Đáp ứng nhu cầu kỹ sư về công nghệ robot trong tương lai tại Việt Nam

     Sáng ngày 20/01, Khoa Điện tử viễn thông (Trường Đại học Công nghệ) đã tổ chức hội thảo “Đào tạo và nghiên cứu về Kỹ thuật Robot phối hợp giữa Trường Đại học Công nghệ và Trường Đại học Công nghệ Chiba, Nhật Bản” tại hội trường Sunwah.

    Tham dự hội thảo về phía Trường Đại học Công nghệ có PGS. TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Đinh Triều Dương – Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông cùng cán bộ, giảng viên và các sinh viên khóa đầu tiên của ngành Kỹ thuật robot. Về phía Trường Đại học Công nghệ Chiba có ông Shusaku Maeda – Giám đốc hành chính, GS. Ken Tomiyama – Trung tâm nghiên cứu công nghệ robot tương lai, GS. Yasuo Hayashibara – Khoa Robot tiên tiến, bà Chuman Ai – Thư ký thứ 2, Đại sứ quán Nhật Bản và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam: Samsung, Nissan,…

Hội thảo “Đào tạo và nghiên cứu về Kỹ thuật Robot phối hợp giữa Trường Đại học Công nghệ và Trường Đại học Công nghệ Chiba, Nhật Bản”

    Hội thảo là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo và nghiên cứu robot giữa Trường ĐHCN Chiba và Trường ĐHCN cùng với việc đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ của mô hình trường – viện – doanh nghiệp. Đồng thời hội thảo là cơ hội tốt để đẩy mạnh hợp tác phát triển đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với thực tiễn, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu của xã hội.

   

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà phát biểu khai mạc tại hội thảo

    Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Nguyễn Việt Hà đã giới thiệu về sự hợp tác giữa Trường ĐHCN và Trường ĐHCN Chiba về việc chuyển giao công nghệ đào tạo robot trong thời gian qua. Đến nay, đã có 32 lượt sinh viên, 12 lượt giảng viên và nhiều đoàn cán bộ quản lý của Trường ĐHCN sang thực tập tại ĐHCN Chiba. Qua sự hợp tác đó, Trường ĐHCN đã phát triển được chương trình đào tạo công nghệ robot, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2018. PGS khẳng định mặc dù có nhiều trường đại học tại Việt Nam đã và đang nghiên cứu, đào tạo các ngành liên quan mật thiết đến chế tạo robot. Nhưng chương trình được chuyển giao từ Trường ĐHCN Chiba là chương trình đầu tiên tại Việt Nam sẽ cấp bằng kỹ sư về chế tạo robot. Chương trình hợp tác giữa hai trường còn nhận được Bộ Giáo dục và Khoa học công nghệ, Nhật Bản hỗ trợ kinh phí thông qua dự án hợp tác phát triển. Hiệu trưởng tin rằng hội thảo này sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích và  góp phần quan trọng nhằm kết nối cộng đồng nghiên cứu, đào tạo cũng như doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam.

GS.Ken Tomiyama trình bày hướng nghiên cứu tương lai, chương trình đào tạo tại Trung tâm nghiên cứu công nghệ robot tương lai

Sản phẩm robot đá bóng của Trường ĐHCN Chiba thu hút được sự quan tâm của cán bộ và sinh viên Trường ĐHCN

    Tại hội thảo, GS.Ken Tomiyama và GS.Yasuo Hayashibara đã lần lượt trình bày các hướng nghiên cứu tương lai, chương trình đào tạo tại Trung tâm nghiên cứu công nghệ robot tương lai và Khoa robot tiên tiến. Trong đó, GS.Ken Tomiyama đã nhấn mạnh một trong những mục tiêu của Viện được đề ra ngay từ khi thành lập năm 2003 là “thay đổi thế giới cùng với công nghệ robot”. Với mục tiêu này, chúng tôi đã có động lực và tạo ra nhiều sản phẩm robot ứng dụng trong đời sống xã hội như robot Sakura, Halluc IIx, Morph, Canguro… Đặc biệt, GS.Yasuo Hayashibara đã thu hút sinh viên Trường ĐHCN bằng việc giới thiệu và trình diễn mẫu robot sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động thể thao như đá bóng được phát triển bởi các giảng viên, sinh viên Khoa robot tiên tiến.

    Nhắc đến những ngày đầu thành lập ngành công nghệ robot tại Trường ĐHCN Chiba, Giám đốc Susaku Maeda chia sẻ, ngay từ những ngày thành lập ngành công nghệ robot một số ý kiến cho rằng việc đào tạo, nghiên cứu mang tính trải rộng trên nhiều lĩnh vực như ngành robot, thì chỉ nên đào tạo bậc sau đại học. Tại thời đểm đó, đã có nhiều trường đại học có các ngành và khoa như chế tạo máy, điện công nghiệp…  là những ngành có liên quan chặt chẽ với ngành robot. Nhưng  gần như chưa có một trường đại học nào có chương trình đào tạo kiến thức cơ bản của ngành robot một cách tổng hợp và có hệ thống. Ngay lúc này, ông Setokuma – Chủ tịch Trường ĐHCN Chiba và Ban quản trị nhận thấy rằng bởi vì chưa từng có tại các trường đại học khác nên việc xây dựng ngành công nghệ robot lại càng có giá trị. Từ đó, Trường ĐHCN Chiba hướng tới việc tạo nên một ngành học mang tính đột phá. Và đến lúc này, ông Susaku Maeda đã khẳng định trong tương lai ngành công nghệ robot sẽ trở thành một tồn tại không thể thiếu đối với Trường ĐHCN Chiba.

GS.Ken Tomiyama tham quan các sản phẩm robot tại Trường ĐHCN

    Nói đến nhu cầu nguồn nhân lực về robot – tự động hóa, ông Đỗ Đức Dũng – đại diện lãnh đạo của Công ty điện tử Samsung Việt Nam khẳng định, hiện nay nhu cầu về nguồn nhân lực cao cấp nói chung và robot – tự động hóa nói riêng là rất lớn, đặc biệt tại các doanh nghiệp FDI. Đối với Công ty điện tử Samsung Việt Nam, các dây truyền sản xuất có tính tự động hóa lên tới 80% sử dụng khoảng 10.000 robot từ 4-6 trục được cung cấp bởi Nachi/ABB… Do đó, lượng kỹ sư/kỹ thuật viên cần để điều khiển, bảo dưỡng, cải tiến dây truyền sản xuất luôn phải duy trì lên tới hàng ngàn người. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải tuyển dụng nhân lực thông qua các ngành liên quan như Tự động hóa, Điện tử, Cơ khí… vì tại Việt Nam chưa có trường đại học đào tạo về công nghệ robot. Nhưng sau khi tuyển dụng doanh nghiệp thường phải mất từ 6-12 tháng để đào tạo kỹ sư/kỹ thuật viên vận hành robot ở mức đơn giản nhất. Bởi vì 100% lượng robot nhập từ nước ngoài, kỹ sư/kỹ thuật viên Việt Nam chỉ có thể vận hành, còn việc nghiên cứu chế tạo và phát triển chỉ dừng ở mức thử nghiệm quy mô nhỏ.

    Bắt đầu từ 03 năm trước, nhận thấy xu thế tất yếu về nguồn nhân lực của ngành robot trong thời gian tới tại Việt Nam, Trường ĐHCN đã cùng trao đổi và hợp tác với ông Setokuma – Chủ tịch Trường ĐHCN Chiba và Giáo sư Furuta – Giám đốc Viện nghiên cứu robot về việc thành lập một ngành mới giống như ngành công nghệ robot tương lai của Trường ĐHCN Chiba. Với sự hỗ trợ của Trường ĐHCN Chiba về chương trình đào tạo, phương pháp triển khai giảng dạy và xây dựng phòng nghiên cứu thực hành đến năm 2018, Trường ĐHCN đã tuyển sinh thành công khóa sinh viên đầu tiên của ngành Kỹ thuật robot. Ông Susaku Maeda cho biết, dù ở Việt Nam nhưng các bạn sinh viên sẽ được học theo chương trình công nghệ robot tiên tiến nhất của Nhật, với phương pháp đào tạo mới nhất. Vì vậy, dự án này được Bộ Giáo dục và Khoa học công nghệ Nhật Bản công nhận là một mô hình hợp tác có hiệu quả, nhằm thúc đẩy triển khai quốc tế hóa các chương trình đào tạo của Nhật Bản ra nước ngoài. Năm 2018, trong 12 dự án được Bộ Giáo dục và Khoa học Công nghệ Nhật Bản công nhận thì đây là một trong những dự án nhận được nguồn hỗ trợ kinh phí từ phía chính phủ Nhật Bản. Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu cho ngành mới này, hằng năm Trường ĐHCN Chiba dành 03 vị trí nghiên cứu viên khách mời đối với đội ngũ giảng viên của Trường ĐHCN sang thực tập trực tiếp 03 tháng tại Nhật Bản. Ông Susaku Maeda cũng tin tưởng rằng với mô hình hợp tác này sau 04 năm nữa khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp sẽ trở thành các kỹ sư chất lượng đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

TS. Đinh Triều Dương (đứng thứ hai, bên phải ảnh sang) giới thiệu các sản phẩm robot do cán bộ và sinh viên Trường ĐHCN thực hiện

    Để khẳng định một lần nữa về chương trình và chất lượng đào tạo của ngành Kỹ thuật robot, TS. Đinh Triều Dương nhấn mạnh trong quá trình soạn thảo khung chương trình nhóm soạn thảo luôn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của các giáo sư đến từ Trường ĐHCN Chiba. Đến nay, chương trình đào tạo này đang vận hành và có nội dung khá gần với chương trình đào tạo về kỹ thuật robot đang triển khai tại Trường ĐHCN Chiba. Chương trình này có nhiều điểm khác so với cách vận hành của các chương trình đào tạo truyền thống. Trong năm học đầu tiên, các sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức thuộc khối kiến thức nhằm cung cấp nền tảng vững chắc về Toán học, Vật lý đại cương, Lập trình cơ bản và Ngoại ngữ. Đặc biệt là, tại học kỳ đầu của năm thứ nhất, sinh viên đã được học các môn phục vụ trực tiếp cho bài toán robot như Toán ứng dụng cho robot, Cơ học cho robot, Lập trình cho robot… Và tham gia các khóa học trải nghiệm robot hay khám phá robot giúp sinh viên sớm được tiếp cận ngay với đối tượng robot, nắm được khái niệm robot và được nhìn thấy tận mắt robot kích thích sự tò mò khám phá và sáng tạo cho sinh viên. Đến năm thứ 2, sinh viên có thể tự thiết kế chế tạo được một số robot thông minh, tay máy robot, robot công nghiệp có cấu hình đơn giản. Đến năm thứ 3 và thứ 4 sinh viên được học môn chuyên sâu về Động học, Động lực học, các cơ cấu chấp hành…

Buổi hội thảo đã diễn ra thành công với sự thích thú của sinh viên khóa đầu tiên của ngành Kỹ thuật robot khi trực tiếp được tiếp cận, trải nghiệm các sản phẩm robot phục vụ cộng đồng do Trường ĐHCN Chiba nghiên cứu. Đồng thời hội thảo còn giúp sinh viên định hướng được cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

 Trường ĐHCN Chiba được thành lập năm 1942, xếp thứ hai về trường đại học dân lập thuộc lĩnh vực công nghệ có bề dày lịch sử lâu đời. Hiện nay, bậc đại học và sau đại học có khoảng 10.000 người học, trong đợt tuyển sinh năm 2018 có hơn 80.000 đăng ký nguyện vọng vào trường, đứng thứ 10 trong tổng số 779 trường đại học tại Nhật Bản. Bậc đại học có 05 khoa với 17 ngành học, bậc sau đại học có 03 khoa với 09 chuyên ngành và 05 trung tâm nghiên cứu chuyên ngành phụ thuộc. Trong đó, Trung tâm nghiên cứu công nghệ robot tương lai (Furo) là nguồn động lực chính thúc đẩy việc hình thành ngành công nghệ robot tại trường. Năm 2011, robot xử lý sự cố trong thảm họa động đất sóng thần tại Nhật do Furo phát triển được vận hành hiệu quả trong việc khảo sát bên trong nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Năm 2018, Furo đã hợp tác cùng Tập đoàn Panasonic nghiên cứu các thiết bị gia dụng thế hệ mới ứng dụng robot. Ngoài ra, Furo đã và đang hợp tác với nhiều đối tác trong các dự án khác như Tập đoàn Mitsubishi chế tạo robot Sakura số 2 với khả năng chống cháy nổ cao; Tập đoàn xây dựng Taisei-Kensetsu chế tạo robot kiểm tra hiện trường cỡ nhỏ tên gọi Chery… Đặc biệt, Furo còn tham gia vào dự án cấp quốc gia về chuẩn bị cho sự kiện Thế vận hội Olympic 2020 sẽ tổ chức tại Tokyo, cụ thể là phát minh chế tạo robot vận chuyển tự động sử dụng tại các điểm thi đấu.

Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan