Trường ĐH Công nghệ tham dự “Ngày hội Giáo dục Belarus” và ký thỏa thuận hợp tác với 2 trường đại học Belarus về lĩnh vực kỹ thuật công nghệ
Bắt đầu
End
Sáng ngày 15/6/2023, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hai đại học quốc gia về lĩnh vực kỹ thuật công nghệ của Belarus trong khuôn khổ sự kiện “Ngày hội Giáo dục Belarus” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Cộng hòa Belarus Andrei I.Ivanest và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Belarus tại Việt Nam Uladzimir Baravikou cùng đại diện 8 cơ sở giáo dục hàng đầu của nước này. Về phía Việt Nam có PGS. Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, lãnh đạo hơn 30 cơ sở giáo dục đại học, phổ thông cùng các sinh viên và học sinh Việt Nam. Trường ĐH Công nghệ tham dự sự kiện và ký kết 02 trên tổng số 10 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đại học Belarus.
Tham dự sự kiện, về phía Trường Đại học Công nghệ có GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Hoài Sơn – Trưởng phòng KHCN và HTPT, TS. Võ Đình Hiếu – Phó Chủ nhiệm khoa Công nghệ Thông tin, PGS.TS Bùi Thanh Tùng – Phó Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Belarus khẳng định nước này đang nỗ lực đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn giáo dục hiện đại. Giáo dục đại học ở Belarus được tính toán dựa trên cơ cấu và nhu cầu của thị trường lao động, kết hợp đào tạo cơ bản gắn với thực hành. Có 50 tổ chức giáo dục đại học tại Cộng hòa Belarus đàn sẵn sàng cung cấp các chương trình đào tạo ở tất cả các cấp từ cử nhân đến tiến sĩ, các chương trình nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, lớp học hè, các khóa học tiếng Nga, đào tạo từ xa, đào tạo bằng tiếng Anh. Do đó, thông qua “Ngày hội Giáo dục Belarus” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, ban tổ chức hy vọng sẽ giới thiệu được những cơ hội học tập và trải nghiệm tại Belarus đến với người học Việt Nam.
Ông Andrei I.Ivanest – Bộ trưởng Bộ Giáo dục Cộng hòa Belarus
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao đóng góp của sự kiện “Ngày hội Giáo dục Belarus” đối với việc thúc đẩy quan hệ truyền thống của hai nước cũng như tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục hàng đầu hai nước tìm hiểu tiềm năng, nhu cầu để thúc đẩy hợp tác sâu, rộng. Thứ trưởng cũng đưa ra kỳ vọng về 5 khả năng hợp tác chính là tăng cường các liên kết đào tạo mà Belarus có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu; trao đổi sinh viên; trao đổi giảng viên; hình thành các nhóm nghiên cứu quốc tế và cụ thể hóa các hoạt động hợp tác song phương mà hai nước đã ký kết một cách hiệu quả.
PGS. Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Tại sự kiện, Trường ĐH Công nghệ đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Tin học và Vô tuyến điện tử Quốc gia Belarus – Trường đại học hàng đầu tại Belarus trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kĩ thuật vô tuyến, điện tử viễn thông, có danh tiếng ở châu Âu, các nước SNG và trên thế giới vàký kết Thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Kỹ thuật quốc gia Belarus – một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Belarus, xếp thứ 79 trong Bảng xếp hạng Đại học QS EECA (năm 2022).
GS. TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và ông Bogush Vadim – Hiệu trưởng Trường Đại học Tin học và Vô tuyến điện tử Quốc gia Belarus ký thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên
GS. TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ ông Kharitonchik Sergei – Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật quốc gia Belarus ký thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên
Hợp tác giữa Cộng hòa Belarus và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục được thực hiện từ năm 1962. Hiện nay, hai nước đang có 42 thỏa thuận liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, khoảng 2000 chuyên gia có trình độ đạo học, trong đó có hơn 150 tiến sĩ người Việt Nam đã được đào tạo tại Belarus. Có khoảng 29 nghìn công dân nước ngoài đến từ 100 quốc gia trên thế giới đang học tập tại Belarus, tương ứng với các chỉ số phát triển nhất trên thế giới. Các tổ chức giáo dục đại học của Belarus đang tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài. Hơn 200 chương trình giáo dục chung đang được triển khai với các trường đại học ở Châu Á và Châu Âu. Lĩnh vực khoa học của Belarus cũng đang phát triển với 7 công viên khoa học công nghệ, 33 phòng thí nghiệm chuyên ngành. Sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học và tham gia các hội nghị quốc tế và công bố trên các tạp chí khoa học uy tín.
(UET-News)