Hội đồng Khoa học và Đào tạo phiên họp lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019

     Ngày 14/11, Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) đã tổ chức phiên họp lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019 thông qua nhiều nội dung quan trọng phát triển Trường ĐHCN. 

     Tham dự phiên họp gồm có các thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐHCN và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc. Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn.

      Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà đã thông tin ngắn gọn đến thành viên Hội đồng các nội dung cụ thể liên quan đến phiên họp lần này. Trong đó, gồm báo cáo tổng kết tình hình công tác đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2014-2019; đề án thành lập Văn phòng các chương trình đặc biệt; thành lập Bộ môn Kỹ thuật robot. Với sự dẫn dắt chỉ đạo về khoa họcvà đào tạo của các thành viên Hội đồng trong giai đoạn 2014-2019, Nhà trường đã đạt được thành tích trong việc phát triển chương trình đào tạo, triển khai hướng nghiên cứu và phát triển công tác tổ chức của Nhà trường. Hiệu trưởng bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp quý giá và tâm huyết của các thành viên Hội đồng trong thời gian qua và tiếp tục đề nghị các thành viên Hội đồng sẽ dành tâm huyết, trí tuệ tiếp tục tư vấn, góp ý cho Nhà trường về những chủ trương, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới.

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà phát biểu khai mạc tại hội nghị

PGS.TS.Trần Xuân Tú và PGS.TS. Nguyễn Phương Thái trình bày báo cáo công tác khoa học công nghệ và công tác đào tạo

      Tại hội nghị các đại biểu đã lần lượt lắng nghe PGS.TS. Trần Xuân Tú – Trưởng phòng KHCN&HTPT và PGS.TS. Nguyễn Phương Thái – Trưởng phòng Đào tạo trình bày báo cáo tổng kết hoạt động khoa học công nghệ và công tác đào tạo của nhà trường giai đoạn 2014-2019. Về khoa học công nghệ, PGS.TS. Trần Xuân Tú đã tóm tắt những chiếnlược, nội dung hoạtđộngtriểnkhaivàthành tích nổi bật trong năm qua cùng các chínhsách, quy định mới ban hànhvề đầu tư phát triển và khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ trong Nhà trường. Giai đoạn 2014-2019, Trường đã phát triển các tổ chức khoa học công nghệ phong phú, đa dạng, phát huy tính chủ động, hiệu quả trong hoạt động, gồm Viện tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ, 02 trung tâm nghiên cứu, 02 phòng thí nghiệm trọng điểm, 09 phòng thí nghiệm mục tiêu cấp khoa, 31 phòng thí nghiệm/bộ môn chuyên đề, 03 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN… Nhà trường xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ như hỗ trợ phát triển phòng thí nghiệm mục tiêu, nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng; kinh phí công bố công trình khoa học trên tạp chí quốc tế và hội nghị quốc tế uy tín; hoạt động sở hữu trí tuệ… Số lượng công trình khoa học công bố từ năm 2016 là 190 bài tăng lên 262 bài vào năm 2018. Nhiều cán bộ, sinh viên đạt giải thưởng khoa học công nghệ có tầm ảnh hưởng cao như giải thưởng Nhân tài Đất Việt (năm 2015, 2017, 2018); Giải thưởng Nhà nước (GS.TS. Nguyễn Hữu Đức và nhóm nghiên cứu), Giải thưởng Khoa học công nghệ ĐHQGHN, Giải thưởng khoa học công nghệ dành cho sinh viên (cấp Bộ GD&ĐT, cấp ĐHQGHN, quốc tế…). Về hợp tác phát triển, Nhà trường phát huy hiệu quả hợp tác Trường đại học – Viện nghiên cứu – Doanh nghiệp, cụ thể là Viện Cơ học, Tập đoàn Samsung, Toshiba, Đại học Chiba (Nhật Bản), Đại học Sydney (Úc)…

      Về công tác đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Phương Thái đã nhấn mạnh một số điểm nổi bật trong giai đoạn 2014-2019.Ở giai đoạn này, thách thức đối với Nhà trường là việc phát triển về quy mô đào tạo; đa dạng hóa lĩnh vực đào tạo theo định hướng chiến lược phát triển; tăng nguồn thu và duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của các thành viên hội đồng, Nhà trường đã đạt được những thành tích tiêu biểu trong đào tạo. Đặc biệt, Trường đã phát triển quy mô đào tạo từ 3.000 sinh viên lên 5.000 sinh viên. Đồng thời, Nhà trường đã đóng góp cho xã hội hơn 2.000 cử nhân/kỹ sư, hơn 500 thạc sĩ và 60 tiến sĩ. Về công tác tuyển sinh, hình thức tuyển sinh có nhiều thay đổi và được ĐHQGHN đánh giá cao trong công tác này. Dựa trên thế mạnh của Nhà trường và đáp ứng nhu cầu xã hội, đến nay Trường đã có thêm các chương trình đào tạo, gồm ngành Kỹ thuật máy tính, Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật năng lượng, Kỹ thuật robot, Công nghệ nông nghiệp, Công nghệ hàng không vũ trụ, Công nghệ kỹ thuật xây dựng.Bên cạnh đó, quy mô đào tạo chương trình chất lượng cao Thông tư 23 từ năm 2016 là 52 sinh viên đã tăng lên hơn 1.000 sinh viên vào năm 2019.

      Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe TS. Tô Văn Khánh – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ trình bày Đề án thành lập Văn phòng các chương trình đặc biệt và TS. Đinh Triều Dương báo cáo Đề án thành lập Bộ môn Kỹ thuật robot.

Các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến tích cực về đào tạo và khoa học công nghệ

      Các ủy viên Hội đồng đã nghe, thảo luận và biểu quyết thông qua một số nội dung quan trọng, liên quan đến hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ trọng tâm của Trường ĐHCN – ĐHQGHN. Đó là, nhất trí thông qua chủ trương thành lập Bộ môn Kỹ thuật robot.

     Kết thúc phiên họp, PGS.TS Nguyễn Việt Hà – Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT Trường Đại học Công nghệ đã tóm lược những ý kiến trao đổi, góp ý, tư vấn của các thành viên trong Hội đồng. Các tư vấn này sẽ được chuyển tới Ban Giám hiệu để làm căn cứ chỉ đạo các hoạt động khoa học và đào tạo của trường trong năm học mới nhằm đạt được các mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra.

Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan