Từ niềm đam mê công nghệ nhen nhóm khi còn là sinh viên năm thứ hai tại trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), TS Nguyễn Văn Sơn đã trải qua hành trình nghiên cứu khoa học đầy thử thách nhưng cũng vô cùng ý nghĩa. Hiện là giảng viên

Tiến sĩ trẻ với đam mê nghiên cứu khoa học và hành trình mang tri thức trở về Việt Nam

Bắt đầu

End

Từ niềm đam mê công nghệ nhen nhóm khi còn là sinh viên năm thứ hai tại trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), TS Nguyễn Văn Sơn đã trải qua hành trình nghiên cứu khoa học đầy thử thách nhưng cũng vô cùng ý nghĩa. Hiện là giảng viên tại khoa Công nghệ thông tin, anh chứng tỏ bản thân không chỉ là một nhà nghiên cứu xuất sắc mà còn là người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ.

Bước ngoặt từ niềm đam mê nhỏ

Vào năm thứ hai đại học, Nguyễn Văn Sơn bị cuốn hút bởi các dự án phát triển phần mềm. Nhưng chính dự án DoiT – một hệ thống hỗ trợ kiểm lỗi chính tả và phát hiện trùng lặp tài liệu – đã mở ra bước ngoặt quan trọng trong hành trình học thuật. Với sự hướng dẫn của các thầy PGS. TS Võ Đình Hiếu và PGS. TS Phạm Bảo Sơn, dự án không chỉ mang lại những bài học quý giá mà còn giúp anh nhận ra rằng nghiên cứu khoa học có thể gắn kết tri thức với thực tiễn, tạo ra giá trị cho cộng đồng.

Tiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Sơn với đam mê nghiên cứu khoa học và hành trình mang tri thức trở về Việt Nam. 

Năm 2017, Nguyễn Văn Sơn giành học bổng nghiên cứu tại ĐH Texas (Dallas, Hoa Kỳ). Trong thời gian làm việc với các giáo sư đầu ngành như GS I-ling Yen, GS Farokh Bastani và GS Nguyễn Nhựt Tiến, anh đã phải vượt qua không ít khó khăn. “Những đêm thức trắng viết bài hay những lần công trình bị từ chối đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều”, anh chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành các nghiên cứu, Nguyễn Văn Sơn quyết định sẽ quay trở lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, mang theo những tri thức và kinh nghiệm để đóng góp cho quê hương.

Cống hiến trên quê hương: Đưa nghiên cứu Việt Nam lên bản đồ thế giới

Năm 2022, Sơn trở về công tác tại trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội). Với sự hỗ trợ từ PGS. TS Võ Đình Hiếu, PGS. TS Phạm Ngọc Hùng cùng lãnh đạo Khoa, nhóm nghiên cứu của anh tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu về Kỹ nghệ phần mềm tự động và Kỹ nghệ AI tự động lấy dữ liệu làm trung tâm.

TS Nguyễn Văn Sơn trao đổi với sinh viên khoa Công nghệ Thông tin (trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội)

Chỉ trong hai năm, hơn 10 bài báo của nhóm đã được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, trong đó có 7 bài thuộc nhóm Q1/A*. Anh đặc biệt tự hào về nghiên cứu đăng trên tạp chí IEEE Transactions on Software Engineering, một trong những tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực kỹ nghệ phần mềm.

Hệ thống DoiT: Thành quả từ sự kiên trì

Một trong những sản phẩm khoa học nổi bật nhất của anh là hệ thống DoiT, với hai tính năng chính: Kiểm lỗi chính tả và phát hiện trùng lặp tài liệu tiếng Việt. Hệ thống đã được triển khai tại ĐHQG Hà Nội và nhận được phản hồi tích cực từ nhiều trường đại học trên cả nước.

TS Nguyễn Văn Sơn là một trong 10 gương mặt được T.Ư Đoàn trao Giải thưởng Khoa học Công nghệ ‘Quả Cầu Vàng’ năm 2024.

“Thành công của DoiT không chỉ là công sức cá nhân mà còn là kết quả từ sự hợp tác, nỗ lực của cả nhóm nghiên cứu và sự hỗ trợ từ các thầy cô, đồng nghiệp”, TS Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.

Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ

Lựa chọn trở thành giảng viên, TS Nguyễn Văn Sơn hy vọng có thể truyền đạt kinh nghiệm, cảm hứng nghiên cứu cho các bạn trẻ. “Tôi may mắn được học hỏi từ những người thầy tâm huyết. Chính các thầy đã giúp tôi vượt qua khó khăn và truyền lửa đam mê. Tôi mong muốn sẽ làm điều tương tự cho thế hệ sau”.

Sau khi tốt nghiệp, TS Nguyễn Văn Sơn quyết định quay trở lại Việt Nam, mang theo những tri thức và kinh nghiệm để đóng góp cho quê hương

Anh cũng chia sẻ về thách thức lớn nhất trong nghiên cứu hiện nay: Xác định các đề tài vừa có tính cấp thiết, vừa mới mẻ nhưng vẫn khả thi. Để vượt qua, anh và nhóm không ngừng học hỏi, tham khảo ý kiến từ các đồng nghiệp và duy trì động lực làm việc.

Với những thành tựu đã đạt được, TS Nguyễn Văn Sơn tiếp tục đặt mục tiêu đưa nghiên cứu của Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ học thuật quốc tế. “Tôi tin rằng, chỉ cần đam mê và sự kiên trì, chúng ta có thể tạo ra những đóng góp có ý nghĩa không chỉ cho khoa học mà còn cho cộng đồng”.

Thêm mô tả