Góp ý văn kiện Đại hội Đảng XIII: Nhóm nghiên cứu mạnh – giải pháp đột phá về chất lượng giáo dục đại học

   Đó là góp ý của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Trưởng ban Đào tạo (ĐHQGHN) tới văn kiện Đại hội Đảng XIII về lĩnh vực giáo dục đại học.

   GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những nhà khoa học xuất sắc góp phần định danh nền khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam trên bản đồ KHCN thế giới.

   Năm 2020, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức lọt vào top 10.000 các nhà khoa học có ảnh hưởng hàng đầu thế giới và đứng đầu trong danh sách các nhà khoa học đang làm việc ở Việt Nam  theo bảng xếp hạng của Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ.

   Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới, chia sẻ về vấn đề khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo của nước nhà, GS. Nguyễn Đình Đức đề xuất thúc đẩy các nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học như một trong những giải pháp đột phá nâng cao tiềm lực, hiệu quả hoạt động KHCN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đạt chuẩn mực quốc tế.

   Nhóm nghiên cứu – môi trường khoa học thuận lợi nhất để các nhà khoa học trao đổi học thuật

   Có thể đánh giá hoạt động KHCN thời gian qua đã có những bước phát triển đột phá rất đáng tự hào. Trong đó có  công bố quốc  của Việt Nam trong năm vừa qua tăng vượt bậc, bằng số liệu các công bố của 5 năm trước cộng lại.

   Hoạt động KHCN nước ta cũng hướng tới thực tiễn nhiều hơn. Trước kia, nhiều đề tài nghiên cứu làm xong cất ngăn kéo nhưng giờ yêu cầu phải gắn liền với thực tiễn. Chính vì thế, đã có nhiều đề tài giải quyết thành công những yêu cầu của thực tiễn và doanh nghiệp như một số kết quả trong lĩnh vực chuyển đổi số, truyền thông (5G), nông nghiệp, dược phẩm, công nghệ sinh học, … hoặc như trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe – dịch Covid-19 vừa rồi, nước ta đã bước đầu chế tạo được vắc xin.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội

   Chúng ta cũng đã có những thành công tuyệt vời về ghép tạng. Những thành tựu đó cho thấy Việt Nam có những kết quả nghiên cứu không thua kém so với thế giới.

   Bên cạnh đó, các chính sách về quản lý KHCN cũng ngày càng được đổi mới, giảm thủ tục hành chính, tăng tính tự chủ và khoán từng phần, từ đó ngày càng thúc đẩy hiệu quả các hoạt động KHCN trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo.    

   Trong giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học luôn gắn kết chặt chẽ với đào tạo. Đào tạo thông qua nghiên cứu và nghiên cứu khoa học để tiếp cận đỉnh cao của trí thức, từ đó quay trở lại đào tạo với chất lượng cao, trình độ cao. Vì vậy, sự hình thành các nhóm nghiên cứu (NNC) trong các trường đại học như một lẽ tự nhiên và tất yếu.

   Danh tiếng của các trường đại học lớn trên thế giới thường được gắn với tầm vóc các công trình khoa học và tên tuổi của các nhà khoa học lớn. Nhà khoa học muốn phát triển được ý tưởng khoa học, xây dựng được trường phái học thuật của mình hoặc giải quyết được một vấn đề khoa học liên ngành phải thiết lập được nhóm cộng sự và học trò, tức là phải xây dựng được nhóm nghiên cứu.

   Đến lượt mình, nhóm nghiên cứu lại là môi trường khoa học thuận lợi nhất để các nhà khoa học trao đổi học thuật, tập hợp lực lượng và cùng nhau tiếp cận, giải quyết các vấn đề mới của khoa học, và qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN, đào tạo nghiên cứu sinh.

   Nhóm nghiên cứu chính là mô hình và môi trường gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với đào tạo và có thể triển khai đào tạo theo cá thể hóa.

   Từ thực tiễn xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và kết cấu tiên tiến của tôi ở ĐHQGHN trong nhiều năm qua cho thấy nhóm nghiên cứu còn là môi trường thu hút các nhà khoa học có chuyên môn gần để phát triển môi trường học thuật chuyên sâu, hoặc thu hút các nhà khoa học của nhiều ngành, nhiều cơ quan, nhiều quốc gia khác nhau để tập trung trí tuệ và sức lực giải quyết một vấn đề có tính liên ngành, từ đó có thể tiếp cận trình độ và chuẩn mực quốc tế.

   Thông qua nhóm nghiên cứu tăng cường công bố quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo tiến sĩ, nâng cao chất lượng đội ngũ. Các nhóm nghiên cứu làm nên những trường phái khoa học của các trường đại học.

   Cũng từ kinh nghiệm của các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước có tiềm lực KHCN mạnh và phát triển rất nhanh, cho thấy nhóm nghiên cứu mạnh là một trong những phương thức để từ đó hình thành nhà khoa học đầu ngành.

   Nhóm nghiên cứu mạnh là nòng cốt cho việc xây dựng và thực hiện các mũi nhọn nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm nghiên cứu cụ thể, mang tính trường phái. Do vậy, một mặt, nhóm nghiên cứu mạnh vừa là môi trường để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và các nhà khoa học đầu ngành; mặt khác, nhóm nghiên cứu mạnh cũng chính là “tổ ấm” – là môi trường để thu hút các nhà khoa học đầu ngành và các nhân tài trong và ngoài nước đến làm việc.

   Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

   Nhóm nghiên cứu có vai trò cực kỳ quan trọng từ triển khai nghiên cứu đến đào tạo, chế thử, kết nối nhà khoa học với Nhà nước, doanh nghiệp và là cái nôi thúc đẩy sự ra đời của các phát minh, sáng chế và sản phẩm mới, và còn là môi trường để thúc đẩy khởi nghiệp.

Nhóm nghiên cứu Vật liệu và kết cấu tiên tiến trở thành nhóm nghiên cứu mạnh Đại học Quốc gia Hà Nội

   Nhóm nghiên cứu chính là tế bào của hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo trong nhà trường. Việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu trong trường đại học và có tính tất yếu. Nhóm nghiên cứu vừa là phương thức, vừa là mục tiêu phát triển của các trường đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, trong đó với Việt Nam không là ngoại lệ.

   Vì vậy, để phát triển tiềm lực, nâng cao chất lượng hoạt động KHCN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, để nguồn nhân lực và KHCN thực sự là “chiếc đũa thần” đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, thì xây dựng và phát triển được các nhóm nghiên cứu mạnh phải được xem như là một trong những giải pháp đòn bẩy đột phá.

   Rất nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu của Việt Nam đã nhận thức đầy đủ vai trò của NNC và chủ động có những chính sách của đơn vị để đầu tư cho nhóm nghiên cứu. Đặc biệt sự ra đời của Luật Khoa học công nghệ, cũng như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ giáo dục và Đào tạo đã đặc biệt quan tâm và có chính sách phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.

   Tuy nhiên, đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh còn cầm chừng và nhỏ giọt, một số chính sách còn chưa thông thoáng và chưa đi được vào cuộc sống, và vì vậy chưa thực sự tạo nên đột phá.

    Chính vì vậy, tôi mong muốn Đại hội lần này, Đảng và Nhà nước sẽ thực sự chú trọng và quan tâm hơn nữa, có những chủ trương và chính sách mạnh hơn nữa, đầu tư thỏa đáng hơn nữa với các nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học để từ đó làm nên những cú húych tăng trưởng nhảy vọt trong hoạt động KHCN và giáo dục đại học của nước nhà.

Theo Báo điện tử Dân trí

Bài viết liên quan