Trường Đại học Công nghệ và Samsung Điện tử Hàn Quốc: Cùng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch
Bắt đầu
End
Ngày 31/01/2024, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) và Samsung Điện tử Hàn Quốc đã ký kết văn bản hợp tác tổ chức chương trình VNU-Samsung Tech Track (V-STT) với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ thạc sĩ lĩnh vực bán dẫn và vi mạch.
Trường Đại học Công nghệ và Samsung Điện tử Hàn Quốc đã ký kết văn bản hợp tác tổ chức chương trình VNU-Samsung Tech Track
Tham dự lễ ký kết, về phía ĐHQGHN có PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN, PGS.TS. Lê Tuấn Anh – Trưởng ban Hợp tác phát triển. Về phía Trường ĐH Công nghệ có GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường, GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Thu Hương – Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị và sinh viên của trường.
Về phía Samsung Điện tử Hàn Quốc có ông Jooho Choi – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam; Ông Son Sik Kim – Cố vấn Điều hành, Samsung Electronics; Ông Chang-Yong Kim, Phó Tổng Giám đốc, Samsung Electronics; Ông Chi Won Sok (Jiwon Suk), TGĐ TT Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam; Ông Yong Sop Kim (Yong-sup Kim), Phó TGĐ Tổ hợp Samsung Việt Nam cùng đại diện của Samsung Electronics.
Phát triển hợp tác doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch
Ngành công nghiệp bán dẫn được coi là một trong những ngành công nghiệp quan trọng với doanh thu hàng trăm tỷ đô la và đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên Thế giới. Tại Việt Nam, công nghiệp bán dẫn và vi mạch những năm gần đây đã phát triển thành ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia. Hiện Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Như vậy có thể thấy rằng tiềm năng và dư địa để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam là vô cùng lớn, đi kèm với nhu cầu cao về nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp này.
Phát biểu tại lễ ký kết, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực bán dẫn và vi mạch trong mọi mặt cuộc sống. Đặc biệt là khi dịch Covid-19 xảy ra đã dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn cung cấp thiết bị bán dẫn và nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, việc thiết kế lại chuỗi cung ứng toàn cầu cho cuộc khủng hoảng chip bán dẫn đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN
Để đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu năm 2030 Việt Nam đào tạo được 50 nghìn kỹ sư chất lượng cao về vi mạch bán dẫn và xác định vi mạch điện tử là một trong những sản phẩm quốc gia. Phó Giám đốc cho biết: “Đây là thách thức đối với các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời là thách thức để Việt Nam thu hút doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực của các trường đại học”.
ĐHQGHN là một trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, trình độ cao hàng đầu Việt Nam, là tổ hợp gồm các trường đại học, viện nghiên cứu. Hiện nay, ĐHQGHN đang có khoảng 500 chương trình đào tạo các bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ với 20 ngành liên quan đến bán dẫn như Điện tử viễn thông, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin, cơ điện tử, vật lý, vật liệu hóa học. Trong đó, Trường ĐH Công nghệ là 1 thành viên của ĐHQGHN có đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong các khâu như thiết kế, chế tạo, đóng gói, kiểm thử và phát triển các ứng dụng trong chuỗi giá trị bán dẫn. Trường còn là đơn vị tiên phong trong hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo và nghiên cứu với các viện, khoa, phòng thí nghiệm phối thuộc chặt chẽ với doanh nghiệp. Chương trình hợp tác này cũng là một trong những nỗ lực thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, góp phần thực hiện trách nhiệm quốc gia. Phó Giám đốc hi vọng sự hợp tác này là mô hình tiêu biểu cho việc hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học.
Tập đoàn Samsung là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu, đã gắn bó và đồng hành với Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN trong gần 1 thập kỷ qua. Sự hợp tác của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN và Tập đoàn Samsung trong gần 10 năm qua đã mang lại nhiều giá trị và thành tựu nhất định trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ươm mầm tài năng trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đại diện Samsung Việt Nam, ông Jooho Choi – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định, sau lễ ký kết hai bên có thể bắt đầu triển khai học bổng V-STT dành cho các sinh viên ưu tú theo học thạc sĩ ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực đang được chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Sự hợp tác giữa Samsung và ĐHQGHN đã mang lại nguồn nhân lực chất lượng cao cho Samsung, đồng thời các em là nguồn động lực để Samsung Việt Nam phát triển lớn mạnh.
Ông Jooho Choi – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam
Ông Jooho Choi khẳng định, chương trình VNU-Samsung Tech Track (V-STT) ký kết với Trường ĐH Công nghệ lần này sẽ đưa mối quan hệ hợp tác của hai bên phát triển lên một tầm cao mới.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ cho biết Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai các kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học tập trung vào những lĩnh vực có liên quan tới công nghiệp bán dẫn/Chip bán dẫn từ rất sớm. Trường Đại học Công nghệ với đội ngũ cán bộ gồm nhiều giảng viên, chuyên gia và các nhà khoa học có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy là một trong những đơn vị thành viên chủ chốt tham gia tích cực vào các dự án thiết kế và sản xuất vi mạch bán dẫn thuộc ĐHQGHN. Hiện nay, Trường Đại học Công nghệ là một trong số ít trường đại học có chương trình đào tạo định hướng về bán dẫn và vi mạch từ bậc Đại học đến Thạc sĩ, Tiến sĩ.
GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ
Hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp là một trong những chiến lược quan trọng trong việc không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong công nghiệp công nghệ cao. Xác định được tầm quan trọng đó, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN và Công ty Samsung Electronics Hàn Quốc từng bước triển khai chương trình hợp tác VNU-Samsung Tech Track (V-STT), với nỗ lực thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Cơ hội tham gia chương trình học bổng thạc sĩ V-STT
Chương trình học bổng VNU-Samsung Technology Track (V-STT) nhằm giúp sinh viên xuất sắc có cơ hội nhận được học bổng đào tạo thạc sĩ định hướng về bán dẫn và vi mạch. Sinh viên tham gia chương trình V-STT được đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành công nghiệp bán dẫn như thiết kế mạch tích hợp, vật liệu bán dẫn, sản xuất và phân tích chất bán dẫn. Những sinh viên tham gia chương trình học bổng này không chỉ nâng cao được kiến thức, kỹ năng mà còn cả năng lực ngoại ngữ, xây dựng được nền tảng vững chắc cho sự nghiệp sau này. Trong quá trình đào tạo, sinh viên được tham gia các lớp tiếng Hàn với chuẩn đầu ra đáp ứng tối thiểu TOPIK (Test of Proficiency in Korean) cấp độ 3. Bên cạnh đó, các sinh tốt nghiệp thạc sĩ theo chương trình học bổng này cũng sẽ làm việc trực tiếp cho tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc. Toàn bộ chi phí đào tạo, bao gồm cả các lớp tiếng Hàn sẽ được Samsung tài trợ.
Đối tượng tuyển sinh là các sinh viên từ năm ba hoặc năm bốn theo hệ cử nhân có đủ điều kiện tham gia ứng tuyển, hoặc đã tốt nghiệp các ngành liên quan.
Là một trong những sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật điện tử, sinh viên Hoàng Văn Quyến, QH-2020-I/CQ cho biết, đây là một chương trình mang lại nhiều lợi thế đối với sinh viên. Khi tham gia chương trình sinh viên có nhiều cơ hội được tiếp cận, cọ xát, trải nghiệm môi trường doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực sinh viên đang theo học tại trường về chip, bán dẫn.
Sinh viên Hoàng Văn Quyến, ngành Kỹ thuật điện tử
Chương trình học bổng này không chỉ thu hút sinh viên năm thứ tư mà ngay cả những tân kỹ sư, cử nhân đã tốt nghiệp cũng mong muốn tìm hiểu cơ hội học tập và apply học bổng. Tân kỹ sư Nguyễn Văn Long, ngành Kỹ thuật Máy tính, Khoa Điện tử viễn thông, cán bộ tạo nguồn của nhà trường chia sẻ: Sự hợp tác này giữa nhà trường và Samsung là cơ hội tuyệt vời để cho tất cả các bạn sinh viên, học viên đang theo đuổi lĩnh lực chip, bán dẫn được tham gia các khóa học chuyên sâu kiến thức và trải nghiệm thực tiễn về ngành, đồng thời tăng khả năng vốn ngoại ngữ, chương trình còn là tiền đề để người học có cơ hội học lên thạc sĩ trong lĩnh vực chip, bán dẫn tại cơ sở giáo dục đại học hàng đầu và môi trường doanh nghiệp công nghệ, điện tử quy mô hàng đầu quốc tế. Đây là dịp để người học được được tham gia đào tạo tại nước ngoài giúp bản thân sinh viên, học viên có cơ hội tốt để phát triển tốt nghề nghiệp sau tốt nghiệp.
Tân kỹ sư Nguyễn Văn Long và PGS.TS Bùi Thanh Tùng – Phó Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông tại Lễ ký kết
Chương trình học bổng VNU-Samsung Technology Track gồm 40 suất bao gồm 100% học phí, chi phí thực tập tại Hàn Quốc, tiền trợ cấp trong quá trình học, chi phí đào tạo tiếng Hàn.
Nội dung đào tạo: 60 tín chỉ gồm các môn Thiết kế hệ thống trên chip, Mô hình hóa và mô phỏng linh kiện bán dẫn, Thiết kế mạch tích hợp, Thí nghiệm vi chế tạo, Thực tập công nghiệp, Kỹ thuật mạch tích hợp.
Cơ hội việc làm: Học viên sau tốt nghiệp được tuyển dụng và làm việc tại một trong các văn phòng của Samsung, Hàn Quốc.
Lộ trình tuyển sinh: Tuyển sinh tháng 2-4/2024; định hướng tuyển dụng từ Samsung tháng 5/2024; triển khai các lớp tiếng Hàn tháng 6/2024; nhập học tai VNU-UET tháng 9/2024
(UET-News)
Bài viết báo chí:
Đài Truyền hình Việt Nam:
Tuổi trẻ online: Trường đại học Công nghệ ‘bắt tay’ Samsung đào tạo nhân lực bán dẫn và vi mạch
Đài Tiếng nói Việt Nam: Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác doanh nghiệp đào tạo nhân lực ngành bán dẫn
Báo Đại biểu nhân dân: Trường Đại học Công nghệ hợp tác với Samsung đào tạo lĩnh vực bán dẫn và vi mạch
Tạp chí Giáo dục Việt Nam: Đại học Công nghệ hợp tác với SamSung đào tạo nhân lực CLC về bán dẫn, vi mạch
Tạp chí Công nghệ và đời sống: Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với Samsung đào tạo lĩnh vực bán dẫn và vi mạch
Tạp chí Điện tử và ứng dụng: Trường Đại học Công nghệ Hà Nội và Samsung hợp tác đào tạo nhân lực bán dẫn và vi mạch