Hoàn thành tốt việc kiểm định Chương trình đào tạo Cử nhân ngành Khoa học Máy tính theo chuẩn AUN-QA
Ngày 08/05/2014, tại Lễ bế mạc chương trình kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học ngành Khoa học Máy tính theo tiêu chuẩn kiểm định của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN-QA), PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình- Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ khẳng định: “Trường sẽ không ngừng cải thiện chất lượng các chương trình đào tạo để đưa các chương trình này ngày càng đạt chất lượng cao”.
Tham gia đợt đánh giá này có PGS.TS Nantana Gajaseni – Giám đốc điều hành AUN; ông Korn Ratanagosoom – đại diện ban Thư ký AUN; các chuyên gia: GS.TS Fauza Ab. Ghaffar – ĐH Malaya, Malaysia, PGS.TS Brian Canlas Gozun -ĐH De La Salle, Philippine.
Tham dự gồm PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN; GS.TS Mai Trọng Nhuận – Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng ĐHQGHN; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các ban chức năng, các trường, khoa, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN, cùng Ban Giám hiệu, các cán bộ, giảng viên và đại diện lãnh đạo khoa CNTT, Trường ĐH Công nghệ.
Tại phiên bế mạc, GS.TS Fauza Ab. Ghaffar, Đại học Malaya, Malaysia – trưởng đoàn đánh giá đã tổng kết lại 15 tiêu chí mà đoàn đã tiến hành khảo sát và đánh giá tại nhà trường. Chương trình được xây dựng theo các tiêu chí quốc tế, thuộc đề án Nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN, đoàn chuyên gia đánh giá cao nội dung chương trình đào tạo được cập nhật thường xuyên; các hoạt động đào tạo hướng vào người học là trung tâm; cán bộ, giảng viên hướng dẫn, hỗ trợ tích cực cho sinh viên; hầu hết các môn học thuộc chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh (có các giáo sư nước ngoài tham gia giảng dạy); cán bộ, giảng viên được tạo cơ hội học tập, nghiên cứu để không ngừng mở rộng kiến thức và nâng cao năng lực; các nhà tuyển dụng đánh giá cao những sinh viên tốt nghiệp với năng lực và khả năng ngoại ngữ tốt.
Để nâng cao chất lượng chương trình hơn nữa, chuyên gia đánh giá ngoài AUN đề nghị một số tài liệu hướng dẫn của chương trình nên được dịch sang tiếng Anh cho phù hợp với chương trình chuẩn quốc tế; tuyển thêm một số giảng viên nước ngoài đến giảng dạy; cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các phòng thí nghiệm; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động kết hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học…
Nhân dịp này, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Bình đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo, các Ban của ĐHQGHN và Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục đã chỉ đạo, hỗ trợ và phối hợp không chỉ trong đợt kiểm định lần này mà còn trong toàn bộ quá trình phát triển của nhà trường, giúp đỡ nhà trường hoàn thành các nhiệm vụ và sứ mệnh của mình.
Ông Lê Mỹ Phong, đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá cao những hoạt động tích cực của AUN những năm qua trong đó có sự tham gia tích cực của các cơ sở đại học hàng đầu Việt Nam, tiên phong là ĐHQGHN và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Bộ GD&ĐT tin rằng hoạt động kiểm định sẽ hỗ trợ hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần đưa ĐHQGHN nói riêng và các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam nói chung từng bước khẳng định mình và hội nhập quốc tế. Đại diện Bộ GD&ĐT mong rằng AUN sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học khác của Việt Nam tham gia vào mạng lưới cũng như hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên trong thời gian tới.
Tổng kết chương trình đánh giá, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn – Phó giám đốc ĐHQGHN đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Đoàn đánh giá ngoài của AUN. Đồng thời, đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương của Đoàn đánh giá cũng như tinh thần tiếp thu những ý kiến đóng góp của trường ĐH Công nghệ. Đồng thời Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, những nhận định, đánh giá về điểm mạnh và nội dung cần cải tiến của 2 chương trình là nhằm góp phần đưa chất lượng chương trình ngày càng tốt hơn. Các hoạt động hậu kiểm định cần được đơn vị đầu tư và tiến hành kỹ lưỡng để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ.
(UET-News)
Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA hiện nay có 15 tiêu chuẩn với 68 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức là: 1= Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, phải có giải pháp khắc phục ngay lập tức; 2= Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, cần có những giải pháp khắc phục; 3= Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, cần có những giải pháp khắc phục; 3= Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, nhưng chỉ cần có giải pháp khắc phục nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu; 4= Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 5= Đáp ứng tốt yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 6= Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 7= Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí đánh giáViệc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN nhằm giúp các trường biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Tiếp nữa, để phát hiện chương trình còn tồn tại những gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN.