Giáo sư của Trường Đại học Công nghệ trở thành một trong những gương mặt ấn tượng ngành giáo dục Việt Nam 2020

   Năm 2020, ngành giáo dục Việt Nam gặt hái được nhiều thành công, các trường đại học, nhà khoa học, giáo viên liên tục xuất hiện trong các bảng xếp hạng quốc tế. Ngoài những gương mặt ấn tượng của giáo dục Việt Nam 2020 được nhắc đến trong bài viết “Những gương mặt ấn tượng của giáo dục Việt Nam 2020″ do VTC-News tổng hợp như cô Hà Ánh Phượng, top 10 giáo viên toàn cầu; thủ khoa khối A từng bỏ học 3 năm; nam sinh 10 năm cõng bạn đến trường… 

  Theo đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng là một trong những gương mặt ấn tượng của giáo dục năm 2020.

   Năm 2020, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong những nhà khoa học thuộc top  “ảnh hưởng nhất thế giới” theo bảng xếp hạng do Tạp chí PLoS Biology của Mỹ. GS. TSKH. Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN – xếp hạng 5798 thế giới. Giáo sư là chuyên gia về Cơ học, vật liệu và kết cấu tiên tiến, hiện là Trưởng Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông; Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam và là Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Cơ học của Việt Nam. Giáo sư đã công bố gần 300 bài báo, báo cáo, công trình khoa học, trong đó có hơn 150 bài trên các tạp chí quốc tế ISI, ngoài ra, ông còn là tác giả của 1 bằng phát minh, 1 bằng sáng chế trong lĩnh vực vật liệu mới.

   Tác giả của công bố này là nhóm Metrics của Jeroen Baas và các cộng sự. Theo đó, nhóm tác giả đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến 2019 trong 7 triệu nhà khoa học và lọc ra danh sách 100.000 người có ảnh hưởng nhất.

   Tiếp theo kết quả nghiên cứu của năm trước, Tạp chí PLoS Biology đã cập nhật dữ liệu tới hết năm 2019 và công bố xếp hạng thông qua nghiên cứu “Updated science-wide author databases of standardized citation indicators” của Jeroen Baas và cộng sự.

   Nghiên cứu không có sự thay đổi trong công cụ đo lường khi nhóm nghiên cứu vẫn xây dựng cơ sở dữ liệu của 100.000 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất (từ nguồn dữ liệu của Scopus) và xếp hạng của họ dựa vào sáu chỉ số về trích dẫn: tổng số trích dẫn; chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index; số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất (single author); số trích dẫn cho các bài báo là tác giả duy nhất hoặc tác giả đầu tiên (first author) và số trích dẫn cho các bài báo là tác giả duy nhất, đầu tiên hoặc cuối cùng (last author).

   Cùng với đó, các nhà khoa học được phân chia vào 22 lĩnh vực khoa học và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành).

   Những kết quả đáng tự hào này khẳng định sự lớn mạnh và vị thế của các nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế. Và cũng là thành quả của sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học của Việt Nam trong những năm gần đây.

Theo VTC News

Bài viết liên quan