GS.VS Nguyễn Văn Hiệu: Nhà khoa học dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu phục vụ nhân sinh, dân tộc
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu thuộc thế hệ các nhà khoa học đầu đàn của nền khoa học cách mạng Việt Nam, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu phục vụ nhân sinh, dân tộc. Vừa là nhà khoa học, nhà quản lý đồng thời ông cũng là một nhà giáo đầy nhiệt huyết, luôn trăn trở tìm lời giải đáp cho sự phát triển của nền giáo dục, khoa học đất nước.
Tuổi thơ nhung nhớ
Sinh ra trong một gia đình trí thức cách mạng vào đúng những năm tháng đất nước loạn lạc, hình ảnh người mẹ gánh hai đứa em trong hai cái thúng theo sau là 5 đứa trẻ con lếch thếch trên đường tản cư đã in đọng trong tâm trí cậu bé Nguyễn Văn Hiệu. “Mẹ tôi đã nuôi tuổi thơ tôi bằng cơm độn ngô, độn sắn ăn với rau khoai luộc và chút mắm tép trên đường chạy giặc. Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao ngay từ những ngày đầu mới giành được độc lập mà ở đâu cũng có trường để chúng tôi theo học. Còn những tình cảm của người dân vùng chúng tôi tản cư thì thật tuyệt vời. Phải nói một cách đúng mức, ngày đó chúng tôi sống được là nhờ tấm lòng của bà con. Họ đã nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc chúng tôi như những người ruột thịt. Tôi cũng không lý giải được tại sao ngày ấy nhân dân ta lại có niềm tin mãnh liệt như thế. Nhà cửa để lại, gia tài để lại, cứ đi như không có điểm dừng và cũng không biết đến bao giờ nhưng lòng vẫn tin chắc chắn kháng chiến sẽ thắng lợi, sẽ có ngày trở về quê hương…” – ông mở đầu câu chuyện về ký ức xa xăm bằng giọng kể bùi ngùi. Tuy nổi tiếng thông minh nhưng con đường học hành của cậu học trò Nguyễn Văn Hiệu không được suôn sẻ. Năm 1948, ông phải bỏ dở do trường ở xa, nhà lại neo người. Năm 1949, tản cư vào Thanh Hóa, ông tiếp tục theo học nhưng phải giúp mẹ làm rất nhiều nghề để sinh nhai và đến năm 1952, ông lại phải nghỉ học để giúp mẹ nuôi dạy các em. Nhiều hôm nhớ thầy, nhớ bạn, cậu bé Hiệu lặng lẽ khóc một mình. Ông chìa cho tôi xem bàn tay bị mất một đốt, kỉ niệm những ngày phải bỏ học vào rừng lấy lá sim về nhuộm sợi. Hình như đến bây giờ, ông vẫn không quên được những bát cơm một hạt gạo cõng mấy lát khoai khô và nồi cơm hết nhẵn khi hãy còn nóng hôi hổi…
Tính khiêm tốn và lòng biết ơn
Là một tài năng lớn nhưng GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là người rất khiêm tốn và điều đặc biệt ở ông là sự biết ơn. Hơn một lần ông khẳng định với tôi rằng, ông không phải là người có tài năng mà chỉ là nhờ vào sự may mắn và tính cần cù, chăm chỉ. Lý giải điều này, ông kể rằng kỳ thi vào Trường Đại học Sư phạm năm 1954, điểm của ông rất thấp, đứng thứ 135/150 thí sinh trúng tuyển (do ông phải thi cùng với những người học hệ 12 năm ở Hà Nội). Thế nhưng, chỉ một năm sau đó, nhờ nỗ lực phấn đấu, ông đã đứng thứ nhì sau ông Vũ Thanh Khiết (sau này là lãnh đạo NXB Giáo dục). Do học hai năm ba lớp, nên năm 1956 các ông đã tốt nghiệp đại học. Vào thời điểm đó, hàng loạt các trường đại học được mở ra nên đến 1/3 số sinh viên trong khoá được giữ lại làm giảng viên, việc ông ở lại trường là điều bình thường. Không chỉ khiêm tốn, ở ông còn toát lên lòng biết ơn sâu sắc với tất cả những ai đã giúp ông trên con đường khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Dupna và Nhà nước, nhân dân Liên Xô. “Năm 1960, Nhà nước Việt Nam cử tôi sang Liên Xô nghiên cứu nhưng thực chất là đào tạo vì chúng ta chưa có bộ môn này nên chẳng mấy ai hiểu gì về nó. Tại đây, may mắn là tôi đã có được môi trường nghiên cứu tuyệt vời với những người thầy tuyệt vời. Phải nói thẳng, những thành công của tôi trên con đường khoa học là nhờ Nhà nước Liên Xô và những người thầy Xô Viết lỗi lạc. Tôi như tờ giấy trắng được các họa sĩ tài năng vẽ lên”.
“Phải chăng thầy quá khiêm tốn?”, tôi hỏi. “Không phải là tôi khiêm tốn mà là sự thật. Tôi chỉ là người đá quả bóng đã được đặt trước khung thành. Những nhà khoa học Liên Xô khi đó là những người lỗi lạc nhất thế giới. Trước đó, đã có bao nhiêu nhà khoa học, những công nhân lành nghề đổ công sức để làm nên cỗ máy và cỗ máy đó được giao cho 5 người chúng tôi sử dụng, điều hành”. “Liệu thầy có quá lời?”. “Không. Tôi là sản phẩm của sự sáng suốt, biết nhìn xa, trông rộng của Đảng ta, Nhà nước ta lúc bấy giờ. Việc cử một thanh niên 22 tuổi sang một trung tâm khoa học lớn nhất thế giới đào tạo là một minh chứng cho cách nhìn đúng đắn, tin tưởng vào lớp trẻ của Đảng và Nhà nước. Chính ý chí của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi đó đã “bắn” chúng tôi lên quỹ đạo. Tôi rất mong ý chí đó, cách nhìn xa trông rộng đó ngày một phát triển” – GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cười thanh thản.
Nhà khoa học uyên bác
Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Nguyễn Văn Hiệu thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Khoa học và theo học ngành Vật lý với mong muốn trở thành giáo viên. Năm 1956, khi tròn 18 tuổi, với kết quả tốt nghiệp xuất sắc, tân cử nhân Nguyễn Văn Hiệu được phân về giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau 4 năm giảng dạy tại Khoa Vật lý, tháng 10/1960, cùng gần 30 tân cử nhân khác, Nguyễn Văn Hiệu được gửi đi nghiên cứu tại Liên Xô. Trong thời gian nghiên cứu và học tập tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Đúpna – Liên Xô, tiềm năng trí tuệ của Nguyễn Văn Hiệu được phát huy hiệu quả. Sự bền bỉ nghiên cứu khoa học và say mê sáng tạo của nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Hiệu đã cảm phục được các giáo sư người Nga. Trong hai năm 1961 đến 1963, Nguyễn Văn Hiệu đã hoàn thành nhiều công trình về lý thuyết tương tác yếu giữa các hạt cơ bản – một trong những lĩnh vực nghiên cứu đang có “tính thời sự” lúc đó. Những nghiên cứu của ông đã gây một tiếng vang rộng lớn trong các nhà vật lý khi chứng minh được các hệ tiệm cận của các biên độ tán xạ. Kết quả lý thú nổi bật này giúp nhà vật lý trẻ tuổi Việt Nam Nguyễn Văn Hiệu bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ chỉ một năm sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ. Khi ấy, Nguyễn Văn Hiệu vừa tròn 26 tuổi, là tiến sĩ trẻ tuổi nhất của Việt Nam và Liên Xô. Cùng năm đó, TS. Nguyễn Văn Hiệu được đặc cách công nhận chức danh Phó Giáo sư. Chỉ bốn năm sau, năm 1968, Nguyễn Văn Hiệu được phong học hàm Giáo sư khi vừa tròn 30 tuổi và là vị giáo sư trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam.
Năm 1969, GS. Nguyễn Văn Hiệu trở về Việt Nam. Lúc này, Chính phủ đang chủ trương thành lập một số viện nghiên cứu khoa học. Ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Vật lý, trở thành Viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam. Đầu tháng 5/1975, GS. Nguyễn Văn Hiệu được cử làm đại biểu Quốc hội và được tháp tùng đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đi thị sát các tỉnh phía Nam. Ngày 4/7/1975, Trung ương Cục miền Nam Việt Nam ra quyết định thành lập Viện Khoa học Kỹ thuật miền Nam trực thuộc Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và cử GS. Nguyễn Văn Hiệu làm Viện trưởng. Với đội ngũ các nhà khoa học rất ít ỏi, ông lại bắt tay vào gây dựng một cơ ngơi mới. Tháng 6/1976, sau ngày cả nước đi bầu Quốc hội lần đầu tiên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, GS. Nguyễn Văn Hiệu trở ra Bắc để đảm nhận chức vụ Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Đến năm 1983, ông trở thành Viện trưởng. Từ năm 1993, ông là Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu.
Năm 1999, nhận lời mời đặc biệt của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.VS Nguyễn Văn Đạo – người đồng nghiệp đã gắn bó với ông nhiều năm trên quãng đường công tác, ông trở về ngôi nhà chung Đại học Quốc gia Hà Nội – nơi ông đã từng học tập và giảng dạy khi mới bắt đầu sự nghiệp – đảm đương chức vụ Chủ nhiệm Khoa Công nghệ. Năm 2004, Trường Đại học Công nghệ – một mô hình trường đại học công nghệ hiện đại trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực được thành lập, và ông lại là người Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này. Suốt những năm tháng qua, tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường vẫn luôn khắc ghi hình ảnh vị giáo sư tóc đã bạc luôn say sưa trong các bài giảng, thân tình cởi mở và thẳng thắn trong đời sống thường nhật với tất cả mọi người.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nhận quyết định thành lập Trường Đại học Công nghệ năm 2004
Bậc thầy tri âm của các nhà khoa học trẻ
Là một người gắn bó và trưởng thành cùng với sự phát triển của nền khoa học và giáo dục Việt Nam, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đồng thời là một người quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục và việc đào tạo thế hệ trẻ. Không ít người trong ngành giáo dục đã biết đến những đóng góp mang ý nghĩa quan trọng của ông khi ông còn là đại biểu Quốc hội. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là uỷ viên Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII và là đại biểu Quốc hội nhiều khoá. Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc nhìn nhận cần có cải cách tiền lương cho ngành giáo dục. Theo ông, để đảm bảo sự công bằng cho đội ngũ những “người đứng bục” cần có các mức phụ cấp khác nhau cho từng đối tượng làm công tác giảng dạy: phụ cấp dành cho giảng viên – thạc sĩ phải có sự khác biệt với giảng viên – tiến sĩ hoặc giáo sư. Gắn bó nhiều năm với giảng đường đại học, ông không ngừng suy nghĩ và trăn trở về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ông cho rằng: “Chất lượng giảng dạy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất. Yếu tố thứ nhất là người học muốn học và có động cơ học tập chân chính: học để hiểu biết, thành người có tài phục vụ cho xã hội và làm giàu cho bản thân. Yếu tố thứ hai là người thầy. Để học trò đạt được những mơ ước chân chính cần phải có những người thầy hết sức tâm huyết, muốn giúp cho học trò của mình đạt được điều đó”. Trong cương vị một người thầy, ông có một mong muốn thật giản dị nhưng rất thiết thực với đời sống: “Làm sao giảng dạy được cho các học trò của mình: nếu là kỹ sư trong nhà máy thì làm việc thật tốt, nếu là nhà khoa học thì có nhiều phát minh, nếu là thầy giáo thì giảng bài thật hấp dẫn và truyền thụ được nhiều kiến thức cho học trò…”.
Gần 60 năm gắn bó với khoa học và giảng đường đại học, nhưng ở ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết cho nhiều kế hoạch lớn. Ông vẫn nhận lời đi giảng dạy cho nhiều trường đại học lớn trên thế giới. Đặc biệt, ông là ân nhân, là người bạn sắt son, tri kỉ của nhiều nhà khoa học trẻ. Tuy nhiên, đối với khoa học nước nhà, GS. Hiệu cũng không khỏi băn khoăn và hy vọng: Tôi mong các bạn khoa học trẻ hãy nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học, thời cơ mới cho sự phát triển tài năng của các bạn đang đến, các bạn hãy cùng với lớp người khoa học đã trưởng thành chúng tôi nắm bắt thời cơ đó”.
NGUYỄN TẤN MINH – Ảnh: Bùi Tuấn – Bản tin ĐHQGHN số 272 + 273