Giải thưởng Quả Cầu vàng năm 2023: TS. Lê Đình Anh định hướng các nghiên cứu về năng lượng và năng lượng tái tạo

Vượt qua nhiều ứng viên xuất sắc, TS. Lê Đình Anh – giảng viên trẻ Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ – Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trở thành một trong 10 gương mặt đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu vàng (gọi tắt là Giải thưởng Quả Cầu vàng) năm 2023 trong lĩnh vực công nghệ môi trường. Tiến sĩ đã có 25 bài báo ISI/Scopus indexed và 22 bài báo trên các tạp chí uy tín trong nước cũng như hội nghị quốc gia, quốc tế cùng nhiều thành tích khen thưởng khác.

Giải thưởng Quả Cầu vàng có ý nghĩa như thế nào đối với Tiến sĩ nói riêng và các nhà khoa học nói chung?

Ngay khi nhận được thông tin bản thân có tên trong danh sách TOP19 đề cử Giải thưởng Quả Cầu vàng là tôi đã khá bất ngờ, và niềm vui nhân đôi khi tôi nhận được thông tin là 1 trong 10 cá nhân được nhận giải năm nay. Tôi cùng nhóm nghiên cứu đều rất bất ngờ khi các ứng cử viên năm nay đều rất xuất sắc với nhiều thành tích công bố khoa học và bằng sang chế chất lượng.

Giải thưởng Quả cầu vàng là giải thưởng danh giá và cao quý do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí minh và Bộ Khoa học Công nghệ xét chọn từ danh sách các tài năng trẻ trong và ngoài nước. Giải thưởng này là sự ghi nhận những nỗ lực trong nghiên cứu đối với các nhà khoa học nói chung và cá nhân tôi nói riêng. Đồng thời, giải thưởng này cũng là nguồn khích lệ động viên để chúng tôi tiếp tục phát triển, định hướng nghiên cứu trong tương lai.  

TS. Lê Đình Anh – giảng viên Viện Công nghệ Hàng vũ trụ

Hiện nay, Tiến sĩ và nhóm nghiên cứu đang có định hướng nghiên cứu sản phẩm nào trong lĩnh vực công nghệ môi trường?

Hiện nay, tôi cùng nhóm nghiên cứu đang tập trung vào 3 lĩnh vực là:

– Nghiên cứu về hiện tượng xâm thực trong máy và thiết bị thủy lực, trong đó có các thiết bị liên quan trực tiếp đến Công nghệ hàng không vũ trụ như: động cơ tên lửa, bơm, vòi phun nhiên liệu,…;

– Nghiên cứu giảm cản cho thiết bị và phương tiện bay, phương tiện công cộng;

– Nghiên cứu năng lượng tái tạo với định hướng chính về cải tiến tua-bin gió trục đứng. Đây cũng là định hướng nghiên cứu cấp thiết và nhận được học bổng từ Quỹ Phát triển ĐHQGHN.

Tôi và nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc nghiên cứu phát triển biên dạng cánh giúp nâng cao công suất khí động cho tua-bin gió trục đứng Savonius. Các kết quả của nghiên cứu đã được ghi nhận bằng các công bố trên các tạp chí ISI uy tín trong ngành. Bên cạnh đó, biên dạng cánh phát triển đã và đang được xây dựng nguyên mẫu để thử nghiệm thực tế. Đây có lẽ là các sản phẩm mà tôi và nhóm nghiên cứu cảm thấy tâm đắc bởi hai lý do: Đó là tôi đã phát triển được hướng nghiên cứu mới bên cạnh định hướng hướng nghiên cứu cơ bản đã và đang thực hiện kể từ khi học cao học và nghiên cứu sinh ở Nhật Bản. Tiếp đó, sự thành công của nghiên cứu có thể hứa hẹn tiềm năng áp dụng trong thực tế, đặc biệt hướng đến hỗ trợ an sinh xã hội.

TS. Lê Đình Anh (áo đỏ) cùng các cán bộ Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ triển khai “Nghiên cứu cải tiến công suất khí động cho tuabin gió Savonius”

Vừa là một nhà nghiên cứu, vừa là một giảng viên trẻ, theo Tiến sĩ yếu tố nào giúp thúc đẩy, nuôi dưỡng đam mê của bản thân và các bạn trẻ hiện nay? 

Từ khi trở thành thành viên của Trường ĐH Công nghệ, tôi luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các thầy cô lãnh đạo của trường, sự hỗ trợ và tạo điều kiện nghiên cứu của các thầy trong Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ để phát triển nghiên cứu. Đây là điều kiện quan trọng cho sự phát triển của các thầy cô trẻ khi mới về đơn vị công tác như tôi. Bên cạnh đó là môi trường làm việc năng động và bề dày truyền thống của trường với các thành tích xuất sắc của nhiều nhà giáo lão thành.

Hiện nay, có rất nhiều yếu tố từ xã hội có thể ảnh hưởng đến định hướng của giới trẻ, đặc biệt khi các bạn trẻ gặp phải những điều kiện không thuận lợi. Vì vậy để nuôi dưỡng được đam mê, các bạn trẻ cần có sự kiên định, biết cân bằng giữa thời gian học tập, công việc và các yếu tố khác trong cuộc sống. Các bạn trẻ không nên quá lo lắng về việc mình “sẽ trở thành người như thế nào” mà trước tiên nên quan tâm đến việc mình “sẽ làm cái gì”.

Tiến sĩ có thể chia sẻ những dự định về nghiên cứu và giảng dạy trong thời gian tới?

Giải thưởng Quả Cầu vàng là động lực to lớn để tôi tiếp tục tham gia nghiên cứu, giảng dạy và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, tôi sẽ từng bước gây dựng phát triển nhóm nghiên cứu với nòng cốt là các bạn sinh viên trẻ có đam mê nghiên cứu khoa học. Đồng thời bên cạnh nghiên cứu cơ bản, tôi cùng nhóm nghiên cứu sẽ đẩy mạnh nghiên cứu có khả năng ứng dụng thực tế phục vụ xã hội. Đây cũng là định hướng mà tôi và nhóm nghiên cứu đang dần phát triển hiện nay.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.

(UET-News)

Bài viết liên quan:

Nghiên cứu cải tiến tuabin gió Savonius – cơ hội sử dụng năng lượng tái tạo

Bài viết liên quan