Ngày 26/4/2024, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) đã tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN lần thứ 20. Đây là hoạt động thường niên mang những nét đặc trưng của Trường ĐH Công

Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Công nghệ lần thứ 20: Các đề tài gắn với thực tiễn và chú trọng phát triển sản phẩm

Bắt đầu

End

Ngày 26/4/2024, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) đã tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN lần thứ 20. Đây là hoạt động thường niên mang những nét đặc trưng của Trường ĐH Công nghệ.

Tham dự hội nghị về phía ĐHQGHN có TS. Hứa Thanh Hoa – Phó trưởng Ban Chính trị và công tác học sinh sinh viên. Về phía Trường ĐH Công nghệ có GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Nhà trường, các thành viên Hội đồng đánh giá, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường.

Tiếp tục truyền thống sinh viên nghiên cứu khoa học, năm 2024, đã có 113 công trình nghiên cứu của sinh viên Trường ĐH Công nghệ tham gia dự thi cấp Khoa/Viện. Các sản phẩm nghiên cứu sáng tạo bao gồm cả các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, giải quyết các bài toán thực tế của đời sống. Ngoài ra, có rất nhiều đề tài có hàm lượng khoa học cao được công bố trên các tạp chí khoa học và kỷ yếu hội nghị khoa học trong nước và quốc tế.

Hội đồng đánh giá chụp ảnh cùng đại diện các nhóm nghiên cứu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Chử Đức Trình chúc mừng 45 sinh viên/ nhóm sinh viên với các công trình xuất sắc được Hội đồng cấp Khoa/Viện xét chọn tham gia hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường.

Các công trình nghiên cứu của sinh viên ngày càng đi vào đi vào chiều sâu và lan toả, tạo giá trị gia tăng tích cực cho người học cũng như cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Nhà trường.

Tại Hội nghị, GS.TS Chử Đức Trình nhấn mạnh chiến lược đào tạo của Nhà trường trong thời gian tới vừa gắn với chuẩn chương trình đào tạo công nghệ toàn quốc, tiếp cận chuẩn toàn cầu và sinh viên cần được đào tạo theo tiêu chuẩn cao hơn toàn quốc. Nhà trường sẽ mở rộng phòng tự học, đầu tư phòng thí nghiệm, nâng cao hệ thống tự học trực tuyến để tạo không gian nghiên cứu, kết nối với sinh viên quốc tế và mở rộng mối liên kết với doanh nghiệp để phát triển cơ hội nghề nghiệp toàn cầu cho sinh viên.  

GS.TS. Chử Đức Trình phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, các nhóm sinh viên thuyết trình kết quả nghiên cứu bằng poster tại hội trường.

Các nhóm sinh viên trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng

Nhiều năm liên tục hội nghị đã có sự tham gia của doanh nghiệp và đối tác bên ngoài phản ánh sự quan tâm của xã hội với các hoạt động nghiên cứu sáng tạo. TS. Hoàng Vũ Chung – Giám đốc Công ty TNHH Nano Lam Sơn đánh giá cao hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học trong Nhà trường và sự năng động, đam mê nghiên cứu của sinh viên UET. Tại Hội nghị, TS Hoàng Vũ Chung ấn tượng với một số đề tài có định hướng ứng dụng thực tiễn như buồng vi khí hậu, thùng rác thông minh… và một số sản phẩm ứng dụng trong nghiên cứu như bộ thí nghiệm khảo sát hiện tượng cộng hưởng plasmon bề mặt hay nanogenerators có tiềm năng ứng dụng trong công nghiệp. TS. Hoàng Vũ Chung chia sẻ: “Sinh viên UET rất chú trọng vào việc phát triển sản phẩm, vì thế kỹ năng của các bạn sinh viên khá toàn diện khi các bạn bắt đầu từ khâu lên ý tưởng đề tài, đến thiết kế và triển khai ý tưởng để hoàn thành sản phẩm. Vì vậy sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học không chỉ có những trải nghiệm thực tiễn mà còn giúp sinh viên trau dồi các kỹ năng mềm để đáp ứng nghề nghiệp trong tương lai”.  TS. Hoàng Vũ Chung hi vọng sẽ có thêm những hợp tác lâu dài với Nhà trường trong lĩnh vực tuyển dụng và đào tạo.

TS. Hoàng Vũ Chung – Giám đốc Công ty TNHH Nano Lam Sơn (ngoài cùng, bên trái ảnh) ấn tượng với các đề tài, sản phẩm khoa cùng sự đam mê nghiên cứu của sinh viên UET

Hội nghị không chỉ “nóng” lên bởi sự chờ đợi của các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, mà còn có sự háo hức, mong muốn được trao đổi giao lưu kinh nghiệm từ các bạn sinh viên đang muốn chinh phục con đường nghiên cứu. Sinh viên Dương Ngọc Nam (QH-2021, ngành Công nghệ thông tin) chia sẻ: “Tuy là hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, nhưng em thấy đây là một sân chơi để sinh viên “báo cáo” các thành quả nghiên cứu đến thầy cô”. Là sinh viên năm thứ ba, Ngọc Nam cũng đam mê và muốn theo đuổi nghiên cứu trong lĩnh vực học máy, vì vậy mục đích tham gia hội nghị lần này, Ngọc Nam mong muốn được giao lưu, trao đổi với các nhóm sinh viên để tìm được những hướng đi mới cho đề tài và tiếp tục con đường nghiên cứu trong thời gian tới. Giống như Ngọc Nam, các bạn sinh viên năm nhất ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ là Trịnh Ngọc Nga và Trần Thu Thủy đã di chuyển từ Hòa Lạc về Cầu Giấy để tham gia hội nghị lần này với mong muốn được học hỏi, giao lưu với các anh chị khóa trên. Cảm nhận đầu tiên của hai bạn ngoài không khí đông vui và lạ đối với sinh viên năm nhất, còn là sự ngưỡng mộ đối với các anh chị khóa trên. Bởi vì, 45 công trình đều có tính sáng tạo, ứng dụng cao, đặc biệt là sự đầu tư kỹ lưỡng về sản phẩm và khả năng thuyết trình tự tin. Bên cạnh đó, thông qua hội nghị lần này hai bạn hi vọng sẽ có thêm niềm tin và đam mê để “dấn thân” vào con đường nghiên cứu trong năm học tới.

Sinh viên Ngọc Nam tham gia hội nghị với mong muốn học hỏi, giao lưu với các nhóm nghiên cứu

Sinh viên năm thứ nhất ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ Trịnh Ngọc Nga (ngoài cùng, bên trái ảnh) và Trần Thu Thủy di chuyển từ Hòa Lạc về Cầu Giấy tham dự hội nghị với mong muốn có thêm niềm tin và đam mê để “dấn thân” vào con đường nghiên cứu trong năm học tới

Vui mừng khi là 1 trong 10 đề tài đạt giải Nhất tại hội nghị, nhóm sinh viên khoa Công nghệ thông tin gồm Nguyễn Thị Kiều Chinh (QH-2021) và Lê Đức Duy (QH-2020) cảm thấy những vất vả trong thời gian qua hoàn toàn xứng đáng. Đề tài: “Researching and Developing a Method Utilizing Eye-Tracking Technology to Support Children with Dyslexia” với mục đích nghiên cứu và phát triển giải pháp ứng dụng công nghệ để hỗ trợ trẻ em mắc chứng rối loạn đọc viết. Lê Đức Duy cho biết: “Cụm từ “Dyslexia” – chứng khó đọc hay còn gọi là rối loạn đọc viết được nghiên cứu nhiều trên thế giới, nhưng tại việt Nam cụm từ này vẫn chưa được biết đến nhiều. Qua đây, chúng em cũng muốn phổ biến thuật ngữ “Dyslexia” đến nhiều người hơn, vì những trẻ em mắc chứng khó đọc dễ bị gắn mác là lười biếng hoặc IQ thấp. Đề tài này nghiên cứu những đặc điểm khác biệt giữa trẻ em mắc chứng khó đọc với trẻ em bình thường. Từ đó, chuyên gia có thêm cở sở nghiên cứu các giải pháp, bên cạnh giải pháp truyền thống như xây dựng bài giảng, phương pháp dạy học, chiến lược can thiệp từng trẻ để giúp mỗi trẻ em có quá trình học tốt hơn”. Trong quá trình tham gia nghiên cứu, Nguyễn Thị Kiều Chinh và Lê Đức Duy đã nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ từ các thầy cô, bạn bè nên hai thành viên trong nhóm đã trưởng thành hơn trong nghiên cứu và phát triển các kỹ năng của bản thân như làm việc nhóm, các phương pháp nghiên cứu khoa học, quan trọng là hai bạn đã định hướng được nghề nghiệp trong tương lai.

Nhóm sinh viên khoa Công nghệ thông tin gồm Nguyễn Thị Kiều Chinh (QH-2021) và Lê Đức Duy (QH-2020) với đề tài: “Researching and Developing a Method Utilizing Eye-Tracking Technology to Support Children with Dyslexia” đạt giải Nhất tại hội nghị

Sau thời gian làm việc nghiêm túc, Hội nghị đã kết thúc thành công tốt đẹp với 10 giải Nhất, 15 giải Nhì và 20 giải Ba được Hội đồng trao thưởng và đánh giá cao về tính sáng tạo, giải quyết các vấn đề cấp thiết với phương pháp nghiên cứu đa dạng, đặc biệt là tính ứng dụng thực tiễn; đồng thời, chọn ra các công trình xuất sắc nhất để đề cử tham dự Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên cấp ĐHQGHN, cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh các giải thưởng trao tại hội nghị:

PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng – Chủ nhiệm khoa Cơ học kỹ thuật & Tự động hóa trao giải cho các nhóm đạt giải Nhất

TS. Bùi Đình Tú – Phó Chủ nhiệm, Phụ trách khoa Vật lý kỹ thuật & Công nghệ Nano trao giải cho các nhóm đạt giải Nhất

PGS.TS Bùi Thanh Tùng – Phó Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông trao giải cho các nhóm đạt giải Nhất

TS. Phạm Minh Triển – Phó Chủ nhiệm khoa Công nghệ nông nghiệp trao giải cho các nhóm đạt giải Nhất

PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng – Chủ nhiệm khoa Cơ học kỹ thuật & Tự động hóa trao giải cho các nhóm đạt giải Nhì

PGS.TS Bùi Thanh Tùng – Phó Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông trao giải cho các nhóm đạt giải Nhì

TS. Bùi Đình Tú – Phó Chủ nhiệm, Phụ trách khoa Vật lý kỹ thuật & Công nghệ Nano trao giải cho các nhóm đạt giải Nhì

TS. Phạm Minh Triển – Phó Chủ nhiệm khoa Công nghệ nông nghiệp trao giải cho các nhóm đạt giải Nhì

PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng – Chủ nhiệm khoa Cơ học kỹ thuật & Tự động hóa trao giải cho các nhóm đạt giải Ba

PGS.TS Bùi Thanh Tùng – Phó Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông trao giải cho các nhóm đạt giải Ba

TS. Bùi Đình Tú – Phó Chủ nhiệm, Phụ trách khoa Vật lý kỹ thuật & Công nghệ Nano trao giải cho các nhóm đạt giải Ba

TS. Phạm Minh Triển – Phó Chủ nhiệm khoa Công nghệ nông nghiệp trao giải cho các nhóm đạt giải Ba

Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được trưng bày tại hội nghị

(UET-News)

Thêm mô tả