“GS.TS.NGƯT Bạch Gia Dương vừa là tấm gương về tinh thần nhiệt huyết làm việc không mệt mỏi của một nhà khoa học, lại vừa là người tiên phong đưa nghiên cứu trở thành các sản phẩm khoa học công nghệ trong lĩnh vực siêu cao tần”. Đây là

GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương: Người thầy tâm huyết với lĩnh vực siêu cao tần

Bắt đầu

End

   “GS.TS.NGƯT Bạch Gia Dương vừa là tấm gương về tinh thần nhiệt huyết làm việc không mệt mỏi của một nhà khoa học, lại vừa là người tiên phong đưa nghiên cứu trở thành các sản phẩm khoa học công nghệ trong lĩnh vực siêu cao tần”. Đây là những cảm nhận về niềm tự hào của cán bộ, sinh viên Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) tại buổi chia tay GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Điện tử viễn thông nghỉ hưu hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội sau gần 50 năm cống hiến trong quân đội và ngành giáo dục.

Ban Giám hiệu Trường ĐHCN và lãnh đạo, cán bộ các đơn vị tham gia buổi chia tay GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương nghỉ hưu hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội

   Buổi gặp mặt có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường, GS.TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Anh Thái – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Trịnh Anh Vũ – Chủ tịch Công đoàn và lãnh đạo, cán bộ các đơn vị trong Trường ĐHCN.

   Không chỉ đơn thuần là buổi chia tay, mà buổi lễ đã trở thành nơi vinh danh và là bài giảng cuối mà GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương thực hiện trước khi rời Trường ĐHCN về hướng nghiên cứu trong lĩnh vực siêu cao tần. GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương bắt đầu xêmina với chủ đề “Làm chủ công nghệ siêu cao tần – một xu thế tất yếu cho định hướng chế tạo các sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực truyền thông vô tuyến”.

GS.TS. Bạch Gia Dương bắt đầu bằng xêmina với chủ đề “Làm chủ công nghệ siêu cao tần – một xu thế tất yếu cho định hướng chế tạo các sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực truyền thông vô tuyến”

   Mở đầu xêmina, GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương đã chia sẻ về quá trình bản thân bắt đầu đam mê, nhiệt huyết với nghiên cứu khoa học. Trong 34 năm phục vụ quân đội, trưởng thành từ binh nhì lên đến đại tá, tôi đã được rèn luyện về ý chí chiến đấu cũng như trách nhiệm của bản thân đối với công việc. Lúc bấy giờ, trong hoàn cảnh chiến tranh nên tôi vừa phải thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhưng vừa phải nghiên cứu về kỹ thuật điện tử. Đặc biệt là những nghiên cứu chuyển giao công nghệ Liên Xô vào năm 1972. Môi trường quân đội đã giúp tôi nuôi dưỡng đam mê với nghiên cứu khoa học, nhất là lĩnh vực siêu cao tần. Vì thế, đến năm 2006 tôi chuyển công tác từ Bộ Quốc phòng về làm việc tại Khoa Điện tử viễn thông (Trường ĐHCN) là một cơ duyên để bản thân tiếp tục hướng nghiên cứu kỹ thuật siêu cao tần và phát huy thế mạnh của bản thân. Mặc dù, tôi đã không thực hiện công việc giảng dạy trong suốt 15 năm, nhưng khi về trường tôi đã lập tức bắt nhịp ngay vào công việc. Có lẽ do thời điểm đó lĩnh vực tôi nghiên cứu phù hợp với xu thế phát triển của Trường và xuất phát từ việc bản thân đam mê với lĩnh vực này, nên tôi đã phát triển những hướng nghiên cứu từ trước đấy. Sau gần 15 năm làm việc tại Trường, với sự ủng hộ của các thầy trong Ban Giám hiệu và lãnh đạo Khoa ĐTVT, tôi đã đạt được những kết quả nhất định và góp phần phát triển hoạt động đào tạo chung của khoa ĐTVT và lĩnh vực đào tạo công nghệ của Trường.

  Chia sẻ về những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gắn liền hoạt động đơn vị từ năm 1972, GS.TS.NGƯT Bạch Gia Dương cho biết, lúc đó hệ thống điện tử truyền thông vô tuyến gọi là hệ thống thu phát xử lý tín hiệu, truyền sóng qua không gian và xử lý tín hiệu. Nghĩa là nơi phát sẽ gia công tín hiệu, sau đó xử lý đến tuyến siêu cao tần. Bất cứ ai bước vào nghiên cứu lĩnh vực này đều phải tập trung  xử lý số, vì vậy tôi đã có kinh nghiệm 15 năm trong công tác nghiên cứu về xử lý tín hiệu số. Bởi vì, nhiệm vụ tôi được giao khi còn trong quân đội là xử lý tín hiệu tương tự bằng việc đặt radar của hệ thống quân chủng phòng không không quân. Từ đó, tôi xây dựng thành công hệ thống tự động phát hiện mục tiêu. Đây cũng là lúc tôi nhận thấy bài toán giám sát hiện trường trở nên quan trọng hơn. Cho nên, khi chuyển công tác về trường vào năm 2006, tôi đã nghiên cứu sang lĩnh vực giám sát diện rộng hơn không chỉ trên không. Cho đến nay, kỹ thuật siêu cao tần đã trở thành lĩnh vực tất yếu phải triển khai nghiên cứu và nghiên cứu sâu. Lĩnh vực này bao gồm các công tác nghiên cứu vật lý, truyền sóng của ăng – ten, xây dựng hệ thống và sử dụng tất cả công cụ phần mềm có thể có để mô phỏng toàn bộ hệ thống đó. Vì vậy, một nhiệm vụ mới được đặt ra là thiết kế điện tử, để tiến tới sản xuất thiết bị.

  Nói đến hướng nghiên cứu chính, GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương nhấn mạnh, từ năm 1972 cho đến nay, toàn bộ hướng nghiên cứu mà tôi triển khai vẫn bắt đầu từ xuất phát điểm là hệ thống tự động phát hiện mục tiêu. Hiện tại, tôi đã phát triển các sản phẩm dưới dạng mới, ngày nay với nền khoa học công nghệ phát triển cho nên nhu cầu giám sát hiện trường đòi hỏi có hệ thống nghiên cứu về không gian, vệ tinh địa tĩnh, quỹ đạo tầm thấp… và quan trọng là quan sát, giám sát bề mặt trái đất. Đây là một trong những hướng tôi tiếp tục nghiên cứu và dạy các học viên tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam về sử dụng tín hiệu ảnh radar, xây dựng radar thế hệ mới.

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà (đứng ngoài cùng, bên phải ảnh) trao tặng GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương món quà trân trọng, ý nghĩa

   Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà đã bày tỏ sự xúc động khi được nghe GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương chia sẻ quá trình nghiên cứu về lĩnh vực siêu cao tần và khẳng định đây là buổi vinh danh quá trình cống hiến của GS.TS. Bạch Gia Dương tại Trường ĐHCN. Bên cạnh việc trao đổi, chia sẻ về học thuật, chuyên môn, các thầy cô còn được ôn lại những cống hiến và lắng nghe GS chia sẻ hoạt động của thầy trong suốt 50 năm qua. PGS.TS. Nguyễn Việt Hà nhận định, GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương là tấm gương trong vai trò nhà giáo, nhà nghiên cứu không mệt mỏi, vừa là tấm gương một người sĩ quan quân đội kiên cường, có trách nhiệm để các cán bộ, giảng viên noi theo.

   Đối với công tác nghiên cứu khoa học, thế mạnh nghiên cứu của GS về lĩnh vực siêu cao tần vừa góp phần phát triển đào tạo khoa ĐTVT, đồng thời đã trở thành thương hiệu của Nhà trường thông qua các kết quả nghiên cứu khoa học mà thầy đã công bố. GS.TS.NGƯT Bạch Gia Dương còn tiên phong đưa nghiên cứu thành các sản phẩm khoa học công nghệ với các sáng chế về thiết bị định vị trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, địa giới, thiết bị bay… Trong giai đoạn qua với sự phát triển của Nhà trường, GS. Bạch Gia Dương là người tiên phong đóng góp nhiều và bổ sung thế mạnh cho Trường trong khía cạnh nghiên cứu và tạo ra sản phẩm.

   Đối với công tác đào tạo tại khoa, GS.TS.NGƯT Bạch Gia Dương luôn quan tâm đến việc đào tạo các cử nhân, kỹ sư công nghệ. Đặc biệt là thầy đã đẩy mạnh các chương trình thực hành bằng việc hợp tác và triển khai lĩnh vực siêu cao tần với các đối tác tại Pháp.

  Hiệu trưởng đã gửi lời cảm ơn đến GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương về những đóng góp của thầy cho sự nghiệp giáo dục nói chung và Nhà trường nói riêng. PGS hi vọng trong thời gian tới, Nhà trường vẫn nhận được sự hỗ trợ của thầy trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Cán bộ của các đơn vị trong trường và nhiều học trò dành tặng những tình cảm sâu sắc đến GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương

      Bên cạnh những chia sẻ về chuyên môn, các cán bộ và giảng viên còn dành những lời tốt đẹp nhất nhắc đến kỷ niệm về tình đồng nghiệp, đồng chí và đánh giá cao những đóng góp của GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương cho sự phát triển của Trường ĐHCN cũng như các hướng nghiên cứu trong lĩnh vực siêu cao tần. PGS.TS. Hà Quang Thụy đã nhớ đến những ngày đầu Trường ĐHCN mời thầy Dương về công tác, thời điểm khi thầy Dương được mời về Trường công tác là 55 tuổi, nhưng theo quy định của ĐHQGHN lúc bấy giờ thì trên 55 tuổi phải đạt chức danh Giáo sư mới được làm việc tại ĐHQGHN. Nhưng với uy tín của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, cùng sự tích cực và kiên trì của Khoa ĐTVT và Trường ĐHCN đã mời được thầy Bạch Gia Dương chuyển công tác về Trường. Đến nay, đã khẳng định những quyết sách đấy là đúng đắn, thầy Dương đã được phong PGS năm 2010 và GS năm 2017. Đồng thời, thầy Dương đã cống hiến nhiều sáng chế để nâng tầm thương hiệu của Nhà trường trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Có thể nói, cuộc đời GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương là muôn vàn những thử thách nhưng với sự nỗ lực thầy Dương đã gặt hái nhiều thành công. Vì vậy, GS. Bạch Gia Dương xứng đáng là tấm gương để giới trẻ noi theo, chỉ những người nỗ lực hết mình vượt qua mọi thách thức mới đạt được thành công trong cuộc sống.

   Những lời chia sẻ của PGS.TS. Hà Quang Thụy cũng là niềm tâm sự chung và sự tự hào của toàn thể cán bộ Trường ĐHCN đối với nhiều cống hiến của GS.TS.NGƯT Bạch Gia Dương cho sự nghiệp phát triển lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học trong suốt những năm qua.

Cán bộ khoa ĐTVT chụp ảnh lưu niệm và trao gửi những bó hoa tươi thắm đến GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương

 Quá trình làm việc của GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương trong 50 năm học tập và làm việc tại Trường Kỹ thuật Phòng không không quân Hà Nội, Viện kỹ thuật (Cục Kỹ thuật quân chủng phòng không Hà Nội), Trường ĐHCN. Trong quá trình công tác, GS.TS. NGƯT Bạch Gia Dương đã trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau như Trưởng phòng nghiên cứu radar (2001-2005), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Điện tử viễn thông (2006-2020). GS.TS.NGƯT Bạch Gia Dương có nhiều thành tích trong công tác, nhận Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2018, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2013, được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen năm 2015, được Giám đốc ĐHQGHN tặng Bằng khen năm 2008 và 2010, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp ĐHQG năm 2008, 2011 và 2016, từ năm 2006 đến nay, 12 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Tuyết Nga (UET-News)

Thêm mô tả