh viên hệ CLC” 

     Tiếp nối, tham luận về “Hoạt động giảng dạy thực hành, thực tập cho sinh viên hệ CLC” được trình bày bởi TS. Nguyễn Thị Thanh Vân – Phó Chủ nhiệm khoa ĐTVT, đã nhấn mạnh vào yêu cầu kỹ năng thực hành, thực tập cao đối với sinh viên CLC theo Thông tư 23. Khoa chú trọng vào hoạt động cải tiến phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể, khoa đang triển khai xây dựng các bài thực hành mới cho học phần Kỹ thuật điện, Linh kiện điện tử, Lập trình ghép nối máy tính, thực tập chuyên đề sử dụng các trang thiết bị mới được đầu tư trong Dự án tăng cường năng lực của khoa. Triển khai Phòng thực hành mở để sinh viên có thể tự học ngoài giờ học theo quy định; xây dựng không gian thực hành mở tại Hòa Lạc; có trợ giảng cho các học phần thực hành; mở rộng, đầu tư, nhân bản thêm các môđun thực hành và các trang thiết bị kèm theo

     Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy và thực hiện chương trình đào tạo CLC theo Thông tư 23 khoa CNTT và khoa ĐTVT đều nhận thấy có thực trạng là tính chủ động, niềm say mê yêu thích đối với các giờ thực hành còn thấp. Khối lượng giảng dạy cao, giờ giảng dạy thực hành chưa có cải tiến hay đột phá. Việc gắn kết các bộ môn và sinh viên chưa được tốt, từ đó khó nắm bắt được tình hình hay nhu cầu học tập của sinh viên.

ThS. Lê Thị Phương Thoa – Phó trưởng phòng Đào tạo đã có tham luận về nguồn tuyển sinh, chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo

     Để nâng cao hơn nữa chất lượng tuyển sinh, giảng dạy và đào tạo chương trình CLC theo Thông tư 23, ThS. Lê Thị Phương Thoa – Phó trưởng phòng Đào tạo đã có tham luận về nguồn tuyển sinh, chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo. Từ đó đề xuất một số biện pháp về lĩnh vực công tác như quản trị, số hóa cần xây dựng các quy định và chính sách về quyền và nghĩa vụ giảng viên, quy định đối với quyền và nghĩa vụ sinh viên CLC theo Thông tư 23…; nâng cao năng lực, dịch vụ quản lý; đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT. Đối với công tác học liệu, cần xây dựng tài liệu cho các môn học theo lộ trình đi từ các môn học cốt lõi trước; xây dựng tủ giáo trình, học liệu. Đối với công tác thực hành, thực tập cần có khoảng thời gian hai tuần học tập, trải nghiệm trên Hòa Lạc; khuyến khích sinh viên làm các tiểu dự án. Về nghiên cứu khoa học, từ năm thứ hai sinh viên sẽ được giới thiệu đến các bộ môn để được giảng viên hỗ trợ, bổ sung kiến thức và kỹ năng  cần thiết cho nghiên cứu khoa học; quy định bắt buộc số buổi sinh viên phải đi sự seminar. Xây dựng cơ chế tài chính tạo sự chủ động, khuyến khích các đối tượng tham gia.

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà phát biểu tại hội nghị

     Kết thúc hội nghị, Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh với những thế mạnh của Nhà trường, cùng tâm huyết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển Trường ĐHCN và sự quan tâm cũng như công tác đầu tư tốt nhất cho chương trình, Trường ĐHCN tin tưởng với các chương trình đào tạo CLC theo Thông tư 23 hướng tới chuẩn quốc tế, Nhà trường sẽ tiếp tục tạo ra nguồn nhân lực đạt trình độ cao, chất lượng cao đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước trên hành trình hội nhập, vươn ra quốc tế. Hiệu trưởng chỉ đạo, Ban điều hành cần giải quyết và triển khai nhanh các vấn đề liên quan đến thực hành, thực tập, cố vấn học tập cho sinh viên. Hoàn chỉnh hệ thống văn bản, quy định liên quan đến đào tạo CLC theo Thông tư 23, xử lý kịp thời, xuyên suốt, tránh trùng lắp công việc, giảm đầu mối tương tác tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan