Công trình “UFBoot2: Improving the Ultrafast Bootstrap Approximation” đạt 1.600 trích dẫn trên tạp chí quốc tế và xếp thứ hai trong ĐHQGHN
Bắt đầu
End
Theo thống kê từ Google Scholar, công trình công bố “UFBoot2: Improving the Ultrafast Bootstrap Approximation” (tiếng Việt, UFBoot2: Cải tiến phương pháp UFBoot xây dựng cây bootstrap tiến hóa) do nhóm nghiên cứu Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện, đã đạt gần 1.600 trích dẫn và hiện là công trình có số trích dẫn nhiều thứ 2 trong ĐHQGHN.
Bắt đầu từ năm 2018, nhóm tác giả gồm các thành viên PGS.TS. Lê Sỹ Vinh, TS. Hoàng Thị Điệp và TS. Bùi Quang Minh cùng các cộng sự tại Trung tâm Tin sinh tích hợp (CIBIV, University of Vienna, Áo) đã công bố công trình trên tạp chí Molecular Biology and Evolution. Đến nay, số trích dẫn đã đạt gần 1.600 trích dẫn cho thấy công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn đối với cộng đồng nghiên cứu về lĩnh vực tiến hoá và sinh học phân tử. Chia sẻ về niềm tự hào của nhóm nghiên cứu, TS. Hoàng Thị Điệp cho biết: “Tạp chí Molecular Biology and Evolution (MBE) có chỉ số ảnh hưởng 5 năm là 13.4, được xếp vào Q1 trong cả 3 lĩnh vực Sinh thái học, Tiến hóa, Hành vi và Hệ thống học; Di truyền và Sinh học phân tử nên tiêu chuẩn rất cao. Vì thế, khi công trình được đăng có nghĩa các chuyên gia đầu ngành trong ban biên tập và các phản biện của tạp chí có đánh giá tích cực về đóng góp của kết quả nghiên cứu”.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Hoàng Thị Điệp chia sẻ: “Công trình này được thừa kế rất nhiều tài nguyên từ bề dày nghiên cứu của nhóm GS. Haeseler từ những năm 80 của thế kỉ trước; đồng thời là một phần luận án của tôi trong thời gian làm nghiên cứu sinhtại Trường Đại học Công Nghệ, ĐHQGHN. Công trình xuất phát từ hợp tác nghiên cứu giữa nhóm Tin – sinh của Trường và CIBIV. Công trình này đề xuất phương pháp UFBoot2 là bản cải tiến cho phương pháp UFBoot (TS. Bùi Quang Minh và cộng sự, 2013). UFBoot tính nhanh cây bootstrap tiến hóa, từ đó tính nhanh được độ tin cậy của cây tiến hóa. UFBoot2 nhanh hơn và chính xác hơn UFBoot nhờ đề xuất cải tiến thuật toán ở phần lõi. Những đề xuất này được đánh giá cao về ý nghĩa khoa học. Một đóng góp quan trọng của công trình là sản phẩm phần mềm, được tích hợp vào hệ thống IQ-TREE (http://www.iqtree.org/), do đó có nhiều ý nghĩa thực tiễn. Nó đáp ứng được nhu cầu phân tích tiến hóa cho dữ liệu mới (nhiều trình tự, nhiều gen) của các nhà sinh học và của những nhà nghiên cứu dịch bệnh. Nhu cầu này tăng mạnh kể từ sự bùng phát của đại dịch COVID-19 do nhiều trung tâm lớn trên thế giới tiến hành nghiên cứu sự tiến hóa và lây lan của SARS-CoV-2 bằng phần mềm của chúng tôi”.
Công trình này là một phần luận án của TS. Hoàng Thị Điệp trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐHCN do PGS.TS. Lê Sỹ Vinh và PGS.TS. Hoàng Xuân Huấn hướng dẫn
Năm 2019, công trình được ban biên tập tạp chí MBE chọn vào danh sách MBE Citation Classics 2019. Năm 2020, tạp chí MBE Emerging Classics 2020 lựa chọn công trình để vinh danh các công bố có ảnh hưởng caotrong cộng đồng quốc tế vềnghiên cứu tiến hóa.
Google Scholar (tại địa chỉ https://scholar.google.com/) là cộng đồng học thuật thế giới vận hành trên nền tảng của hệ thống Google. Thông qua Google Scholar, các nhà khoa học có thể giới thiệu, phổ biến các công trình nghiên cứu khoa học của mình tới cộng đồng học thuật trong nước và quốc tế. Google Scholar giúp các nhà khoa học theo dõi và nắm bắt được chỉ số trích dẫn cụ thể cho từng công trình khoa học đã được công bố. Qua đó, các nhà khoa học có thể gia tăng mức độ ảnh hưởng của các công bố khoa học (thông qua chỉ số trích dẫn) và cá nhân nói riêng, uy tín học thuật của đơn vị và ĐHQGHN nói chung.
Tuyết Nga (UET-News)