Ứng dụng không gian hyperbolic cho đồ thị động trong Toán học đạt giải Nhất giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên cấp ĐHQGHN
Bắt đầu
End
Sinh viên Lê Việt Quân, QH-2020, khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN đã lựa chọn hướng nghiên cứu mới ứng dụng không gian hyperbolic cho đồ thị động để phát huy thế mạnh của bản thân trong Toán học. Với hướng nghiên cứu này đề tài: “Hướng đến mạng đồ thị thời gian có tính bảo toàn đa tạp ở trong không gian hyperbolic” là một trong những đề tài đạt giải Nhất hội sinh sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường và đạt giải Nhất giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên cấp ĐHQGHN.
Đề tài của sinh viên Lê Việt Quân (đứng thứ sáu, bên phải sang), QH-2020, khoa Công nghệ thông tin đạt giải Nhất giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên cấp ĐHQGHN
Đề tài của sinh viên Lê Việt Quân (đứng thứ hai, bên phải sang), QH-2020, khoa Công nghệ thông tin đạt giải Nhất hội sinh sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường
Nghiên cứu khoa học để khám phá bản thân
Trong khi các bạn cùng khóa đang dành thời gian học tập, làm các công việc part-time hay khám phá bản thân bằng các hoạt động vui chơi, giao lưu khác thì Lê Việt Quân, ngành Khoa học máy tính lại lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học. Ngay từ năm thứ 3, Việt Quân đã tham gia phòng thí nghiệm Tương tác người máy (HMI) từ sự động viên, khuyến khích của các thầy cô trong khoa. Đặc biệt là TS. Tạ Việt Cường – người thầy đã định hướng nghiên cứu cho Việt Quân từ những ngày đầu tại phòng thí nghiệm HMI về tính mới của hướng học đồ thị trong không gian phi Euclid. Với mục tiêu mong muốn được đóng góp thêm cơ sở lý thuyết, mô hình mới vào hướng học biểu diễn đồ thị trong không gian hyperbolic, Việt Quân đã bắt đầu triển khai đề tài “Hướng đến mạng đồ thị thời gian có tính bảo toàn đa tạp ở trong không gian hyperbolic” từ tháng 7/2023 đến tháng 1/2024 hoàn thành để tham gia hội nghị sinh viên nghiên cứu cấp Khoa và tiếp đến là cấp Trường.
Với “kinh nghiệm” tham gia nghiên cứu tại phòng thí nghiệm HMI và tìm hiểu về các hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Công nghệ, nên Việt Quân quyết định làm đề tài với hướng nghiên cứu áp dụng không gian hyperbolic cho đồ thị động. Việt Quân chia sẻ: “Trong thời gian nghiên cứu, em nhận thấy các bài đồ thị thời gian trong không gian hyperbolic hiện đang bị phụ thuộc vào không gian tiếp tuyến, và sự phụ thuộc này là không tốt vì không gian tiếp tuyến làm hỏng cấu trúc phân cấp của đồ thị. Về lý luận nghiên cứu thực tiễn, có một số bài nghiên cứu đã chỉ ra vấn đề của không gian tiếp tuyến, nhưng lại không đi sâu vào việc đưa ra lý thuyết chứng minh vấn đề của tiếp tuyến. Qua việc triển khai nghiên cứu đề tài “Hướng đến mạng đồ thị thời gian có tính bảo toàn đa tạp ở trong không gian hyperbolic”, em đưa ra lý thuyết chứng minh điểm yếu của không gian tiếp tuyến, đồng thời em cũng đề xuất ý tưởng xây dựng một mô hình hyperbolic đồ thị thời gian không sử dụng không gian tiếp tuyến. Đề tài này có ý nghĩa đóng góp về lý luận và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực Toán học”. Với những tính mới và tính thực tiễn trong nghiên cứu, đề tài được đăng bài tại hội nghị quốc tế “The International Joint Conference on Artificial Intelligence” (IJCAI) năm 2024. Đây là hội nghị khoa học quốc tế uy tín hàng đầu về lĩnh vực AI với xếp hạng A* – mức độ cao nhất về chỉ số ảnh hưởng của hội nghị. “Bài báo này đã ghi nhận những kết quả nghiên cứu của em trong suốt thời gian qua và trở thành động lực để em phấn đấu tiếp tại hội nghị cấp ĐHQGHN. Hiện tại thì em vẫn đang nghiên cứu về hướng mở rộng cho bài báo của mình. Em có một vài ý tưởng nhưng sẽ mất thời gian để biến ý tưởng đó thành hiện thực”- Việt Quân chia sẻ thêm về dự định thời gian tới.
Nghiên cứu khoa học rèn luyện, trau dồi kiến thức và kỹ năng
Sau thời gian nghiên cứu khoa học Việt Quân ngày càng thấy thích thú hơn với nghiên cứu khoa học. “Trong quá trình nghiên cứu, em đã gặp nhiều thử thách như việc cân bằng giữa thời gian nghiên cứu – học tập, kỹ năng nghiên cứu, phương pháp viết bài báo, trau dồi thêm nhiều kiến thức ở các lĩnh vực khác…, nhưng hoạt động này giúp em có thể thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm các ý tưởng của bản thân trong quá trình nghiên cứu. Đồng thời, em đã trau dồi được thêm nhiều kiến thức, kỹ năng khi làm nghiên cứu” – Việt Quân cho biết.
Và để có những kết quả nghiên cứu như hôm nay, Việt Quân cũng phải “đánh đổi” thời gian vui chơi, bạn bè để tập trung 100% sức lực và trí óc cho việc học tập, nghiên cứu nhằm đạt mục tiêu nghiên cứu đề ra. Tuy nhiên, nếu tập trung một công việc trong thời gian quá dài sẽ không có hiệu quả, nên Việt Quân sẽ cân bằng giữa nghiên cứu với việc học tập bằng các hoạt động thể thao bổ ích hoặc việc “lên lịch” những chuyến đi trải nghiệm “bù” cho những ngày tháng nghiên cứu vất vả. Ngoài ra, để vượt qua những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, bên cạnh sự động viên của thầy cô tại phòng thí nghiệm HMI, Việt Quân còn phải lên “dây cót” tinh thần rất nhiều. “Em bắt đầu học cách quản lý thời gian để có thể làm được nhiều việc: học toán, lập trình, đọc báo, viết báo. Trong 2 tháng đầu (từ tháng 7-tháng 9), em tập trung vào việc học toán. Việc học toán sẽ được ưu tiên trước vì nó giúp em hiểu được những gì bản thân đang làm. Tiếp đến em dành 1 tháng để lập trình, thực hiện ý tưởng của mình. Cuối cùng là viết những kết quả nghiên cứu mình làm được thành một bài báo. Em có 2 tháng để hoàn thành bài báo của mình và em đã làm được với sự giúp đỡ của TS. Tạ Việt Cường – người thầy đã khuyến khích em rất nhiều trong hướng nghiên cứu này” – Việt Quân chia sẻ.
Cho dù nghiên cứu khoa học vất vả, nhiều thử thách nhưng Việt Quân vẫn khẳng định: “Tham gia nghiên cứu khoa học là một trải nghiệm sinh viên nên có trong thời gian học đại học. Nghiên cứu khoa học có thể coi là tiền đề để cho các bạn làm khóa luận tốt nghiệp, các kỹ năng và kiến thức được trau dồi trong quá trình nghiên cứu sẽ giúp sinh viên tự tin bảo vệ thành quả suốt 4 năm học tập vừa qua. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học còn là sân chơi dành cho sinh viên muốn thử sức, đam mê nghiên cứu, sáng tạo và khám phá thế mạnh của bản thân, hơn nữa hoạt động này sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho công việc tương lai của bản thân”.
Thành tích nghiên cứu, học tập:
– Tên đề tài khóa luận tốt nghiệp: Manifold-preserving temporal graph network in hyperbolic space. Điểm số: 9,9/10
– Học bổng khuyến khích học tập học kỳ I năm học 2020-2021, năm học 2021-2022; học kỳ I năm học 2022-2023 và học kỳ I năm học 2023-2024;
– Đạt giải nhất Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Khoa và cấp Trường năm 2024;
– 01 Bài báo nghiên cứu quốc tế tại hội nghị “International Joint Conference on Artificial Intelligence” IJCAI 2024 (rank A*).
(UET-News)